Trong nước

Hàng không Việt còn ‘bay gia công' là còn khổ

Vân Khanh 18/05/2024 10:36

Việc không làm chủ được công nghệ của ngành khiến Việt Nam chịu nhiều sức ép và dễ bị ảnh hưởng bởi thị trường thế giới.

Tại hội thảo “Hạ nhiệt vé máy bay được không?” do báo Thanh Niên tổ chức ngày 17/5, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corp nhận xét ngành hàng không Việt Nam chỉ đang “bay gia công" và “chưa nắm được công nghệ lõi" nên việc “bị ép, ảnh hưởng là điều rất bình thường".

Giá vé Việt Nam tương đương khu vực Đông Nam Á

Ông Kỳ cho biết về bản chất, hàng không cũng chỉ là một loại phương tiện vận tải công cộng nằm trong tổng thể quy hoạch chiến lược phát triển giao thông vận tải quốc gia. Lựa chọn loại hình giao thông công cộng nào, phụ thuộc vào nhu cầu và túi tiền của người sử dụng.

Với hàng không, cung lớn hơn cầu nhưng lại mong muốn có giá vé “thật rẻ” là vi phạm lợi ích hài hòa giữa các phương tiện trong tổng thể quy hoạch chiến lược.

Thực tế cho thấy giá vé máy bay cả thế giới “đều tăng chứ không chỉ Việt Nam”. Việc nói bay quốc tế rẻ hơn bay nội địa là “chưa thật sự theo sát ngành".

Ông Nguyễn Quốc Kỳ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Vietravel Airlines.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Vietravel Airlines.

Dẫn chứng thêm về điều này, vị chủ tịch cho biết hiện chỉ có duy nhất đường bay từ Việt Nam đi Thái Lan có giá mềm. Tuy nhiên, để có được mức giá đó, Chính phủ Thái Lan phải tổ chức du lịch theo từng gói, sản phẩm 3 trong 1 hay 4 trong 1.

“Mỗi cấu phần đều bán dưới giá thành, chịu lỗ nhưng thu lời từ dịch vụ mua bán, lưu trú, chủ yếu là shopping. Họ lấy tiền đó rồi chia ngược lại cho các đơn vị bù lỗ, cùng liên kết tạo thành 1 gói sản phẩm giá rẻ. Hình thức này hiện nay gần như chỉ mình Thái Lan có thể làm được”, ông nói.

Lý giải cho vấn đề trên, ông Kỳ chia sẻ với OpenSky rằng số lượng hãng, tiềm lực và chính sách của ngành hàng không Việt Nam khi so với các nước vẫn còn “khoảng cách nhất định".

Đơn cử Thái Lan, nếu đặt lên bàn cân so sánh với việc bay nội địa Việt Nam cần xem xét nhiều yếu tố như thuế phí về xăng dầu, tỷ giá đồng baht và hệ thống hạ tầng cung ứng. Chỉ riêng về chi phí đầu vào là xăng dầu, Thái Lan đã có ưu thế khi có mức giá thấp hơn.

Báo cáo của Cục Hàng không về tình hình giá vé máy bay nội địa trong 4 tháng đầu năm cũng chỉ ra giá vé trung bình hạng phổ thông trên một số đường bay (đã bao gồm thuế, phí) của các hãng hàng không Việt Nam đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, mức giá vẫn luôn bảo đảm nằm trong khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách theo quy định hiện hành, chỉ vào khoảng 38-68% so với mức giá tối đa của từng đường bay.

Cục Hàng không cũng thực hiện so sánh giá vé máy bay nội địa của Vietnam Airlines và một số nước trên thế giới và khu vực Đông Nam Á. Dựa theo số liệu công bố trên trang thông tin điện tử của các hãng hàng không quốc tế, mức giá vé máy bay trên một số đường bay trong khu vực Đông Nam Á đều tương đồng với giá vé của Vietnam Airlines.

Dữ liệu dựa trên báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam.
Dữ liệu dựa trên báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam (HAN-SGN: Hà Nội - TP.HCM; BKK-HKT: Bangkok - Phuket; TYO-FUK: Tokyo - Fukuoka; LAX-SFO: Los Angeles - San Francisco).

Nhìn chung, giá vé/km trên các chặng nội địa của Vietnam Airlines đang áp dụng ở mức tương đương với các hãng trong khu vực Đông Nam Á và thấp hơn đáng kể so với các hãng châu Âu và Bắc Mỹ.

