Tàu khách

Boeing 747 - nữ hoàng bầu trời bay hơn 78 tỷ km

Hoàng Anh 13/05/2024 19:50

747 là dòng máy bay thành công nhất lịch sử Boeing, mở ra một kỷ nguyên mới cho hàng không dân dụng thế giới.

anh-reuters.jpeg
Ngày 31/1/2023, Boeing đã chuyển giao chiếc 747 cuối cùng cho hãng hàng không Atlas, chấm dứt 56 năm mẫu máy bay này là tâm điểm hàng không thế giới. Lễ kỷ niệm tại nhà máy ở thành phố Seattle, Mỹ có sự tham gia của hàng nghìn công nhân, các giám đốc điều hành từ khắp nơi trên thế giới cùng với diễn viên kiêm phi công John Travolta, người sở hữu một chiếc 747. Ảnh: Reuters.
anh-cnn.jpeg
Ra đời cuối thập niên 1960, Boeing 747 là mẫu máy bay thân rộng, hai tầng, hai lối đi đầu tiên trong lịch sử. Nó được đặt biệt danh mỹ miều “Nữ hoàng bầu trời". 747 là bước nhảy vọt lớn nhất trong lịch sử hàng không dân dụng vì người tiền nhiệm 707 chỉ chở được 180 khách, còn 747 chở được hơn gấp đôi số đó, khoảng trên 400 khách, lớn nhất lúc bấy giờ. Phiên bản chở khách cuối cùng 747-8 chở được tới 470 người trên các tuyến bay xuyên Thái Bình Dương và các tuyến bay đường dài khác. Ảnh: CNN.
nasa.jpeg
747 cũng tạo nên cuộc cách mạng ngành hàng không khi góp phần định hình lại thiết kế sân bay và chiều rộng đường băng để có thể đón tiếp cùng lúc nhiều khách. Nó giúp kết nối các thành phố trước đây chưa có đường bay thẳng. 747 còn được cải tạo để chở tàu con thoi của NASA. Ảnh: NASA.
nguon-us-air-force.jpg
Phiên bản quân sự của 747 được dùng làm máy bay chở Tổng thống Mỹ (Chuyên cơ Không lực Một). "Nữ hoàng bầu trời" là lựa chọn của những người giàu có và hoàng tộc, từng xuất hiện trong nhiều bộ phim bom tấn Hollywood. Ảnh: U.S. Air Force.
anh-boeing.jpeg
Việc chế tạo 747 là một huyền thoại. Năm 1965, giám đốc điều hành Boeing William Allen và người sáng lập Pan Am, Juan Trippe - hai nhân vật có ảnh hưởng nhất trong ngành hàng không vào thời điểm đó - đang trong chuyến đi câu cá hồi. Juan muốn Boeing làm một chiếc máy bay to gấp 2,5 lần, nhưng chi phí thấp hơn 30% và khả năng chở hàng lớn hơn trong các chuyến bay quốc tế. Ảnh: Boeing.
4569046_boeing_747_1st.jpeg
Họ thỏa thuận bằng một cái bắt tay và không ký bất cứ văn bản chính thức nào. Ngày nay, thật khó để tin một dự án rủi ro cho tương lai của cả hai công ty và tiêu tốn hàng tỷ USD lại diễn ra theo cách không chính thức như vậy. Tripp nói: “Về cơ bản, nếu anh chế tạo được nó, tôi sẽ mua”. Và Allen trả lời: “Tôi sẽ sản xuất nếu anh mua nó”. Ảnh: Boeing.
anh-chup-man-hinh-2024-05-13-luc-14.52.40.png
Trong thời đại máy tính và các mô hình 3D ảo phát triển như ngày nay, thật khó tưởng tượng thách thức mà các kỹ sư Boeing hồi đó phải đối mặt. Pan Am muốn có chiếc máy bay chưa từng được chế tạo trước đây. Ảnh: Boeing.
anh-chup-man-hinh-2024-05-13-luc-14.52.48.png
Ngày 13/4/1966, Pan Am công bố đơn đặt hàng 25 chiếc Boeing 747 trị giá 525 triệu USD (khoảng 4,8 tỷ USD ngày nay), qua đó chính thức khởi động chương trình 747. Ảnh: Boeing.
maxresdefault.jpeg
Hợp đồng của Pan Am yêu cầu một chiếc máy bay có thể chở tối thiểu 370 hành khách và hành lý của họ, tầm bay ít nhất 8.263 km với tốc độ Mach 0,877, tức bằng gần 88% tốc độ âm thanh. Ban đầu, nhà sáng lập Pan Am muốn gắn 2 thân của 2 chiếc Boeing 707 chồng lên nhau vì ông coi thiết kế 707 là chuẩn mực. Nhưng sau này, Boeing từ bỏ ý định lấy 707 làm nền tảng, bất kể kéo dài hay làm 2 tầng. Ảnh: Boeing.
financial-times.jpeg
