Quân sự

F-35 - dự án tiêm kích tốn kém nhất lịch sử

Nguyễn Thắng 17/05/2024 17:18

Dự án phát triển F-35, dòng tiêm kích phản lực thế hệ thứ 5 của Mỹ, có thể tiêu tốn tới 2.000 tỷ USD.

Với số tiền tương đương với GDP của cả nước Nga năm 2023, đây là dự án phát triển chiến đấu cơ tốn kém nhất lịch sử. So với ước tính từ năm 2018, dự toán chi phí cho F-35 đã tăng 44%.

F-35 có thể được sử dụng đến năm 2088, dài hơn 11 năm so với kế hoạch ban đầu, cùng với tình hình lạm phát là những nguyên nhân được chính phủ Mỹ đưa ra giải thích việc tiêu tốn nhiều tiền hơn cho dự án này. Tuy nhiên còn nhiều nguyên nhân khác khiến cho việc phát triển F-35 trở nên đắt đỏ như vậy.

Một dự án tham vọng

F-35 tên đầy đủ là F-35 Lightning II (Tia chớp), là tên gọi chung cho 3 biến thể máy bay khác nhau dựa trên thiết kế cơ sở X-35 của dự án phát triển máy bay tiêm kích phối hợp (JSF) một chỗ ngồi. Đây là dòng tiêm kích phản lực thế hệ thứ 5 có khả năng tàng hình, thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như yểm trợ cận chiến, ném bom chiến thuật...

JSF là dự án nghiên cứu và chế tạo vũ khí lớn nhất của Mỹ và các nước đồng minh kể từ sau Chiến tranh lạnh. Dự kiến, khoảng 100 máy sẽ ra đời mỗi năm sau khi hoàn thành thử nghiệm.

F-35 được gộp lại từ 2 nền tảng: Thiết kế máy bay thay thế AV-8B Harrier II và thiết kế máy bay thay thế F/A-18, F-16. Dựa trên thiết kế cơ sở, phát triển các biến thể khác nhau, ba phiên bản F-35 ra đời. F-35A là loại cất và hạ cánh bình thường, thay thế F-16. F-35B là loại cất cánh khoảng cách ngắn và đáp thẳng xuống, thay thế AV-8B. Cuối cùng là F-35C, phiên bản trang bị cho hàng không mẫu hạm thay thế F/A-18.

Nguồn gốc tên F-35

Trước khi F-35 được đưa vào biên chế, F-22 Raptor (Chim săn mồi) là mẫu chiến đấu cơ mới nhất, hiện đại nhất của Mỹ. Khi biết đến chương trình JSF, F-24 là cái tên mặc định được giới quân sự nghĩ đến khi mẫu máy bay này ra đời.

Ngày 7/7/2006, Không quân Mỹ chính thức thông báo F-35 Lightning II là tên máy chiến đấu tiên tiến nhất của mình khiến cả thế giới ngỡ ngàng. Chính nhà sản xuất Lookheed Martin cũng bất ngờ với tên gọi này.

Ngày 26/10/2001, mẫu thử nghiệm X-35 của Lookheed Martin đã đánh bại mẫu X-32 của Boeing trong cuộc chạy đua giành hợp đồng phát triển và trình diễn hệ thống dự án JSF. Các quan chức của Bộ quốc phòng Mỹ và Anh tuyên bố X-35 vượt trội hơn X-32, mặc dù cả hai đáp ứng và vượt các yêu cầu đặt ra. Nhiều nguồn tin cho rằng X-35 chính là nguồn cảm hứng để Mỹ “nhảy cóc” từ F-22 lên thẳng F-35.

Được thiết kế trở thành tiêm kích mạnh nhất

Như các tiêm kích thế hệ 5 khác, F-35 được thiết kế trở thành một máy bay tàng hình với diện tích phản xạ hiệu dụng với radar (RCS) chỉ khoảng 0,005 m2. Tiêm kích đắt nhất lịch sử được trang bị động cơ lưỡng mạch có buồng tăng lực F135-PW-100/400/600 của Pratt & Whitney.

Đây là loại động cơ tiêm kích có công suất mạnh nhất hiện nay với lực đẩy ở chế độ tăng lực đạt 20 tấn trong khi của động cơ F119 trên F-22 chỉ đạt 16 tấn và AL-31FP của Nga chỉ đạt 12,5 tấn.

F-35 còn được trang bị nhiều hệ thống điện tử hiện đại khác. Phần mềm của hệ thống điện tử hàng không trên F-35 có tới 5,7 triệu dòng mã lập lập trình trong khi con số này ở F-22 là 1,7 triệu dòng.

