Thứ trưởng Bộ GTVT lý giải nguyên nhân giá vé máy bay tăng cao
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy chỉ ra 4 vấn đề liên quan đến giá vé máy bay. Ngoài ra, để kiểm soát giá vé, Bộ GTVT yêu cầu tiết giảm tối đa chi phí, nghiên cứu giảm các loại phí để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân với mức giá hợp lý nhất.
Vì sao giá vé máy bay tăng cao dẫn đến tình trạng người dân từ TP.HCM ra Hà Nội lại phải mua vé vòng qua Thái Lan? - câu hỏi được Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu ra tại phiên họp 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 13/5.
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên vấn đề giá vé máy bay tăng nóng được nêu ra tại nghị trường Quốc hội. Tại phiên họp chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc ngày 18/3, vấn đề này từng được nhắc tới.
Cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) kết quả rà soát, kiểm tra hoạt động bán vé, kê khai, niêm yết giá vé máy bay của các hãng hàng không Việt Nam. Theo đó, các hãng đều thực hiện việc kê khai giá theo khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách do Bộ GTVT quy định và giá vé tăng, nhiều dải vé nhưng không vượt trần.
Theo thống kê từ Bộ GTVT, so với cùng kỳ năm trước, bình quân giá vé của Vietnam Airlines đã tăng 14-20%.
Đơn cử như đường bay vàng Hà Nội - TP.HCM, giá vé bình quân của Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Vietravel Airlines tăng lần lượt là 14%, 25%, 11% và 15% so với cùng kỳ 2023.
Tương tự, đường bay từ Hà Nội và TP.HCM - Đà Nẵng, giá vé trung bình của Vietnam Airlines cũng tăng 17-26%, Vietjet tăng 32-38%, Bamboo Airways tăng 13-29%, Vietravel Airlines tăng 14-20% so với cùng kỳ năm trước, theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam.
Nhiều yếu tố dẫn đến giá vé máy bay tăng
Giải trình về việc giá vé máy bay tăng cao thời gian qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy chỉ ra 4 vấn đề liên quan.
Thứ nhất, mức vé bình quân. Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng không đánh giá giá vé máy bay của Việt Nam và thị trường quốc tế.
Theo đó, với Việt Nam, lấy giá vé của Vietnam Airlines trong giai đoạn vừa qua cho thấy giá vé bình quân là 0,08-0,12 USD/km. Tại Thái Lan, lấy đường bay Phuket từ 0,1-0,29 USD/km; Trung Quốc lấy giá vé của đường bay Thượng Hải đi Quảng Châu là 0,27-0,3 USD/km.
Thứ hai, về mức tăng, ông Huy cho hay bình quân của Vietnam Airlines so với cùng kỳ tăng từ 14-20% trên các đường bay.
Thứ ba, về nguyên nhân, Thứ trưởng Bộ GTVT chỉ ra 4 nguyên nhân chính.
Nguyên nhân thứ nhất, giá nguyên liệu và chênh lệch tỷ giá tăng 8%. Toàn bộ cấu thành chi phí của giá hàng không, nhiên liệu chiếm từ 65 - 70%.
Vấn đề thứ hai, thế giới và Việt Nam đều bị ảnh hưởng bởi việc triệu hồi động cơ của hãng Pratt & Whitney. Do đó, bắt buộc các hãng hàng không phải thuê cả máy bay, phi công và tàu bay nên chi phí đều tăng cao.
Vấn đề thứ ba là nhu cầu đi lại trong tháng 4 rất cao, mua sát giờ giá vé máy bay tăng cao hơn 20%. Theo nghiên cứu của Cục Hàng không và Tổng cục Thống kê, vé máy bay nếu mua trước 1-2 tháng thì giảm so với giá bình quân, mua càng sát ngày đi thì giá càng cao.
Về chính sách vé, ông Huy nói Thái Lan vừa qua có chính sách kích cầu du lịch, giảm gần như triệt để các phí hàng không (phí cất hạ cánh và điều hành bay đều giảm về 0), để kích cầu du lịch.
Xu hướng giá vé máy bay trên thế giới tiếp tục tăng cao
Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết thêm theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế cũng như Hiệp hội Vận tải hàng không châu Á, xu hướng giá vé máy bay trên thế giới thời gian tới tiếp tục tăng cao.
Để kiểm soát giá vé, ông Huy cho biết Bộ GTVT đã ban hành quy định rà soát toàn bộ chi phí với kê khai giá, yêu cầu tăng chuyến bay, dùng máy bay thân rộng trong điều kiện thiếu máy bay thân hẹp (máy bay thân hẹp A321, A320).
Tuy nhiên, máy bay thân rộng đáp ứng được nhu cầu đi lại nhưng chi phí tăng cao vì máy bay thân rộng chỉ thích hợp với đường bay trên 5.000 dặm trở lên. Do đó, Thứ trưởng yêu cầu tiết giảm tối đa chi phí của hãng hàng không. Đồng thời, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu đề xuất giảm một số loại phí để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Thứ trưởng Bộ GTVT cũng cho biết việc giá máy bay tăng ảnh hưởng đến du lịch. Về giải pháp, Bộ GTVT đã đưa vào hoạt động một chuyến tàu mới nhằm hỗ trợ tình trạng khan hiếm máy bay cho chặng ngắn.
Cũng theo ông Huy, đường sắt vẫn là phương tiện di chuyển có chi phí hợp lý nếu đi dưới 1.000 km. Còn trên 1.000 km thì hàng không là lựa chọn tốt hơn.