Phần đuôi 747 cao tương đương ngôi nhà 6 tầng nên nó quá lớn so với các nhà máy của Boeing thời bấy giờ. Do đó, để xây dựng nhà máy sản xuất "Nữ hoàng bầu trời", vào tháng 6/1966, Boeing đã mua khoảng 780 mẫu đất đầm lầy gần Paine Field (một căn cứ quân sự cũ thời Thế chiến 2) cách Seattle 48 km về phía Bắc. Với không gian lên tới 5,6 triệu m3, đây vẫn là tòa nhà lớn nhất thế giới tính theo thể tích. Ảnh: Boeing.
1200px-boeing_747_rollout_-3-.jpeg
Dưới áp lực thời gian căng thẳng, các kỹ sư đã chế tạo những mô hình bằng gỗ của từng bộ phận riêng lẻ và của toàn bộ máy bay để xem cách chúng hoạt động. Kế hoạch ra mắt 747 được ấn định vào ngày 30/9/1968, tức là chưa đầy 3 năm sau khi Pan Am đặt hàng. Rốt cuộc, kỹ sư trưởng Joe Sutter và cộng sự hoàn thành nghiên cứu, chế tạo chỉ sau 28 tháng, nhanh đến nỗi những người tham gia dự án được gọi là “The Incredibles” (tạm dịch: Siêu nhân). Ảnh: FlySas.
747fristflight2.jpeg
Kỷ nguyên 747 chính thức bắt đầu với chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào ngày 9/2/1969. Nó kéo dài 1 giờ 16 phút và diễn ra suôn sẻ lạ thường. Ảnh: Boeing.
4569051_bw_jt9d.jpeg
Động cơ Pratt & Whitney JT9D với kích thước cực lớn đã trở thành vấn đề lớn nhất trong các chuyến bay thử nghiệm 747. Chính động cơ đã làm trì hoãn chuyến bay chở khách đầu tiên của hãng Pan Am vào ngày 21/1/1970. Tuy nhiên, 747 nhanh chóng tạo dựng tên tuổi, đi vào hoạt động thường xuyên với các hãng hàng không trên khắp thế giới. Ảnh: Boeing.
1024px-british_airways_g-bnlu-2008-09-13-yvr.jpeg
Đến năm 1975, đội bay 747 toàn cầu đã vận chuyển 100 triệu hành khách. Có lẽ quyết định quan trọng nhất của Boeing với mẫu 747 là cho ra mắt phiên bản 747-400 năm 1985. Đây là phiên bản thứ mười hai và cũng là phiên bản thành công nhất. Boeing nhận 700 đơn đặt hàng 747-400 trong vòng 20 năm. Ảnh: British Airways.
1024px-lufthansa_boeing_747-8_-16278574162-.jpeg
Năm 2005, Boeing và hãng hàng không Lufthansa phối hợp cho ra mắt chiếc 747-8, máy bay dài nhất thế giới lúc bấy giờ. Nó sử dụng chung cánh và động cơ của 787 Dreamliner. Nhưng sau này, chính 787 Dreamliner - thế hệ máy bay hai động cơ siêu hiệu quả - đặt dấu chấm hết cho việc sản xuất 747. Ảnh: Lufthansa.
anh-seattle-times.jpeg
Hai thập kỷ gần đây, khách hàng dần chuyển sang mẫu 777 hai động cơ giúp tiết kiệm nhiên liệu hơn. “Xét trên các mặt công nghệ, khả năng chuyên chở và tính kinh tế, thật đáng buồn khi dòng Boeing 777X đã khiến 747 trở nên lỗi thời. 747 là một trong những kỳ quan của thời kỳ công nghiệp hiện đại. Nhưng thời nay không phải là thời đại của các kỳ quan, mà là thời của kinh tế học”, giám đốc điều hành AeroDynamic Advisory, ông Richard Aboulafia, nói. Ảnh: Seattle Times.
anh-flickr.jpeg
Vào năm 1990, có 542 chiếc 747 hoạt động, chiếm 28% số lượng máy bay chở khách thân rộng trên toàn thế giới. Song đến năm 2022, con số này giảm xuống còn 109, chiếm 2%. Dẫu vậy, 747 vẫn khá được ưa chuộng để chở hàng vì thiết kế “bướu" đặc trưng, giúp mũi máy bay có thể lật lên giống như một cái miệng đang há ra để tiếp nhận những món hàng có chiều dài gần bằng máy bay. Ảnh: Flickr.
747sca_nasa.jpeg
Tính đến năm 2017, phi đội 747 toàn cầu đã di chuyển hơn 78 tỷ km, tương đương 101.500 chuyến lên mặt trăng và quay trở lại. Mẫu máy bay huyền thoại sẽ còn bay lượn trong thời gian dài, vì nhu cầu đi lại đang bùng nổ và Boeing không có kế hoạch phát triển máy bay phản lực mới trong vòng 5-6 năm tới. Ngoài ra, công ty sẽ chỉ ra mắt một mẫu máy bay mới vào giữa thập niên tới nếu có công nghệ để giảm đáng kể tác động môi trường so với các máy bay hiện hữu. Ảnh: NASA.

Hoàng Anh