Không những thế, kể từ khi được đưa vào biên chế năm 2016, Mỹ còn đổ thêm hàng chục tỷ USD để nâng cấp cho “con cưng” của mình.

Điểm mạnh của F-35 là sự kết hợp hoàn hảo giữa hệ thống vũ khí tầm xa, cảm biến hiện đại, kỹ thuật tàng hình và hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh.

F-35 có nhiều công nghệ mà chiếc F-22 tiền nhiệm không có như hệ thống khẩu độ phân tán, kính ngắm gắn trên mũ bay.

“Không còn nghi ngờ gì nữa, F-35 là máy bay chiến đấu tiên tiến nhất trên thế giới. Chúng tôi tiếp tục thực hiện các cải tiến, để luôn giữ cho nó vượt xa mọi mối đe dọa”, Bridget Lauderdale, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc chương trình F-35 của Lockheed, cho biết.

Liên tục gặp sự cố

Đầu tháng 8/2016, sau nhiều lần trì hoãn do chưa đáp ứng được các thông số kỹ thuật, 15 máy bay chiến đấu F-35A đầu tiên đã được Không quân Mỹ chấp nhận dưa vào biên chế. Chưa đầy một tháng sau, 10 chiếc trong số chúng đã bị tạm dừng hoạt động.

Các chuyên gia Không quân Mỹ đã phát hiện ra vật liệu cách nhiệt trong hệ thống làm mát khoang nhiên liệu trên một số máy bay F-35 chỉ một thời gian ngắn sử dụng đã biến dạng và có nguy cơ bục vỡ.

Trước đó, Không quân Mỹ cũng phát hiện hệ thống ghế phóng thoát hiểm trên F-35A có thể gây thương tích cho phi công, đặc biệt là phần cổ. Ngoài ra, hệ thống tái tạo dưỡng khí trên khoang của máy bay F-35, cũng gặp vấn đề nghiêm trọng.

Đầu năm 2021, Lầu Năm Góc cho biết tiêm kích hiện đại nhất của Mỹ có 871 lỗi phần mềm và phần cứng. Tháng 3/2023, cơ quan này phát lệnh thu hồi toàn bộ gần 900 chiếc F-35 trên toàn cầu để khắc phục lỗi động cơ sau các sự cố tại một số quốc gia, đặc biệt là vụ rơi máy bay tại Beaufort, bang Nam Carolina, Mỹ.

Sang năm nay, trong một báo cáo, Bộ Quốc phòng Mỹ thừa nhận chương trình F-35 đã gặp nhiều vấn đề, khó khăn về độ tin cậy và kéo dài thời gian khắc phục với lỗi nghiêm trọng. Máy bay mắc phải ít nhất 65 thiếu sót cơ bản, không đáp ứng được các thông số kỹ thuật thử nghiệm căn bản.

Việc liên tục bảo dưỡng và sửa chữa kéo dài cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến số tiền Mỹ và đồng minh đổ vào dự án này tăng đột biến.

Nghi ngờ về khả năng tác chiến

Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố F-35 “vượt lên trên tất cả mọi khả năng đe dọa”. Tuy nhiên các thông số thử nghiệm lại cho kết quả ngược lại.

Năm 2015, trong một cuộc không chiến giả định, diễn ra tại khu vực gần căn cứ Không quân Edward, bang California, một chiến đấu cơ tàng hình F-35 đọ sức về tốc độ, hỏa lực và độ linh hoạt với chiếc máy bay chiến đấu F-16 được chế tạo từ những năm 1970. Ở độ cao từ 3.000 đến 9.000 m, phi công trên hai tiêm kích có thể dùng mọi vũ khí để hạ gục đối phương.

Tuy nhiên, theo báo cáo của phi công điều khiển F-35, tiêm kích được cho là hiện đại và đắt nhất trong lịch sử quân đội Mỹ quá chậm khi tấn công máy bay đối phương hoặc né đạn.

Viên phi công cho hay sản phẩm của công ty Lockheed Martin có điểm bất lợi ở khả năng cơ động, dù F-16 có gắn hai bình nhiên liệu phụ khiến trọng lượng của nó tăng đáng kể. Ông cũng đề cập tới một số vấn đề về khí động học, đặc biệt ở phần mũi máy bay khi nó tăng tốc.

Cùng quan điểm với phi công Mỹ, 2 chuyên gia Bill French và Daniel Edgren đăng trên diễn đàn National Security Network (NSN), cho rằng F-35 hạn chế về tốc độ cũng như khả năng nhào lộn.

Tốc độ tối đa của F-35 là Mach 1,6 (1.800 km/h), quá chậm so với Mach 2,2 (2.500 km/h) của Su-27, thậm chí còn thua cả MiG-21 được sản xuất từ thời Chiến tranh lạnh.

