Quốc tế

7 thập kỷ thăng trầm của Boeing

Việt Anh 16/05/2024 17:19

70 năm kể từ thời điểm cất cánh chiếc máy bay đầu tiên là quãng thời gian đầy biến chuyển với đủ cung bậc hỉ, nộ, ái, ố đối với hãng sản xuất may bay số một nước Mỹ.

Ngày 14/5/1954, Boeing ra mắt chiếc máy bay phản lực thương mại đầu tiên của mình - nguyên bản của mẫu máy bay 367-80, tại nhà máy Renton Field, phía nam bang Washington (Mỹ).

boeing_model_367-80.jpg
Buổi ra mắt mẫu máy bay 367-80 tại nhà máy Renton Field ngày 14/5/1954. Ảnh: Kho lưu trữ của Bảo tàng Hàng không & Vũ trụ Quốc gia Mỹ.

Thời điểm đó, các hãng hàng không còn khá dè dặt trong việc ứng dụng máy bay chở khách bằng động cơ phản lực, do những quan ngại về chi phí vận hành, độ ồn cùng nhiều vấn đề khác. Tuy nhiên, các chuyến bay thử nghiệm với hiệu quả vượt mọi kỳ vọng của 367-80 đã đập tan những định kiến trên, đồng thời đưa lịch sử hàng không dân dụng bước sang một trang mới.

Cho đến nay, cuộc cách mạng do Boeing tạo ra đối với các dòng máy bay phản lực chở khách đã trải qua tròn 7 thập kỷ. Đây cũng là quãng thời gian mà gã khổng lồ ngành hàng không dân dụng Mỹ trải qua vô vàn biến chuyển từ đỉnh cao đến vực sâu, cùng với một tương lai đầy bất định.

Con đường trở thành "đế chế tỷ đô"

Được thành lập vào năm 1916 bởi William Edward Boeing và George Conrad Westervelt, Boeing vốn đã nổi tiếng từ việc sản xuất các loại máy bay quân sự phục vụ cho hai cuộc Thế chiến. Trong số này, có thể kể đến sản phẩm trứ danh như oanh tạc cơ Martin MB-1, pháo đài bay B-17 và siêu pháo đài bay B-29.

Trong giai đoạn 1949-1950, nhận thấy lĩnh vực hàng không dân dụng đang trở nên tụt hậu, Boeing đã quyết định nghiên cứu một hình thức vận tải mới hướng đến cả mục đích quân sự lẫn dân sự. Những tín hiệu tích cực từ mẫu máy bay 367-80 đã tạo nền tảng để hãng phát triển và xuất xưởng dòng máy bay 707 vào năm 1957.

1712785300502.jpg
Các dòng máy bay từ 737, 747 đến 777 đều là những dòng máy bay chở khách thành công nhất trong lịch sử của Boeing. Ảnh: Hulton Archive.

Tháng 10/1958, Pan American trở thành hãng hàng không đầu tiên khai thác các chuyến bay thương mại bằng Boeing 707, phá vỡ thế thống trị của máy bay chở khách chạy bằng cánh quạt.

Thành công nối tiếp thành công với Boeing khi hãng liên tục nâng cấp, phát triển và ra mắt các dòng máy bay chở khách to hơn, tải trọng lớn hơn, nhiều tiện nghi và an toàn hơn. Các phiên bản máy bay 737, 747 cho đến 777 lần lượt ra đời và đều trở thành các dòng máy bay bán chạy nhất lịch sử, góp phần đưa Boeing trở thành đế chế “tỷ đô”, với tổng doanh thu từ một tỷ USD vào năm 1956 lên tới hơn 101 tỷ USD vào năm 2018.

Sóng gió ập đến

Cuối tháng 8/2011, Boeing ra mắt máy bay 737 MAX, thế hệ thứ 4 của dòng máy bay một hành lang 737. Được kỳ vọng là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với dòng máy bay A320neo mà Airbus cho ra mắt vào tháng 12/2010, 737 MAX tiếp tục cho thấy một khởi đầu đầy hứa hẹn với 2.955 đơn đặt hàng trong vòng 4 năm, trở thành dòng máy bay có doanh số bán hàng tăng nhanh nhất lịch sử Boeing.

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi vào ngày định mệnh 29/10/2018.

Xuất phát từ Jakarta (Indonesia), chiếc 737 MAX của hãng Lion Air đã bất ngờ lao xuống biển chỉ 10 phút sau khi cất cánh, khiến toàn bộ 189 hành khách cùng phi hành đoàn thiệt mạng. Các cuộc điều tra sau đó đã phát hiện nguyên nhân tai nạn là do phần mềm điều khiển bay tự động MCAS đã gặp lỗi và kích hoạt sai, trong khi các phi công không được huấn luyện đầy đủ về điểm khác biệt chí tử này giữa 737 MAX so với các dòng Boeing 737 trước đây.

urn-publicid-ap-org-7c145dc3564045cea21cd387afebe5beaptopix_indonesia_lion_air_81871.jpg
Thảm kịch của hãng Lion Air năm 2018 đã khởi đầu cho một chương đen tối trong lịch sử của Boeing. Ảnh: AP.

