Trong nước

Hàng không vẫn khó khăn dù quý I báo lãi

Nguyệt Quỳnh 18/05/2024 15:01

Tình hình kinh doanh khởi sắc trong quý I với mức lãi khủng của một số doanh nghiệp hàng không là bước đà cho quý II. Tuy nhiên, khó khăn tài chính tích tụ cùng vấn đề thiếu hụt tàu bay, chi phí đầu vào tăng cao… tiếp tục bủa vây các hãng hàng không.

fb9d52a4df3d7e63272c.jpg
Dù quý I đồng loạt báo lãi, hàng không trong nước mới chỉ có lãi ngắn hạn. Ảnh: VPG.

Báo cáo tài chính quý I của các hãng hàng không nội địa ghi nhận mức doanh thu tăng trưởng ấn tượng so với con số thua lỗ của cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, hàng không mới chỉ có lãi ngắn hạn.

Sức khoẻ tài chính chưa ổn định

Mới đây tại hội thảo bàn về hạ nhiệt giá vé máy bay do báo Thanh Niên tổ chức, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Airlines, cho biết hoạt động bay của các hãng hàng không hiện nay phần lớn là lỗ, phần lãi thu lời từ nhiều hoạt động phụ trợ khác.

"Trên thế giới không có quốc gia nào mà tất cả hãng hàng không đều lỗ đến khó thở như Việt Nam. Một số hãng trong nước còn không dám công bố, âm thầm chịu đựng", ông Kỳ nói.

Cũng tại hội thảo, hầu hết đại diện các hãng hàng không trong nước đều cho rằng sau 3 năm Covid-19, khó khăn tài chính tích tụ, một số hãng muốn giảm giá vé nhưng khó làm, bởi theo họ còn phải lo tồn tại trước.

Ông Trương Việt Cường, Phó tổng giám đốc Bamboo Airways, nói rằng hiện nay các hãng hàng không vẫn rất khó khăn, sức khỏe tài chính xấu sau nhiều năm tích tụ. Trước đây khi mới ra đời, Bamboo Airways liên tục mở đường bay mới, bán nhiều vé ở mức giá rẻ để chiếm lĩnh thị phần. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại ông Cường khẳng định hãng không thể làm được như vậy vì còn phải "lo cơm ăn, áo mặc trước".

Bên cạnh đó, tương tự ngành du lịch du lịch, lao động ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ năm 2020 đến nay. Với Bamboo Airways, quỹ lương đã giảm khoảng 70% đồng thời việc giảm lương, chậm lương, hay cắt hợp đồng lao động trong ngành này hiện vẫn chưa chấm dứt.

Tương tự, Vietravel Airlines báo lãi trong quý I hơn 10 tỷ đồng, doanh thu đạt trên 491 tỷ đồng, tăng gần 42% so với cùng kỳ 2023 nhưng hiện nay phải đối mặt với nhiều thách thức.

Ông Lê Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc Vietravel Airlines, thừa nhận giá vé máy bay từ đầu năm đến nay có tăng song điều này không giúp các hãng hàng không có bước đột phá trong giai đoạn hồi phục mà hầu hết hãng bay tại Việt Nam hiện nay vẫn rất khó khăn.

Các hãng hàng không hiện nay vẫn âm vốn chủ sở hữu, tài sản của các hãng có thể lớn nhưng hầu như là đi thuê, vay ngân hàng và vấn đề nguồn vốn cũng là thách thức lớn khi đi vay phải có tài sản đảm bảo. Bên cạnh đó, hàng không phải chấp nhận lấy "ngắn nuôi dài", lấy mùa cao điểm nuôi mùa thấp điểm.

Đối với Vietnnam Airlines, tính đến hết ngày 31/3, vốn chủ sở hữu của hãng hàng không quốc gia vẫn âm hơn 12.500 tỷ đồng sau khi lỗ hơn 40.000 tỷ đồng giai đoạn 2020-2023. Vietnam Airlines đã kinh doanh dưới giá vốn (doanh thu không đủ bù đắp chi phí) 8 trong 16 quý của giai đoạn này. Hãng này từng phải đề xuất áp dụng mức giá sàn từ 560.000 đồng đến 1,4 triệu tùy chặng để tránh tình trạng giá vé chạm đáy vào nhiều thời điểm.

Đến năm 2022 sau khi đại dịch chấm dứt, các hãng lại phải đối mặt với tình trạng càng bay nhiều, càng lỗ lớn khi nhiên liệu có lúc lên tới 160 USD một thùng, gấp hơn 2 lần trước năm trước đó. Mãi đến quý I, Vietnam Airlines, Vietjet Air mới có lãi lớn hơn nhờ hoạt động bay quốc tế phục hồi mạnh và cao điểm Tết.

