Hàng không vũ trụ

Trở ngại của Boeing trong phát triển du hành không gian

Hoàng Vũ 15/05/2024 15:25

Chuyến bay đầu tiên có phi hành đoàn trên tàu vũ trụ Starliner của Boeing đã được phóng lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) sau nhiều năm trì hoãn.

Tàu vũ trụ Starliner của hãng Boeing được phóng lên quỹ đạo hôm 6/5, sau khi Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) bật đèn xanh cho sứ mệnh này. Starliner có nhiệm vụ đưa 2 phi hành gia của NASA gồm Suni Williams và Butch Wilmore lên Trạm Không gian quốc tế (ISS).

Theo kế hoạch, họ sẽ ở trên đó ít nhất 8 ngày để thử nghiệm Starliner trước khi trở về Trái Đất sớm nhất ngày 15/5.

osky.1cdn.vn-2024-05-14-_boeing-vu-tru.png
Tàu Starliner của Boeing tiếp cận Trạm vũ trụ quốc tế vào năm 2022. Ảnh: NASA.

Starliner có thiết kế hiện đại với chiều cao 3 m và đường kính 4,5 m, có thể chứa tối đa 7 người. Tàu vũ trụ được trang bị hệ thống điều khiển thủ công cùng màn hình cảm ứng, tương tự tàu Orion của NASA dành cho các sứ mệnh Mặt Trăng.

Boeing cũng đang nhắm đến các khách hàng tiềm năng khác ngoài NASA. Công ty cho biết sẽ có một ghế ngồi thứ năm trên Starliner dành cho các khách hàng tư nhân, mở ra cơ hội cho du lịch vũ trụ thương mại.

NASA trong những năm gần đây đã hỗ trợ phát triển một thế hệ tàu vũ trụ mới của tư nhân có thể đưa phi hành gia và khách hàng lên ISS. Giới chức NASA nhận định đây là cột mốc quan trọng và là sứ mệnh lịch sử.

Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, Starliner có thể được phê chuẩn để bay lên không gian thường xuyên hơn trong Chương trình phi hành đoàn thương mại của NASA.

Đây là một cuộc thử nghiệm được theo dõi chặt chẽ về kiểm soát chất lượng tại Boeing. Tập đoàn sản xuất máy bay hàng đầu thế giới vốn được coi là biểu tượng sức mạnh vĩ đại của Mỹ hiện rơi vào chuỗi khủng hoảng liên quan đến an toàn bay.

Áp lực chồng chất sau loạt sự cố an toàn bay

Trước đó, một chiếc Boeing 737 MAX 9 chở theo 177 người phải hạ cánh khẩn cấp hôm 5/1 khi một phần thân bung khỏi phi cơ, tạo ra lỗ hổng có kích thước tương đương cửa thoát hiểm. Ủy ban An toàn Giao thông Mỹ đã bắt đầu điều tra về sự cố mà chiếc Boeing 737 MAX 9 gặp phải khi đang ở độ cao hơn 4.800 m.

Sự việc có thể tồi tệ hơn rất nếu nó xảy ra ở độ cao lớn hơn. Nếu sự cố bung thân xảy ra ở độ cao hành trình khoảng 10.000 m, khoang máy bay sẽ lập tức mất khả năng điều áp, toàn bộ dưỡng khí thoát ra ngoài, hành khách bên trong sẽ nhanh chóng bất tỉnh và lạnh cóng. Những người tháo dây an toàn để đi lại trên khoang cũng có thể bị hút ra ngoài qua lỗ thủng.

may-bay-boeing.jpg
Boeing liên tiếp gặp sự cố liên quan đến kỹ thuật trong thời gian gần đây. Ảnh: AP.

Vụ bung thân máy bay diễn ra sau nhiều biến động với Boeing, khi dòng máy bay 737 MAX của hãng đối mặt nhiều vấn đề. Sau sự cố, Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã ra lệnh đình chỉ hoạt động của tất cả 171 máy bay Boeing 737 MAX 9 để kiểm tra.

NASA hồi năm 2014 đã ký hợp đồng trị giá 4,2 tỷ USD với Boeing để phát triển và vận hành tàu không gian mới nhằm phục vụ hoạt động của ISS. Hợp đồng tương tự giữa NASA và SpaceX trị giá 2,6 tỷ USD. Các nhà sản xuất có thể sử dụng tàu vũ trụ của họ để tạo thêm lợi nhuận từ các khách hàng khác, như khách du lịch vũ trụ.

