Tin tức

Boeing có thể bị truy tố hình sự

Hoàng Anh 15/05/2024 15:06

Bộ Tư pháp Mỹ thông báo với Boeing rằng họ đã vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận tránh tố tụng hình sự năm 2021.

Tháng 1/2021, Boeing và Bộ Tư pháp Mỹ đạt thỏa thuận nộp phạt 2,5 tỷ USD để tránh bị truy tố hình sự 2 vụ rơi máy bay làm chết 350 người. Trong thỏa thuận, Boeing cũng cam kết cải thiện giám sát chất lượng và an toàn.

Tuy nhiên, sau hàng loạt sự cố an toàn xảy ra đầu năm nay, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo Boeing có thể bị truy tố hình sự.

Trong lá thư gửi thẩm phán giám sát thỏa thuận năm 2021, Bộ Tư pháp cho biết: “Vì không thực hiện đầy đủ các điều khoản cam kết và nghĩa vụ theo thỏa thuận tránh truy tố, Boeing sẽ bị truy tố vì bất kỳ hành vi vi phạm hình sự liên bang nào ở Mỹ”.

Cụ thể, cơ quan này thông báo với Boeing rằng hãng vi phạm nghĩa vụ của mình vì “không thiết kế, thực thi chương trình phát hiện, ngăn chặn các hành động vi phạm luật chống gian lận”.

anh-chup-man-hinh-2024-05-15-luc-10.26.17.png
Động cơ của chiếc Boeing 737 MAX rơi xuống biển Indonesia cuối tháng 10/2018. Ảnh: CNN.

Nếu bị truy tố hình sự với các vụ tai nạn năm 2018 và 2019, Boeing có thể đối mặt với những hình phạt tài chính nặng nề và sự giám sát chặt chẽ hơn, nghiêm trọng hóa cuộc khủng hoảng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nhà chức trách cho biết thêm là họ vẫn chưa xác định tiến hành truy tố như thế nào. Boeing được cho thời hạn đến ngày 13/6 để phản hồi về hành vi vi phạm thỏa thuận, cũng như trình bày rõ các hành động họ đã thực hiện để khắc phục tình hình. Bộ Tư pháp sẽ quyết định trước ngày 7/7 xem có truy tố hay không.

Về phần mình, đại diện Boeing phát biểu: “Chúng tôi tin mình đã tôn trọng các điều khoản của thỏa thuận và mong có cơ hội phản hồi với Bộ về vấn đề này. Boeing sẽ hợp tác với Bộ bằng sự minh bạch tối đa, như chúng tôi đã làm trong toàn bộ thời hạn thỏa thuận, bao gồm cả việc trả lời câu hỏi của Bộ sau vụ tai nạn Alaska Airlines”.

Người thân nạn nhân phản đối

Gia đình các nạn nhân của 2 vụ rơi máy bay làm chết 350 người từ lâu đã lên án thỏa thuận tránh truy tố. Họ cho rằng thỏa thuận này phủ nhận công lý đứng về phía những người thân xấu số.

Người thân nạn nhân và luật sư đại diện đã gặp Bộ Tư pháp vào cuối tháng 4 để thuyết phục nhà chức trách chấm dứt thỏa thuận, do có quá nhiều sai sót về an toàn vẫn liên tục xảy ra ở Boeing kể từ thời điểm tháng 1/2021.

Sau cuộc gặp giữa đôi bên, luật sư Paul Cassell, người đại diện cho gia đình nạn nhân, tuyên bố thỏa thuận tránh truy tố là “gian lận” và được môi giới mà không có sự lên tiếng của các gia đình. Cassell cam kết buộc Boeing phải chịu trách nhiệm về “hành vi gian lận và sai trái” của họ.

Bộ Tư pháp đã thông báo với các gia đình rằng Boeing vi phạm thỏa thuận. Bộ sẽ tiếp tục trao đổi với gia đình nạn nhân và các hãng hàng không về các bước tiếp theo. Bộ có kế hoạch gặp gỡ các gia đình vào ngày 31/5.

Những vấn đề an toàn của Boeing sau thỏa thuận

Mặc dù cam kết cải thiện chất lượng và an toàn, Boeing đã mắc vô số sai phạm kể từ thời điểm thỏa thuận tránh truy tố có hiệu lực.

Ngày 20/9/2021, chỉ vài tháng sau thỏa thuận, Boeing tiết lộ họ tìm thấy những chai rượu tequila rỗng bên trong một chiếc 747, vốn đang được tân trang để chở Tổng thống Mỹ.

Tháng 4/2023, Boeing thông báo nhà cung cấp của họ đã sử dụng “quy trình sản xuất không đạt tiêu chuẩn”, khiến việc giao hàng 737 MAX bị trì hoãn.

tambitcuasetreal-1704774960-6065-1704775176.jpeg
Chiếc Boeing 737 MAX 9 của Alaska Airlines bị bung tấm bịt cửa. Ảnh: AP.

Tháng 1 năm nay, máy bay Boeing dính liên hoàn sự cố. Hôm 5/1, máy bay của Alaska Airlines bị bung tấm bịt cửa trên không. Đến 8/1, loạt 737 MAX 9 của United Airlines bị lỏng ốc khiến hãng phải dừng hoạt động mẫu này.

Ngày 13/1, cửa sổ của một chiếc Boeing khác bị rạn nứt khi nâng độ cao. Bốn ngày sau, khi đang trở về từ Hội nghị Kinh tế thế giới ở Davos (Thụy Sĩ), chiếc 737 của Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken gặp sự cố, khiến ông phải chuyển sang máy bay khác.

Chưa dừng lại, ngày 19/1, động cơ một chiếc 747 bất ngờ bốc cháy chỉ vài phút sau khi cất cánh.

Sang tháng 2, cuộc điều tra sơ bộ của Ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ cho thấy chiếc máy bay bung tấm bịt cửa đã rời khỏi nhà máy mà thiếu 4 bulông cần thiết để cố định nút cửa.

Cuối tháng đó, Cục Hàng không Liên bang (FAA) đưa ra báo cáo chỉ trích gay gắt văn hóa tại Boeing, trích dẫn “những lỗ hổng trong hành trình an toàn của Boeing” và cho Boeing 90 ngày để đưa ra kế hoạch khắc phục các vấn đề của mình.

Tháng 3, FAA xác định thêm nhiều vấn đề an toàn tiềm ẩn với động cơ của 737 MAX và 787 Dreamliner.

Tháng trước, trong phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ, một kỹ sư Boeing làm chứng rằng công ty đã “đi đường tắt nguy hiểm” khi sản xuất 777 và 787 Dreamliner. Khi người kỹ sư dấy lên lo ngại về an toàn, Boeing lập tức ban hành trát sa thải.

Những ngày đầu tháng 5, máy bay Boeing lại dính liên hoàn sự cố. Ngày 8/5, máy bay của FedEx bị hỏng càng đáp phía trước khiến nó phải tiếp đất bằng bụng.

Ngày 9/5 xảy ra đến 2 sự cố của 2 hãng khác nhau: máy bay bị nổ lốp khi hạ cánh ở Thổ Nhĩ Kỳ và trượt khỏi đường bay khi cất cánh ở Senegal.

Hoàng Anh