Tổng doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines (bao gồm doanh thu thuần, doanh thu hoạt động tài chính và thu nhập khác) đạt hơn 31.700 tỷ đồng, tăng trưởng 32,8% so với cùng kỳ; lợi thuận sau thuế đạt 4.441 tỷ đồng, đảo chiều ngoạn mục so với mức lỗ 37 tỷ đồng cùng kỳ. Doanh thu vận tải hàng không quốc tế của Vietnam Airlines đạt hơn 13.800 tỷ đồng, tăng 30,4% so với cùng kỳ 2023.

Trong quý I, Vietnam Airlines ghi nhận khoản thu nhập khác đột biến tới 3.630 tỷ đồng, cao gấp 100 lần cùng kỳ (36 tỷ đồng); trong đó, thu nhập từ xoá nợ đạt hơn 3.030 tỷ đồng.

Mặc dù không ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục, Vietjet Air (VJC) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh hồi phục tích cực. Quý 1/2024, doanh thu hợp nhất của VJC đạt 17.791 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp của VJC cũng cải thiện từ mức 1.062 tỷ đồng cùng kỳ lên 1.745 tỷ đồng quý I năm nay. Nhờ vậy, hệ số biên lợi nhuận đạt 9,8%, tốt hơn mức 8,2% quý I/2023. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của VJC đạt 540 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ.

Tuy nhiên, theo Phó tổng giám đốc Đặng Anh Tuấn, Vietnam Airlines cũng như các hãng hàng không khác trên trên thế giới cũng chỉ có thể lãi được 1 USD/khách trong các điều kiện thị trường như hiện nay, nếu gặp thời tiết bất lợi thì khoản lợi nhuận này cũng không còn.

Còn lãnh đạo Vietjet Air nói rằng thực tế các hãng bay cũng chỉ sống được nửa tháng Tết, hai tháng cao điểm hè, thời gian còn lại đa phần vắng khách.

Lãi ngắn hạn chỉ giảm bớt khó khăn dài hạn

Chia sẻ với OpenSky, một chuyên gia hàng không cho biết những con số lợi nhuận mà các hãng hàng không đạt được trong quý I là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên đây mới chỉ là lãi ngắn hạn.

"Quý I các hãng hàng không có lãi vì mùa cao điểm, nhu cầu lớn, khả năng cung ứng không dư thừa, tỷ lệ lấp đầy các chuyến bay của các hãng đều 85% trở lên. Lãi ở một vài giai đoạn nào đấy trong năm đều là điều đáng mừng, có lãi ngắn hạn là giảm bớt khó khăn dài hạn. Tuy nhiên phải nhìn xem lãi đó có liên tục, kéo dài và bền vững hay không khi hiện nay nợ giai đoạn trước của các hãng vẫn tích tụ lớn dần trong bảng cân đối tài chính", chuyên gia này nói.

Bên cạnh những khó khăn về tài chính tích tụ, việc thiếu hụt tàu bay gây thách thức rất lớn cho các hãng hàng không Việt Nam. Số lượng tàu bay đang khai thác thực tế dao động 165-170 chiếc, thiếu khoảng 45-50 tàu so với bình quân lượng khai thác trong năm 2023. Cung giảm nhưng cầu vẫn tăng vì nhu cầu dịch chuyển, du lịch sau dịch tăng rất nhanh, mạnh.

Kế hoạch nhận tàu bay của các hãng hàng không trong năm nay cũng bị ảnh hưởng. Vietjet Air sẽ không nhận thêm bất kỳ tàu bay nào, Vietnam Airlines chỉ nhận thêm 2 chiếc Boeing 787 vào tháng 6 đến tháng 7 năm nay. Hiện tại, theo lộ trình tái cấu trúc đội bay, Pacific Airlines sẽ thuê khô (chỉ thuê tàu bay) 3 tàu bay từ Vietnam Airlines, Bamboo Airways chỉ khai thác 5 tàu bay, giảm 25 chiếc so với năm 2023.

Ngoài ra, chi phí nhiên liệu tăng kèm theo áp lực thay thế nhiên liệu thân thiện với môi trường; tỷ giá biến động mạnh, tiền đồng mất giá khoảng 5%, trong khi 70-75% cơ cấu tổng chi phí của hàng không là chi trả bằng ngoại tệ; chưa kể, giá vật tư, phụ tùng máy bay... thời gian qua đều tăng cũng bủa vây ngàng hàng không.

Do đó, để tiếp tục duy trì được kết quả kinh doanh, các doanh nghiệp hàng không cần lên trước kịch bản bản ứng phó và cần thêm sự phối hợp từ các cơ quan có liên quan.

Nguyệt Quỳnh