Tàu khách

Boeing 787 Dreamliner: 'Người mộng mơ' không mơ mộng

Hoàng Anh 18/05/2024 08:43

Boeing 787 mang đến một kỷ nguyên mới về vật liệu và tính kinh tế mà Airbus phải cố gắng bắt kịp.

Biểu tượng tiến bộ khoa học kỹ thuật hàng không

Năm 2003, Boeing tổ chức một cuộc thi đặt tên cho mẫu 7E7 họ sắp ra mắt. Hãng đề xuất 4 cái tên: Dreamliner, Global Cruiser, Stratoclimber và eLiner. Cuộc thi thu hút gần 500.000 người từ 160 quốc gia trên hành tinh tham dự bầu chọn. Cái tên mỹ miều “Dreamliner" (Người mộng mơ) giành chiến thắng với khoảng cách sít sao chỉ 2.500 phiếu so với á quân Global Cruiser (Tuần dương địa cầu). Sau này, 7E7 cũng đổi tên thành 787 và ta có chiếc 787 Dreamliner như ngày nay.

"Người mộng mơ" thực ra không mơ mộng như cái tên. Boeing thiết kế nó để phục vụ những mục tiêu thực dụng: không chạy theo sức chứa và tốc độ, tiết kiệm nhiên liệu, giảm tiếng ồn và xả thải ra môi trường ít hơn các sản phẩm tiền nhiệm. Tất cả nhằm giúp tối ưu hoá chi phí cho đối tác.

787 Dreamliner là chiếc máy bay đầu tiên có hơn một nửa bộ khung được làm từ polymer gia cố bằng sợi carbon (CFRP) hay còn gọi là composite carbon. Mỗi chiếc máy bay chứa 35 tấn CFRP, được làm từ 23 tấn sợi carbon nguyên chất. CFRP nhẹ hơn nhưng lại cứng hơn nhôm, không rỉ sét, không lão hoá.

Chiếc 787 đầu tiên bàn giao cho hãng ANA. Ảnh: Boeing.
Chiếc 787 đầu tiên bàn giao cho hãng ANA. Ảnh: Boeing.

Tiến bộ kỹ thuật giúp 787 nhẹ hơn 20% so với máy bay dùng kết cấu kim loại thông thường nhưng vẫn đảm bảo độ bền cao, cho phép thân tàu chịu được tốt hơn áp lực giãn nở và co lại khi hoạt động trong nhiều điều kiện khác nhau.

Giảm trọng lượng song hành với giảm đốt cháy nhiên liệu. 787 hạ mức tiêu thụ nhiên liệu và lượng khí thải CO2 từ 20% đến 30% so với các máy bay đời trước ở cùng kích cỡ. Giảm hàm lượng kim loại nên máy bay này cũng bớt được 30% đến 40% chi phí bảo dưỡng độ mỏi và độ ăn mòn.

Khủng hoảng kinh tế, giá nhiên liệu tăng khiến các hãng bay ưa chuộng dòng máy bay 2 động cơ như 787 để khai thác đường bay dài, thay vì 4 động cơ tốn kém. Động cơ của Dreamliner còn cải thiện hiệu suất khoảng 40%. Cung cấp nhiều lợi ích kinh tế như vậy, dễ hiểu khi “Người mộng mơ" nhận hàng loạt đơn đặt hàng.

Tính đến hết tháng 4 năm nay, Boeing đã nhận đặt hàng tổng cộng 1.915 chiếc này. Họ giao 1.127 chiếc và còn tồn đọng 788 chiếc. Dreamliner thành công vang dội về mặt doanh số khi giữ vị trí máy bay thân rộng bán chạy nhất lịch sử, qua mặt các đối thủ Airbus A330neo và A350. “Người mộng mơ" tung những cú đấm quyết định hạ knock-out Airbus A380, chú voi ăn uống tốn kém.

787 đã kích hoạt hơn 315 đường bay thẳng mới, vận chuyển hơn 559 triệu hành khách và hoàn thành hơn 2,7 triệu chuyến bay. Nhiều hành khách ưa thích Dreamliner vì khung cửa sổ chiều cao lên tới 47 cm, chiều rộng 27 cm, lớn nhất thế giới hiện nay. Nó sử dụng tấm che cửa thông minh được điều khiển bằng điện tử thay vì các tấm che bằng nhựa như truyền thống.

z5451669058814_75f2837c3c7fc075d73449e8217d2f31.jpg
z5451669095298_0303b58576e67e4dcf63c5e28c15f47a.jpg
Cửa sổ lớn trên 787. Ảnh: Airline Reporter.
Cửa sổ lớn trên 787. Ảnh: Airline Reporter.