5 tháng sau, máy bay mang số hiệu 302 của Ethiopian Airlines, cũng là một chiếc 737 MAX của Boeing, đã gặp tai nạn chỉ 6 phút sau khi cất cánh từ thủ đô Addis Ababa (Ethiopia) vào ngày 10/3/2019, cướp đi sinh mạng của toàn bộ 157 hành khách và thành viên phi hành đoàn. Một lần nữa, vụ tai nạn được xác định có những nguyên nhân tương tự với vụ rơi máy bay của Lion Air.

Hai thảm kịch diễn ra liên tiếp đã làm chấn động ngành hàng không thế giới. Hậu quả là máy bay 737 MAX đã bị hàng loạt quốc cấm bay do lo ngại về tính an toàn, và khiến Boeing phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề. Điều này được thể hiện qua những số liệu được hãng công bố vào ngày 24/7/2019, với khoản lỗ ròng lên tới 2,9 tỷ USD, trong khi doanh thu giảm 35% xuống chỉ còn 15,8 tỷ USD. Lần đầu tiên kể từ năm 1997, doanh thu của Boeing bị âm ngay trong 6 tháng đầu năm.

Mặc dù 737 MAX được Cơ quan Quản lý Hàng không Dân dụng Mỹ (FAA) cho phép hoạt động trở lại kể từ tháng 11/2020, vận đen dường như vẫn không buông tha dòng máy bay này. Hàng loạt sự cố từ hỏng bộ phận hạ cánh, nổ lốp máy bay cho đến việc máy bay mất lái và đi trật khỏi đường băng... đã xảy ra liên tục với 737 MAX.

Nghiêm trọng hơn cả là sự cố xảy ra ngày 5/1/2024, khi cánh cửa của chiếc 737 MAX 9 di chuyển từ thành phố Portland, bang Oregon đến Ontario, bang California (Mỹ) bất ngờ bung khi máy bay đang ở độ cao 5.000 m. Rất may là sự cố không gây thiệt hại về người.

240110163531-01-boeing-737-max-door-design.jpg
Cánh cửa của chiếc 737 MAX 9 di chuyển từ Portland đến Ontario (Mỹ) bất ngờ bị “rụng” khi máy bay đang ở độ cao 5.000 m. Ảnh: AP.

Boeing còn là vướng 32 cáo buộc về những sai phạm trong đảm bảo an toàn lao động được gửi tới Cơ quan Quản lý An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp Mỹ (OSHA) từ chính các nhân viên của công ty suốt 3 năm qua. Thậm chí, hãng sãn xuất máy bay số một nước Mỹ còn phải đối mặt với nguy cơ bị truy tố, do có dấu hiệu vi phạm nghĩa vụ trong một thỏa thuận liên quan đến các thảm kịch của Lion Air và Ethiopian Airlines được ký kết năm 2021.

Lối thoát nào cho Boeing?

Chuỗi khủng hoảng liên quan đến các dòng máy bay 737 đã phơi bày mặt tối tích tụ bấy lâu nay của Boeing. Ý tưởng “bình mới, rượu cũ” khi dòng máy bay được xem là tân tiến nhất trên thực tế được phát triển trên những bộ khung đã lỗi thời; quá trình sản xuất ngày càng cẩu thả với những quy chuẩn về an toàn bị xem nhẹ; linh kiện trở nên thiếu thốn đến mức phải phụ thuộc vào các đối tác bên ngoài.

Nguồn cơn của vấn đề trên xuất phát từ những rạn nứt trong thượng tầng vốn đã kéo dài từ những năm 1990. Cuộc sáp nhập với hãng máy bay McDonnell Douglas vào năm 1997 đã đảo lộn hoàn toàn văn hóa làm việc của Boeing, khi dàn lãnh đạo mới chỉ quan tâm đến lợi nhuận trước mắt mà bỏ quên những giá trị cốt lõi đã làm nên thương hiệu của “gã khổng lồ” ngành hàng không Mỹ suốt hàng thập kỳ.

5563187178137268186a-boeing-73-7512-7187-1715743569.jpg
Chuỗi khủng hoảng liên quan đến các dòng máy bay 737 đã phơi bày mặt tối đã tích tụ bấy lâu nay của Boeing. Ảnh: AP.

Boeing trong thời gian qua dù đã thực hiện thay máu triệt để đội ngũ lãnh đạo hòng cứu vãn tình hình, song viễn cảnh trước mắt của công ty vẫn còn khá ảm đạm, khi số đơn hàng máy bay tiếp tục bị trì hoãn, giá cổ phiếu tiếp tục lao dốc và niềm tin của các khách hàng lung lay.

Theo các chuyên gia, cơ hội tốt nhất để Boeing có thể sống sót qua cuộc khủng hoảng này là cần phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những gì đã xảy ra và tránh đổ lỗi cho các nhà cung cấp. Ban lãnh đạo công ty cần phải ngồi lại với các giám đốc điều hành hãng hàng không, phi công, kỹ sư, phi hành đoàn, giới truyền thông để thẳng thắn nhìn nhận lại các vụ việc, từ đó đưa ra phương án giải quyết những sự cố và đảm bảo các máy bay có đủ chất lượng và an toàn.

Chỉ khi nào có thể giành lại niềm tin của các bên liên quan đang vận hành máy bay của mình, Boeing mới có thể tạo dựng lại hình ảnh và niềm tin đối với công chúng.

Việt Anh