Việc ra mắt Starliner suôn sẻ gần đây có lẽ sẽ không đủ để khắc phục tình trạng kinh doanh bất ổn của Boeing sau nhiều biến cố về an toàn bay.

Theo các chuyên gia, ngay cả khi tàu Starliner hoàn thành nhiệm vụ, Boeing khó có thể tuyên bố chương trình này thành công vì dự án này mất nhiều năm trì hoãn để tiến hành cũng như đội thêm nhiều chi phí.

Mục tiêu hiện tại của Boeing là đưa Starliner trở thành phương tiện vận chuyển phi hành gia chính cho ISS nhằm cạnh tranh với SpaceX của tỷ phú Elon Musk, sau khi chương trình tàu con thoi của NASA kết thúc.

Trong cuộc cạnh tranh này, SpaceX đã vượt lên và đi vào lịch sử hồi tháng 5/2020 với chuyến bay thử nghiệm của tàu Dragon, đưa 2 phi hành gia lên ISS trong sứ mệnh kéo dài 2 tháng.

Kể từ khi ra mắt, tàu Dragon đã thực hiện 9 chuyến bay có phi hành đoàn cho NASA và đã có 4 chuyến bay với các phi hành gia tư nhân, cùng nhiều kế hoạch mở rộng hơn trong năm nay.

Trong khi đó, quá trình phát triển và thử nghiệm Starliner của Boeing lại không mấy suôn sẻ. Năm 2019, tàu này được phóng thử lên ISS mà không chở theo phi hành đoàn và dự kiến kéo dài một tuần.

Tuy nhiên, Starliner phải trở lại Trái Đất sớm vài ngày do một loạt vấn đề về phần mềm và kỹ thuật. Ba năm sau, Boeing đã thực hiện thành công nỗ lực thứ hai để phóng Starliner lên ISS và quay trở lại. Theo kế hoạch, sứ mệnh thử nghiệm với phi hành đoàn diễn ra vào mùa hè năm 2023 nhưng cuối cùng lại tiếp tục bị hoãn.

Những trục trặc kỹ thuật đã khiến chuyến bay đầu tiên chở người vào không gian của Boeing bị trì hoãn tận 7 năm và làm chi phí tăng thêm khoảng 1,5 tỷ USD. Nếu ISS ngừng hoạt động vào năm 2030 theo kế hoạch, Boeing sẽ chỉ thực hiện thêm sáu sứ mệnh nữa cho NASA.

Hạ thấp triển vọng thương mại trong khai thác không gian

Gần đây, Boeing đã hạ thấp triển vọng thương mại của Starliner. Mark Nappi, phó chủ tịch Boeing kiêm giám đốc chương trình Starliner, cho biết trong một cuộc họp báo vào tháng 3: “Hiện tại, trọng tâm là sáu sứ mệnh mà chúng tôi có trong hợp đồng với NASA. Các sứ mệnh không gian tư nhân khác sẽ được chú ý vào cuối thập kỷ này”.

Theo Bloomberg, Boeing có thể gặp khó khăn trong việc tài trợ cho một dự án không gian thương mại trong tương lai gần. Tuy vậy, người phát ngôn của Boeing nhận định “Starliner vẫn là ưu tiên hàng đầu”.

tau-vu-tru-boeing.jpg
Tàu vũ trụ Starliner của Boeing tại Trung tâm vũ trụ Kennedy của NASA ở bang Florida, Mỹ. Ảnh: Boeing.

“Công ty đã đầu tư đáng kể vào chương trình và chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng của mình”, người này cho biết.

Một trở ngại khác đối với triển vọng thương mại của Starliner là Boeing đã thuê nhóm điều hành chuyến bay của NASA để hỗ trợ cho lần phóng này. Điều này hoàn toàn trái ngược với SpaceX, hãng có đội điều khiển chuyến bay riêng sẵn sàng vận hành Dragon bất cứ khi nào cần.

Về phần mình, phát ngôn viên của Boeing khẳng định hiện chưa có kế hoạch thay đổi mô hình hoạt động của hãng vì mối quan hệ hợp tác với NASA “có giá trị trong việc thúc đẩy sự hợp tác giữa các tổ chức”.

Hoàng Vũ