Công nghệ

Ukraine chế máy bay dân dụng thành vũ khí tầm xa

Việt Anh 14/05/2024 17:06

Mang súng lên máy bay, biến phương tiện bay dân dụng thành drone cảm tử … là một vài sáng kiến của không quân Ukraine.

Theo Forbes, nhà bình luận chính trị Nga Kirill Fedorov mới đây đã lan truyền trên mạng hình ảnh được cho là phần xác lộn ngược của một phương tiện bay bị bắn rơi trên một cánh đồng tại Nga, cách biên giới với Ukraine khoảng 965 km.

0x0.jpg
Xác thiết bị bay được cải tiến từ khung máy bay Nynja được phát hiện tại Nga. Ảnh: Kirill Fedorov.

Thân của phương tiện bay trong ảnh có thiết kế được xác định là phiên bản cải tiến từ phần khung của Nynja – một dòng máy bay siêu nhẹ được hãng Best Off (Pháp) phát triển cho các nhiệm vụ hoàn toàn mang tính dân sự.

Giá thành rẻ, hiệu quả lớn

Theo Forbes, chính quyền Kiev được cho là đang thu mua mọi máy bay Nynja mà ngành công nghiệp trong nước có thể đáp ứng để biến chúng thành những thiết bị bay không người lái (drone) có khả năng tấn công các mục tiêu tầm xa.

Điều này một phần do giá thành phải chăng của loại máy bay này. Trên thị trường, giá một chiếc Nynja chỉ rơi vào khoảng vài trăm nghìn USD nếu tính cả chi phí bổ sung các thiết bị cảm biến, liên lạc, hệ thống lái tự động và tải trọng nổ. Con số này rẻ hơn rất nhiều so với một tên lừa hành trình với giá trị có thể lên tới hàng triệu USD.

Bên cạnh đó, máy bay Nynja còn có ưu thế về tải trọng và phạm vi hoạt động, khi có thể mang kiện hàng nặng gần 100 kg trên quãng đường hơn 640 km mà vẫn đạt vận tốc hơn 160 km/giờ.

Xác thiết bị trong bức ảnh do Kirill Fedorov chia sẻ được phát hiện mang một quả bom FAB-100 có khối lượng lên tới 99 kg. Đáng chú ý, quả bom được lắp ở phần bụng chiếc Nynja thay vì đặt trong khoang lái, một dấu hiệu cho thấy thiết bị bay này vẫn có thể bay trở lại căn cứ để được tái sử dụng sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

best-off-nynja_aeropedia-the-encyclopedia-of-aircraft.jpg
Máy bay siêu nhẹ Nynja của hãng Best Off. Ảnh: Aeropedia.

Ở Ukraine, máy bay Nynja được sử dụng phổ biến một phần do hình dạng, kích thước và đặc điểm của chúng có nhiều nét tương đồng với Aeroprakt A-22 - một dòng máy bay siêu nhẹ khác do chính Ukraine chế tạo và phát triển.

“Thật khó để nói rằng Ukraine đang có trong tay bao nhiêu máy bay Nynja. Nhiều công ty sở hữu mẫu thiết kế cơ bản của loại máy bay này đã ký hợp đồng với các nhà chế tạo từ Ukraine để sản xuất ít nhất 1.600 chiếc kể từ năm 1991. Điều này đồng nghĩa với rất nhiều khung máy bay còn sót lại”, trích dẫn từ Forbes.

Nynja không phải loại máy bay dân dụng duy nhất được Ukraine tận dụng làm drone tấn công. Trước đó, vào ngày 2/4, ít nhất một chiếc A-22 chở đầy chất nổ đã lao vào một khu công nghiệp thuộc thành phố Alabuga phía tây nước Nga, cách biên giới Ukraine khoảng 965 km.

Chiến thuật cũ, phương thức mới

Ngoài việc tự sáng tạo các vũ khí mới mẻ từ những phương tiện “bình dân”, một phương thức tác chiến từ cách đây hàng chục năm cũng đang được quân đội Ukraine “tái sử dụng” và đang tỏ ra khá hiệu quả trong việc khắc chế các phương tiện bay từ phía Nga.

Hồi giữa tháng 4, một phương tiện bay không người lái Orlan của Nga đã bị bắn hạ ở phía nam Ukraine bởi một xạ thủ ngồi trong buồng lái của một chiếc Ykovlev Yak-52 – loại máy bay được sản xuất từ những năm 1970 và chỉ được sử dụng cho mục đích huấn luyện.

Video ghi lại vụ việc cho thấy máy bay Yak-52 đã bay vòng quanh chiếc Orlan trước khi xả đạn và bắn hạ thiết bị bay trị giá 100.000 USD này.

Trong bối cảnh thiếu hụt trầm trọng nguồn viện trợ vũ khí từ bên ngoài, đặc biệt là các loại tên lửa phòng không, quân đội Ukraine phải chuyển sang các phương thức tác chiến kiểu cũ nhưng rẻ tiền hơn, nhằm tiết kiệm tối đa số ít vũ khí phòng không tốt nhất của mình.

Trong đó, việc lắp súng máy hoặc chở theo xạ thủ trang bị súng cầm tay ở khoang lái phía sau các loại trực thăng, máy bay tầm thấp được xem là phương án hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất trong việc đối phó với các mối nguy hiểm trên không.

13977949551_4993c6aafd_o.jpg
Máy bay Yakovlev Yak-52. Ảnh: Flickr.

Trong quá khứ, phương thức tác chiến này từng trở nên phổ biến ở cuộc xung đột Nam Tư vào những năm 1990. “Một trong những chiến thuật chống phương tiện bay không người lái (UAV) khá sáng tạo của quân Serbia là điều khiển trực thăng quân sự Mi-8 Hip áp sát UAV Hunter của quân Mỹ, rồi để xạ thủ ngồi gần cửa trực thăng tiêu diệt UAV bằng súng máy 7,62 mm”, cựu Trung úy Hải quân Mỹ JD R. Dixon viết trong một bài luận hồi đầu những năm 2000.

Gần đây nhất, một phi đội trực thăng của Pháp đã sử dụng súng cầm tay để bắn rơi một UAV của lực lượng Houthi trên Biển Đỏ.

Việt Anh