Hai chuyên gia cũng nhận định phạm vi hoạt động của F-35 quá ngắn so với sự rộng lớn của châu Á - Thái Bình Dương. Bán kính hoạt động của siêu tiêm kích này khoảng 1.000 km. Trong khi đó, Su-27 hay J-11, những tiêm kích chủ lực của Trung Quốc có bán kính chiến đấu khoảng 1.400 km.

Với cấu hình chiến đấu đầy đủ nhất, siêu tiêm kích chỉ có thể mang theo 4 tên lửa tầm xa. Trong khi đó, Su-27 có đến 10 điểm treo, Su-35 sở hữu tới 12 giá cho vũ khí hỗn hợp cả tầm xa lẫn tầm gần. Nếu F-35 không thể tiêu diệt đối phương từ khoảng cách xa, tiêm kích này sẽ rơi vào thế bất lợi trong không chiến cự ly gần.

Công nghệ tàng hình có đáng để đánh đổi

Công nghệ tàng hình luôn là thứ đầu tiên được giới chức Mỹ nhắc tới đầu tiên khi nói về dự án tiêm kích tốn kém của mình. Chỉ số RCS của F-35 vào khoảng 0,005 m2 khiến nó trở thành một trong những máy bay chiến đấu khó bị phát hiện nhất.

Để đạt được chỉ số RCS lý tưởng đồng thời giảm giá thành sản xuất thuận lợi cho việc triển khai quy mô lớn, F-35 được thiết kế trở thành máy bay chiến đấu hạng nhẹ với 1 động cơ phản lực và mang số lượng vũ khí hạn chế.

Lợi thế của F-35 là tính năng tấn công mục tiêu vượt tầm nhìn. Tên lửa trên máy bay này có tầm bắn 180 km, xa hơn hầu hết các tên lửa không đối không khác, được hỗ trợ bởi hệ thống dẫn đường hiện đại. Để tối ưu diện tích phản xạ, khoang vũ khí bên trong thân chỉ đủ chỗ cho 4 quả tên lửa.

David Axe, một trong những nhà phê bình hàng đầu về dự án F-35, cho rằng trong khi tính năng tiêu diệt đối phương từ xa còn là một ẩn số, sự yếu kém trong không chiến quần vòng sẽ khiến nó phải trả giá khi đối đầu với các tiêm kích nhanh nhẹn.

Mặc dù phải hy sinh nhiều tính năng bay, khả năng tàng hình của F-35 vẫn thua kém F-22, tiêm kích phản lực thế hệ thứ năm đầu tiên. Chỉ số RCS của F-22 chỉ bằng một phần mười so với dòng máy bay được cho là hiện đại hơn. Chiếc máy bay ra đời từ đầu những năm 1990 vẫn hơn hẳn về tầm bay và hỏa lực.

"Chim săn mồi" có tốc độ leo cao gần 18.900 m/phút trong khi "Tia chớp" là 13.700 m/phút. Với 2 động cơ, F-22 dễ dàng đạt tới tốc độ Mach 2 (2.400 km/h).

Hàng trăm chiếc F-35 được biên chế cho Không quân Mỹ nhưng F-22 vẫn là tiêm kích sẵn sàng chiến đấu số một của lực lượng này.

9918c22ec1ad247ead9498d5229fc2b1(1).jpg
Hỏa lực vượt trội của F-22 (phải) so với F-35 (trái). Ảnh: Military.

Khi so sánh với J-20 của Trung Quốc, đối thủ cạnh tranh chính, mặc dù tốt hơn ở thông số RCS, F-35 tỏ ra yếu thế ở trần bay. Độ cao tối đa của “Tia chớp” vào khoảng 15 km, trong khi tiêm kích đến từ Trung Quốc có thể bay trên 18 km so với mực nước biển.

Tính năng tàng hình là công nghệ mấu chốt của tiêm kích thế hệ 5, tuy nhiên nó không hoàn toàn mang lại lợi thế tuyệt đối cho F-35.

Để đối phó với con bài chiến lược của phương Tây, Nga và Trung Quốc đã phát triển công nghệ radar có khả năng bám bắt tốt với những phi cơ tàng hình. Bên cạnh đó, họ cũng sở hữu công nghệ tác chiến điện tử tinh vi cho phép vô hiệu hóa các vũ khí tấn công tầm xa trên F-35.

Khi các bên đều có những công nghệ để tránh bị tấn công từ xa, không chiến ở cự ly gần sẽ là nơi quyết định thắng bại. Với khả năng cơ động kém, F-35 khó có cơ hội trước các tiêm kích siêu cơ động như Su-35 của Nga, David Axe nhận định.

Nguyễn Thắng