Vietnamairlines

Vietnam Airlines và khoản vay 4.000 tỷ đồng

Vân Khanh 16/05/2024 17:01

Hãng hàng không quốc gia được đề xuất gia hạn thời gian trả nợ, nhằm giúp hãng tháo gỡ khó khăn trong thời gian này.

Sáng 14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 33, nghe báo cáo chuẩn bị kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, khai mạc ngày 20/5. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn dự kiến trình Quốc hội về gia hạn trả nợ khoản vay 4.000 tỷ đồng, khoản vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines.

Ông Sơn cho biết tình hình tài chính của Vietnam Airlines khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Chính vì vậy, nội dung này "rất quan trọng, cấp bách, cần xin ý kiến của Quốc hội tại kỳ họp".

Vietnam Airlines làm gì với khoản vay

Trước đó, năm 2020, Quốc hội thông qua gói giải pháp hỗ trợ 12.000 tỷ đồng bù đắp thanh khoản và tăng vốn chủ sở hữu cho hãng. Theo đó, Vietnam Airlines đã ký kết hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng thương mại với tổng số tiền cho vay 4.000 tỷ đồng, có lãi suất 0%. Còn 8.000 tỷ để tăng vốn điều lệ qua phương án phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu.

Giải pháp cho vay tái cấp vốn nằm trong gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng được Quốc hội thông qua vào tháng 12/2020 để góp phần giúp Vietnam Airlines vượt qua khủng hoảng. Đây là một trong các giải pháp của Chính phủ trong vai trò cổ đông Nhà nước nắm giữ 86,19% cổ phần, trong bối cảnh hãng hàng không quốc gia bên bờ vực phá sản, nợ phải trả quá hạn khoảng 6.240 tỷ đồng.

Hành khách làm thủ tục tại quầy. Ảnh: Vietnam Airlines.
Hành khách làm thủ tục tại quầy. Ảnh: Vietnam Airlines.

Sau khi giải ngân 4.000 tỷ đồng dưới hình thức vay ưu đãi từ các ngân hàng thương mại, Vietnam Airlines sẽ sử dụng nguồn lực này để thanh toán các khoản nợ quá hạn và thanh toán các dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh phát sinh tại thời điểm giải ngân, tuyệt đối không dùng cho các hoạt động đầu tư, mua sắm hay các hoạt động không trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh.

Tại thời điểm đó, gói hỗ trợ dù muộn hơn so với các hãng hàng không quốc tế nhưng được đánh giá là cần thiết để Vietnam Airlines có thể vượt qua đại dịch. Phía hãng cũng cho biết chỉ đề xuất vay và hỗ trợ chứ không xin ngân sách. Hãng sẽ quy tiền lãi ra cổ phiếu để trả cho nhà nước và trả trong 3 năm.

Cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, Vietnam Airlines cũng triển khai nhiều giải pháp tự thân nhằm cắt giảm chi phí như tái cơ cấu doanh nghiệp, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo quy mô thị trường, tối ưu hóa hoạt động bảo dưỡng tàu bay, đàm phán với các nhà cung ứng giãn, hoãn thanh toán và áp dụng chính sách tiền lương trong giai đoạn Covid-19.

Hãng bay có “vượt khó” thành công?

Vietnam Airlines chịu ảnh hưởng nghiêm trọng trong giai đoạn dịch Covid-19. Cụ thể, năm 2022, hãng bay lỗ sau thuế hơn 11.220 tỷ đồng. Sang năm 2023, Vietnam Airlines tiếp tục lỗ hơn 5.500 tỷ đồng. Con số này đã giảm một nửa, nhưng do số lỗ 2 năm trước lớn, nên đến hết năm 2023, vốn chủ sở hữu của hãng âm vẫn gần 17.000 tỷ đồng và lỗ lũy kế vượt 40.000 tỷ.

Báo cáo tài chính quý I của hãng ghi nhận doanh thu gần 28.300 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức doanh thu trong một quý cao nhất kể từ khi Vietnam Airlines chuyển mô hình thành công ty cổ phần từ năm 2015.

Vietnam Airlines sẽ tiến hành thuê ướt nhiều máy bay để phục vụ cho cao điểm hè. Ảnh: Vietnam Airlines.
Vietnam Airlines sẽ tiến hành thuê ướt nhiều máy bay để phục vụ cho cao điểm hè. Ảnh: Vietnam Airlines.

Tổng doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines (bao gồm doanh thu thuần, doanh thu hoạt động tài chính và thu nhập khác) đạt hơn 31.700 tỷ đồng, tăng trưởng 32,8% so với cùng kỳ năm 2023; lợi nhuận sau thuế đạt 4.441 tỷ đồng, chấm dứt chuỗi 16 quý thua lỗ liên tiếp.

Ngoài ra, nhờ ghi nhận khoản thu nhập khác trên 3.630 tỷ đồng do xóa nợ theo thỏa thuận trả tàu bay của công ty con Pacific Airlines, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của hãng là hơn 4.528 tỷ. Đây cũng là mức lãi lớn nhất lịch sử của doanh nghiệp này.

Dù đạt lợi nhuận sau thuế ở mức kỷ lục nhưng tính đến hết ngày 31/3, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines vẫn âm hơn 12.500 tỷ đồng. Chính vì vậy chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của hãng vẫn âm 35,36%. Tổng nợ vay tài chính của hãng ở mức hơn 24.400 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản hơn 56.300 tỷ đồng.

Việc gia hạn khoản vay phần nào giúp hãng này giải quyết những khó khăn hiện tại. Song, Vietnam Airlines cũng cần thêm các giải pháp khác, nhằm đảm bảo công suất phục vụ trong cao điểm hè sắp tới như đẩy nhanh tiến độ nhận tàu bay đã ký kết trước đó, tìm kiếm và thuê ướt các máy bay, nâng thời gian khai thác và khai thác tối đa trong các khung giờ.

Một số chuyên gia dự đoán tình hình các hãng hàng không, bao gồm Vietnam Airlines, sẽ tiếp tục ở mức tích cực trong thời gian tới khi thị trường bước vào cao điểm du lịch hè và tình trạng thiếu hụt tàu bay khiến giá vé neo ở mức cao.

Vân Khanh