Hành khách có thể tự điều chỉnh 5 cấp độ mờ tùy theo nhu cầu ánh sáng và tầm nhìn, qua đó giảm thiểu hiện tượng chói, lóa ở cabin trong khi vẫn duy trì tầm nhìn bên ngoài.

Độ ẩm và áp suất trong cabin được giữ tương đương với áp suất ở độ cao 1,8 km (thấp hơn 600 m so với các thế hệ tàu bay khác), giảm mệt mỏi cho các hành khách trong quá trình bay.

Boeing 787 cũng là một trong những mẫu máy bay an toàn nhất. Bay thương mại chuyến đầu tiên vào tháng 9/2011, tính đến nay đã gần 13 năm, nó gặp 8 vụ tai nạn và sự cố, không có trường hợp tử vong và không có tổn thất về thân tàu.

Lùm xùm

Chẳng mẫu máy bay nào tồn tại mà chỉ bước trên toàn hoa hồng và 787 không ngoại lệ.

anh-chup-man-hinh-2024-05-17-luc-18.01.43.png
787 là quân bài chiến lược của Boeing. Ảnh: Airplane Pictures.

Dù đạt tỷ lệ an toàn cao, 787 cũng vướng phải nhiều lùm xùm về chất lượng. Cuối 2020, “Người mộng mơ" gặp sự cố về điện và hàng loạt sai sót trong sản xuất. Điều này khiến Boeing phải đình chỉ giao hàng trong suốt gần hai năm từ cuối 2020 đến tháng 8/2022, khiến công ty thiệt hại khoảng 5,5 tỷ USD. 787 là nguồn tiền mặt quan trọng với Boeing vì khách hàng thường thanh toán ngay khi nhận bàn giao, theo CNBC.

Hoặc như tháng 4 vừa qua, cựu kỹ sư Sam Salehpour của Boeing báo cáo quá trình lắp ráp chiếc 787 gây áp lực cao không cần thiết lên các khớp nối của máy bay. Sam Salehpour kết luận quy trình sản xuất không hề lý tưởng này sẽ làm giảm đáng kể tuổi thọ máy bay.

Cựu kỹ sư Boeing quả quyết ông đã cố gắng nêu lên những lo ngại này với Boeing nhưng bị công ty khiển trách. Cục Hàng không Liên bang (FAA) đang điều tra các cáo buộc của Salehpour. Boeing đưa ra tuyên bố bác bỏ những cáo buộc này.

Ngay sau đó, một lùm xùm khác lại xảy đến với 787. Đầu tháng 5, FAA thông báo một cuộc điều tra mới, nhằm làm rõ cáo buộc nhân viên Boeing làm giả hồ sơ kiểm tra chất lượng. Chính Boeing tiết lộ nhân viên tại nhà máy lắp ráp 787 ở Charleston, Nam Carolina đã làm giả hồ sơ. Theo báo cáo, các nhân viên bỏ qua một số cuộc kiểm tra liên kết tại phần nối cánh với thân máy bay.

Tương lai của “Người mộng mơ"

Bất chấp một vài lùm xùm, 787 vẫn đứng trước tương lai xán lạn. Không có dấu hiệu nào cho thấy tuổi đời của “Người mộng mơ" ngắn ngủi.

Nhà máy lắp ráp 787. Ảnh: CNBC.
Nhà máy lắp ráp 787. Ảnh: CNBC.

Khoảng 40 hãng bay đang sử dụng Dreamliner, trong đó các hãng Nhật Bản và Mỹ thể hiện sự yêu thích lớn nhất. ANA (Nhật Bản) là khách hàng đầu tiên của 787. Ngày nay hãng vẫn trung thành, vận hành đội bay 787 lớn nhất với 81 chiếc và 17 chiếc khác đang đặt hàng. American Airlines và United Airlines cũng là những người mua sắm nhiệt huyết, với lần lượt là 55 và 69 chiếc. United còn hơn 100 chiếc chưa được giao.

Tuy nhiên, Boeing đã nói với các nhân viên hồi cuối tháng 4 rằng họ dự kiến ​​tốc độ sản xuất và giao hàng 787 tăng chậm hơn, do thiếu nhà cung cấp một số bộ phận quan trọng. Từ đỉnh cao sản xuất 14 chiếc mỗi tháng vào năm 2016, nay Boeing chỉ còn cho ra lò 5 chiếc mỗi tháng vì chịu sự giám sát chặt chẽ của nhà chức trách sau hàng loạt bê bối.

Boeing vẫn có kế hoạch tăng đều đặn năng lực của mình để đáp ứng "nhu cầu mạnh mẽ". Mục tiêu của họ là sản xuất 10 chiếc mỗi tháng.

Hoàng Anh