Văn hóa Văn minh

Lý do cửa sổ máy bay hình bầu dục

Nguyệt Quỳnh 16/05/2024 14:59

Trước những năm 1950, hành khách sẽ thấy cửa sổ máy bay có hình dạng hoàn toàn khác so với ngày nay. Vậy, tại sao cửa sổ máy bay thay đổi?

Thuở ban đầu, máy bay không có cửa sổ. Nếu nhìn vào bất kỳ bức ảnh nào của anh em nhà Wright, bạn ngay lập tức nhận ra điều đó. Mục tiêu của họ là tạo ra chuyến bay chứ chưa quan tâm đến sự thoải mái nên không có cửa sổ cũng là điều dễ hiểu.

a288ad3184c725997cd6.jpg
Trước khi có hình bầu dục, cửa sổ máy bay hình vuông. Ảnh: The Sun.

Tuy nhiên, thiết kế của máy bay dần thay đổi để phục vụ hành khách tốt hơn và cửa sổ ra đời. Những chiếc cửa sổ không chỉ giúp giảm bớt cảm giác ngột ngạt cho hành khách mà còn đảm bảo cho khoang máy bay có đầy đủ ánh sáng, giúp mọi người dễ dàng ứng phó với những tình huống bất ngờ có thể xảy ra.

Trước khi có cửa sổ hình bầu dục như ngày nay, chúng từng có hình vuông. Không chỉ vì yếu tố thẩm mỹ, sự thay đổi này thực tế bắt nguồn từ một lịch sử vô cùng đau thương.

2 vụ tai nạn thảm khốc

Vào ngày 10/01/1954, chuyến bay 781 rời đường băng tại sân bay Ciampino của Rome (Italy) chở theo 35 hành khách và phi hành đoàn đến London (Anh). Chỉ 15 phút sau khi cất cánh, chiếc máy bay phản lực de Havilland Comet số hiệu 781 trên đã lao thẳng xuống biển Địa Trung Hải dù mới chỉ hoạt động được hai năm. Tất cả những người có mặt trên chuyến bay này đều thiệt mạng.

6f36ee3f33c99297cbd8.jpg
Hai vụ tai nạn máy bay liên tiếp đều liên quan tới hình dạng cửa sổ. Ảnh: Science & Society Picture Library/SSPL/Getty Images.

Chỉ vài tháng sau đó, vụ tai nạn thứ hai khiến 21 hành khách thiệt mạng khi chuyến bay 201 của South African Airways khởi hành từ London (Anh) đến Johannesburg (Nam Phi) bị rơi trên biển. Các thi thể sau đó được vớt lên đều bị những chấn thương ở đầu và phổi tương tự như những nạn nhân trên chuyến bay 781.

Thời điểm đó, các máy bay đều có cửa sổ hình vuông. Theo các chuyên gia, đây chính là nguyên nhân khiến máy bay phải chịu áp lực cao hơn so với tiêu chuẩn rất nhiều lần. Ngoài ra, phần thân của máy bay cũng phải chịu thêm áp lực không khí cao hơn tiêu chuẩn. Bởi lẽ, cửa sổ hình vuông sẽ tạo ra 4 góc 90 độ, những góc vuông chính là điểm yếu tập trung áp lực của máy bay, đặc biệt trong điều kiện áp suất khí quyển cao. Áp lực ở góc cửa sổ cao gấp 3-4 lần so với các bộ phận khác, vì thế cửa sổ rất dễ bị vỡ.

Chuyển sang cửa sổ hình bầu dục

Cửa sổ với góc được bo tròn có thể giảm bớt điểm tập trung áp lực trong kết cấu khi tác động cơ học với chuyển động liên tục và đủ nhanh. Ông Willis Orlando, chuyên gia vận hành sản phẩm của nền tảng săn vé Scott's Cheap Flights, giải thích: "Nếu các góc được bo tròn, áp suất tác động lên cửa sổ sẽ được phân bổ đồng đều, từ đó làm giảm khả năng nứt vỡ cửa sổ khi áp suất không khí thay đổi".

Sau khi điều tra nguyên nhân của vụ tai nạn, hãng de Havilland đã ngay lập tức thay đổi thiết kế máy bay, trong đó phải kể tới việc bo tròn các ô cửa sổ thành hình bầu dục như ngày nay nhằm giúp kéo dài tuổi thọ của phương tiện và để tránh các sự cố, tai nạn xảy ra.

Trước khi có hình bầu dục, cửa sổ máy bay có hình vuông. Ảnh: Travel + Leisure.
Hình dạng bầu dục còn chống lại sự biến dạng tốt hơn, có thể chịu được sự chênh lệch áp suất giữa bên trong khoang máy bay và bên ngoài khí quyển. Ảnh: Travel + Leisure.

Ngoài ra, các cửa sổ trên máy bay thực ra không phải kính mà là acrylic, vật liệu bền hơn thủy tinh.

Mỗi cửa sổ máy bay có ba lớp, lớp ngoài cùng dày nhất để xử lý áp suất tác động ra bên ngoài máy bay. Tiếp theo là một lớp dày khác. Nếu bạn thử nhìn ra cửa sổ máy bay sẽ nhận thấy một lỗ nhỏ trên lớp này, mục đích giúp áp lực bên ngoài và bên trong máy bay đồng đều. Lớp trong cùng mỏng nhất vì chỉ cần chịu được áp suất bên trong máy bay.

Có nhiều cửa sổ trên máy bay nên chúng là một phần quan trọng trong quá trình kiểm tra an toàn định kỳ của các hãng hàng không.

Nguyệt Quỳnh