Cục Hàng không đánh giá giá vé máy bay của các hãng hàng không Việt Nam tăng trong xu hướng chung trên thế giới do chịu tác động bởi các nguyên nhân chính gồm giá nhiên liệu tăng cao, chênh lệch tỷ giá ngoại tệ, việc triệu hồi động cơ của nhà sản xuất Pratt & Whitne, giá thuê tàu bay tăng cao và tình hình cung cầu vận tải hàng không.

Báo cáo xu hướng toàn cầu (Global Trend Report) do FCM Consulting (công ty cung cấp dịch vụ lữ hành đa quốc gia) cung cấp cũng ghi nhận thời điểm cuối năm 2023, giá vé máy bay quốc tế hạng phổ thông đã tăng 17-25% so với năm 2019.

Cầu liên tục tăng nhưng cung thiếu

Phân tích rõ hơn về thị trường hàng không hiện nay, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corp cho biết toàn thị trường đang có khoảng 270 tàu bay, thiếu khoảng 45-50 tàu. Cung giảm nhưng cầu vẫn tăng vì nhu cầu dịch chuyển, du lịch sau dịch tăng rất nhanh, mạnh.

Chia sẻ thêm với OpenSky, ông cho biết “tính cạnh tranh của ngành hàng không Việt đang thấp đi” do việc thành lập hãng bay mới khó. Việt Nam hiện chưa có chính sách rõ ràng trong việc hỗ trợ các hãng mới, khiến các hãng “rất chật vật". Điều này đã “làm triệt tiêu động lực của những người muốn tham gia vào ngành".

Thiếu tàu bay ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận hành của các hãng hàng không. Ảnh: Vietravel Airlines.
Thiếu tàu bay ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận hành của các hãng hàng không. Ảnh: Vietravel Airlines.

Lấy ví dụ từ chính doanh nghiệp của mình, vị chủ tịch cho biết đã rất nỗ lực nhưng vẫn gặp khó để định vị trên thị trường. Hầu như không có ưu đãi hay cơ chế riêng nào hỗ trợ mà phải đi theo những quy định chung.

Đáng chú ý, gần như toàn bộ công nghệ phục vụ bay và phương tiện bay của các hãng hàng không Việt Nam hiện nay đều ở dạng thuê mua, rất ít người sở hữu nguyên chiếc máy bay. Từ phần mềm bay trên bầu trời cho đến quản lý dưới mặt đất, từ sửa chữa động cơ cho đến trang thiết bị, hệ thống check-in/check-out “đều phải đi thuê”. Toàn bộ hoạt động là thuê mua thì tất nhiên “chi phí rất cao” và “bị động”.

“Đây gọi là bay gia công", ông Kỳ nhận định. Ngành may lấy công làm lãi thì giờ hoạt động bay cũng gần như lấy công làm lãi. Một ngành kinh tế quan trọng như hàng không nhưng Việt Nam không nắm được gì thì sẽ bị ép khắp nơi. Bay càng nhiều càng lỗ, các hãng hiện đều phải lấy lời từ những dịch vụ phụ trợ khác.

Để làm chủ công nghệ, việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành hàng không cũng rất quan trọng. Hiện các trường đào tạo ở Việt Nam “còn quá ít" dẫn đến tình trạng “quá thiếu" nhân sự. Nếu thành lập được hãng bay cũng không có người triển khai, ông Kỳ nói thêm với phóng viên.

Ngoài ra, các hãng hàng không Việt đều đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khiến giá vé đẩy lên cao.

Cụ thể có thể kể đến các nguyên nhân chính như thiếu hụt tàu bay, có tiền cũng không thể thuê được máy bay, gây ra tình trạng cầu vẫn tăng nhưng cung không đủ đáp ứng. Tiếp theo là về chi phí nhiên liệu tăng kèm theo áp lực thay thế nhiên liệu thân thiện với môi trường. Ngoài ra, tỷ giá biến động mạnh, tiền đồng mất giá khoảng 5%, trong khi 70-75% cơ cấu tổng chi phí của hàng không là chi trả bằng ngoại tệ. Chưa kể, giá vật tư, phụ tùng máy bay... thời gian qua đều tăng.

Dự báo xu hướng sắp tới, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corp nhận định tình trạng thiếu máy bay, chi phí đầu vào cao “chắc chắn sẽ bủa vây ngành hàng không, ít nhất đến cuối năm”.

Vì thế, muốn tìm lời giải cho bài toán "hạ nhiệt" vé máy bay thì đòi hỏi sự chung tay của rất nhiều đơn vị. Hàng không, du lịch và các dịch vụ liên quan nên liên kết và ngồi lại với nhau để tìm được phương án tốt nhất.

Vân Khanh