Tiếp viên hàng không thường để ý gì ở hành khách?
Ngoài việc chào đón hành khách lên máy bay, các tiếp viên hàng không cũng sẽ phân tích để đưa ra những quyết định nhằm đảm bảo an toàn bay.
Công việc của một tiếp viên không chỉ là phục vụ đồ ăn, thức uống cho hành khách. Họ đảm bảo sự an toàn trên máy bay và xử lý các tình huống khẩn cấp.
Ngoài ra, tiếp viên phải vượt qua một khóa học tâm lý để có thể đánh giá sơ bộ mỗi hành khách là người như thế nào khi họ bước vào máy bay. Đó là lý do hành khách gặp tiếp viên hàng không ở cửa ra vào cabin. Phi hành đoàn đứng đó không đơn giản chỉ để chào đón hành khách.
"Khi lên máy bay, các tiếp viên của Turkish Airlines vui vẻ mỉm cười chào đón hành khách, đồng thời họ cũng phân tích một số yếu tố quan trọng có thể ảnh hưởng tới trải nghiệm trên chuyến bay. Họ đang xác định những hành khách có thể hỗ trợ trong tình huống khẩn cấp và những hành khách cần thêm sự giúp đỡ như người cao tuổi hoặc người đang gặp chấn thương”, Giám đốc Duygu Eren Tosya của Turkish Airlines (Thổ Nhĩ Kỳ) chia sẻ.
Theo Tosya, các thành viên phi hành đoàn cũng tìm cách xác định hành khách đang gặp vấn đề về tâm lý và cần những lời động viên: “Điều quan trọng nhất đối với các tiếp viên hàng không là giữ an toàn cho từng hành khách từ khi họ lên máy bay cho đến lúc họ xuống máy bay”.
Kimberly Sullivan, một tiếp viên hàng không, cho biết cô luôn để mắt tới những hành khách lần đầu tiên đi máy bay: “Chúng tôi có thể phát hiện hành khách có kinh nghiệm bay hay không bằng cách quan sát cách họ lên máy bay. Nếu họ đứng ở lối đi và trông có vẻ bối rối, họ có thể là những người lần đầu tiên đi máy bay”.
Janice Bridger, một tiếp viên hàng không với 27 năm kinh nghiệm bay, đã chia sẻ một số điều bà cần lưu ý: “Tôi chú ý tới những người khuyết tật không đủ khả năng để ngồi ở hàng ghế thoát hiểm, không thể nâng một cánh cửa nặng tới 30 kg. Tương tự với những người không hiểu tiếng Anh, họ không thể nhận biết mỗi khi có thông báo, họ cũng không thể đọc được hướng dẫn cách mở cửa thoát hiểm”.
Bridger cho biết bà cũng để ý tới những người có vẻ ngoài cân đối để đề phòng trường hợp cần dùng tới sức mạnh. Bà nói: “Nếu tôi nhìn thấy một người cơ bắp, khỏe mạnh, tôi sẽ ghi nhớ khuôn mặt và vị trí ghế ngồi của họ. Trong trường hợp có một cuộc tấn công diễn ra trên chuyến bay, tôi sẽ cần tới sự giúp đỡ của những người này. Họ có thể kiềm chế những hành khách mất kiểm soát. Chúng tôi hy vọng điều đó không bao giờ xảy ra, nhưng vẫn phải đề phòng”.
Bridger nói thêm: “Tôi cũng cố gắng tìm hiểu xem có hành khách nào đã từng là nhân viên hàng không hay không, đặc biệt là những thành viên phi hành đoàn đã được đào tạo về các quy trình trên chuyến bay. Họ có thể hỗ trợ cho chúng tôi rất nhiều. Họ đã được đào tạo về cách xử lý tình huống trong trường hợp khẩn cấp”.
Minh chứng cho điều này, Bridger đã chỉ ra chuyến bay 232 của United Airlines (Mỹ) năm 1989 đã gặp sự cố khi đang bay dẫn đến một vụ tai nạn hạ cánh ở thành phố Sioux, Iowa.
Trên chuyến bay, các thành viên phi hành đoàn đã xác định được Dennis Fitch, một cơ trưởng khác của United Airlines và là người hướng dẫn bay DC-10, lên máy bay với tư cách hành khách. Fitch đã hỗ trợ cơ trưởng của chuyến bay điều khiển máy bay cho đến khi máy bay tiếp đất. Hành động của ông đã giúp cứu sống 184 hành khách.
Ngoài ra, Nuralia Mazlan, tiếp viên hàng không của Air Asia (Malaysia), cho biết bà luôn để ý tới những hành khách say rượu: “Đây thường là những người hay gây rắc rối trên máy bay. Khi máy bay bắt đầu đóng cửa và khởi hành, họ có thể làm ra một số hành động không hay. Đã từng có một hành khách 20 tuổi không mặc áo khi máy bay đạt độ cao 3.000 m”.