Công nghệ

Mỹ tham vọng thay đổi ngành quân sự với chiến đấu cơ AI

Việt Anh 15/05/2024 17:10

Việc thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để điều khiển chiến đấu cơ được đánh giá sẽ là yếu tố giúp Mỹ thay đổi cục diện tại các điểm nóng quân sự trong tương lai.

Quân đội Mỹ vừa qua đã thực hiện một cuộc cất cánh lịch sử, khi Bộ trưởng Không quân nước này, ông Frank Kendall, có lần đầu tiên được bay lượn trên bầu trời bên trong một chiến đấu cơ hoàn toàn do trí tuệ nhân tạo (AI) điều khiển.

Chiếc máy bay chở theo Bộ trưởng Kendall thuộc dòng chiến đấu cơ X-62 VISTA, khởi hành từ căn cứ không quân Edwards tại bang California (Mỹ) và đạt vận tốc lên tới 885km/h. Nó gần như bám đuôi một chiến đấu cơ F-16 khác có người lái trong phạm vi khoảng 300m, khi cả hai đang mô phỏng một tình huống tác chiến thực tế bằng việc liên tục thực hiện các động tác chao liệng, bay lộn vòng để đẩy máy bay còn lại vào thế khó.

Chuyến bay đã diễn ra từ ngày 2/5, song phải đến 4/5 mới được Không quân Mỹ công bố chính thức vì lý do an ninh. Động thái này thêm một lần nữa khẳng định sự chú trọng rất lớn của Không quân Mỹ trong việc ứng dụng AI vào điều khiển các dòng chiến đấu cơ, sau cuộc thử nghiệm đầu tiên giữa một máy bay có người lái và chiếc còn lại do AI điều khiển vào tháng trước.

skynews-ai-plane-us-air-force_6542554.jpg
Chiếc chiến đấu cơ tích hợp AI chở Bộ trưởng Frank Kendall thuộc dòng X-62 VIST. Ảnh: AP.

Việc phát triên AI là một trong những bước tiến lớn nhất của ngành hàng không quân sự Mỹ kể từ thời điểm ra mắt những dòng máy bay tàng hình đầu tiên vào những năm 1990. Giới chức lực lượng này kỳ vọng sẽ sớm vượt mức 1.000 máy bay được điều khiển bằng AI trong những năm tới.

"Không có nó (AI) sẽ là một rủi ro an ninh. Tại thời điểm này, chúng ta phải làm chủ được nó", Bộ trưởng Kendall tuyên bố sau khi kết thúc chặng bay kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ.

Lời giải bài toán chi phí và nhân lực

Theo hãng tin AP, các phi công phụ trách việc vận hành AI cho chiếc chiến đấu cơ X-62 VISTA mong muốn “phi đội AI” đầu tiên có thể sẵn sàng chiến đấu vào năm 2028. Họ cũng cho biết các chương trình AI đang có tốc độ học hỏi nhanh đến mức một số thậm chí đã đánh bại các phi công là con người trong các bài tác chiến mô phỏng.

Trong tương lai, các chiến đấu cơ không người lái sẽ được vận dụng để xâm nhập vùng trời và tấn công phủ đầu vào các hệ thống phòng thủ của đối phương, qua đó giảm thiểu tối đa rủi ro đối với các phi đội máy bay có người lái.

Tuy nhiên, một động lực khác cho sự thay đổi này còn nằm ở vấn đề chi phí, vì các chiến đấu cơ AI được đánh giá là nhỏ gọn hơn và chi phí sản xuất rẻ hơn. Không quân Mỹ cho đến nay vẫn đang “đau đầu” với những lần trì hoãn và tình trạng “đội vốn” của chương trình phát triển dòng chiến đấu cơ F-35, vốn sẽ tiêu tốn khoảng 1,7 nghìn tỷ USD.

Trong khi đó, lực lượng không quân của Trung Quốc đang trên đà vượt Mỹ về số lượng và cũng phát triển các loại vũ khí không người lái đời mới, dù vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy họ đã tìm được cách thử nghiệm AI bên ngoài các thiết bị giả lập hay chưa.

Giới chức Vista khẳng định chưa một quốc gia nào trên thế giới sở hữu máy bay tích hợp AI giống với công nghệ được tích hợp trên chiếc X-62 VISTA vừa được thử nghiệm. Trong đó, AI sẽ học hỏi từ hàng triệu dữ liệu trong một trình mô phỏng bay, sau đó tự thử nghiệm những kinh nghiệm học được trong các chuyến bay thực tế. Dữ liệu về hiệu suất bay trong thế giới thực sau đó sẽ được đưa trở lại trình mô phỏng để AI tiếp tục xử lý và học hỏi thêm.

"Tất cả chỉ là phỏng đoán cho đến khi bạn thực sự biết bay", Bill Gray, trưởng nhóm vận hành AI cho chiếc X-62 VISTA, cho biết.

Trao quyền cho tay AI

Dù vậy, không phải ai cũng đồng tình với việc tích hợp AI vào các hình thức tác chiến bằng máy bay có người lái.

skynews-ai-artificial-intelligence_6542556.jpg
Chiếc X-62 VISTA gần như bám đuôi một chiến đấu cơ F-16 khác có người lái trong phạm vi khoảng 300. Ảnh: AP.

Nhiều chuyên gia kiểm soát vũ khí và các nhóm nhân đạo đều bày tỏ quan ngại sâu sắc rằng một ngày nào đó AI có thể tự thả bom vô tội vạ mà không cần tham khảo ý kiến của con người. Họ đang tìm kiếm những giải pháp hạn chế lớn hơn đối với việc sử dụng công nghệ này trong chiến đấu.

“Có những lo ngại rộng rãi và nghiêm trọng về việc phó mặc quyền ‘sinh sát’ cho các loại cảm biến và phần mềm. Vũ khí tự động là nguyên nhân gây lo ngại tức thì và đòi hỏi một phản ứng chính trị quốc tế khẩn cấp", Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế cảnh báo.

Các phi công thuộc nhóm lập trình AI cho chiếc X-62 VISTA cũng thừa nhận họ có ý thức về việc đang huấn luyện những thứ có thể thay thế chính công việc của mình, nhưng với họ, việc phải đối đầu với một phi đội AI của đối phương còn đáng sợ hơn.

Dù vậy, ông Frank Kendall khẳng định sẽ luôn có sự giám sát hệ thống của con người khi sử dụng vũ khí AI. Ông cũng tin tưởng rằng trong tương lai, các loại vũ khí AI sẽ được áp dụng rộng rãi ở môi trường tác chiến.

"Chúng ta phải tiếp tục chạy đua, và chúng ta phải chạy thật nhanh", Bộ trưởng Kendall nhấn mạnh.

Việt Anh