10 sân bay đặc biệt nhất thế giới
Từ vùng hoang vu ở gần Vòng cực Bắc, đến đảo Phục Sinh biệt lập hay nằm trên vách đá dựng đứng, nhiều sân bay xây dựng ở những địa điểm thách thức con người đến chinh phục.
Sân bay thấp nhất
Biển Chết (Israel) là điểm thấp nhất trên bề mặt Trái Đất. Sân bay Bar Yehuda nằm ngay bên bờ biển này. Ở độ cao 378 m dưới mực nước biển, đây là sân bay thấp nhất thế giới.
Hiện không có hãng nào thường xuyên hoạt động tại đây. Bar Yehuda là một khu nhượng quyền công cộng, chủ yếu sử dụng làm sân bay dự bị, nơi đỗ các chuyến bay thuê chuyến và tham quan.
Sân bay cao nhất
Sân bay Á Đinh Đạo Thành nằm ở huyện Đạo Thành, châu tự trị dân tộc Tạng Cam Tư, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Chót vót trên độ cao 4.411 m, Á Đinh Đạo Thành nắm giữ vị trí sân bay cao nhất thế giới trong 13 năm nếu tính từ khi khởi công hoặc 11 năm nếu tính từ lúc khánh thành.
Á Đinh Đạo Thành có một đường băng dài 4.200 m và rộng 45 m. Nhà ga mang hình dáng chiếc đĩa bay, diện tích 5.000 m2 với hai cầu hàng không, được thiết kế để phục vụ 280.000 hành khách mỗi năm.
Sân bay có đường băng thương mại dài nhất
Danh hiệu này từng thuộc về sân bay Qamdo Bamda (Qamdo, khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc). Sân bay cao thứ nhì thế giới sở hữu đường băng dài tới 5.500 m. Do áp suất không khí rất thấp, thời gian cất hạ cánh nhiều hơn nên đường băng phải dài hơn.
Qamdo Bamda đã đóng cửa đường băng này và chuyển sang đường băng 4.500 m. Do đó, danh hiệu được trao lại cho sân bay Shigatse Peace (thành phố Shigatse, khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc) và sân bay Ulyanovsk Vostochny (Nga). Cả hai đều vận hành đường băng dài 5.000 m.
Riêng đường băng của sân Ulyanovsk Vostochny còn giữ vị trí rộng nhất thế giới, lên tới 105 m.
Sân bay có đường băng thương mại ngắn nhất
Sân bay Juancho E. Irausquin nằm trên đảo Saba, thuộc sở hữu của Hà Lan tại vùng biển Caribbean. Đường băng của nó được công nhận là đường băng thương mại ngắn nhất thế giới, với chiều dài chỉ 400 m. Bay tới Saba không dành cho những người yếu tim. Hai đầu sân bay kết nối với vách đá dựng đứng, còn bên sườn là dãy núi cao.
Đối với những người đam mê mạo hiểm, Juancho E. Irausquin thật tuyệt vời. Đường băng xuất hiện trên một trong những con tem bưu chính của Saba. Cửa hàng lưu niệm trên đảo bán áo phông in khẩu hiệu “Tôi sống sót sau cuộc đổ bộ Saba!”.
Du khách có thể chọn đi phà đến đây, nhưng chuyến bay tới sân bay này thường xuất hiện trong danh sách “Những cuộc đổ bộ đáng sợ nhất thế giới”. Điều đó cung cấp đủ lý do để du khách dấn thân vào thử thách.
Chỉ nhóm phi công ưu tú, trải qua quá trình đào tạo đặc biệt mới được cấp phép bay vào đảo. Hãng Winair có trụ sở tại Sint Maarten - cách đảo 38 km tương đương 15 phút bay - là hãng hàng không duy nhất khai thác các chuyến bay đến và đi.
Sân bay cũng là cứu tinh cho Saba, dùng để đưa đón những người dân địa phương cần được chăm sóc y tế.
Sân bay bận rộn nhất
Năm 1998, sau nhiều thập kỷ nỗ lực, sân bay Hartsfield-Jackson ở thành phố Atlanta (Mỹ) đã vươn lên trở thành sân bay bận rộn nhất thế giới về lượng khách. Danh hiệu này được Chicago O'Hare (thành phố Chicago) nắm giữ suốt từ năm 1961.
Suốt từ 1998 đến nay, chỉ một lần Hartsfield-Jackson để rơi vị trí bận rộn nhất thế giới cho đối thủ. Đó là năm 2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Atlanta rơi xuống thứ hai, nhường chỗ cho sân bay quốc tế Bạch Vân (Quảng Châu, Trung Quốc).
Năm 2023, Hartsfield-Jackson ghi nhận lượt khách lên tới 104,6 triệu. Trong lịch sử hàng không thế giới, chỉ có sân bay thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) từng ghi nhận lượt khách hơn 100 triệu.
Hartsfield-Jackson có được thành tích này là nhờ vị trí trung tâm kết nối của Atlanta. 80% dân số Mỹ ở trong tầm 2 giờ bay đến Hartsfield-Jackson. Sân bay rộng 19 km2, có tới 5 đường băng song song.
Sân bay nóng nhất
Tháng 6/2017, sân bay quốc tế Ahvaz ở phía đông nam Iran ghi nhận nhiệt độ kỷ lục 54 độ C.
Trước đó gần một năm, nhiệt độ cũng đạt tới 53,9 độ C tại sân bay ở Basra, miền Nam Iraq.
Nhưng kỷ lục mới đã xuất hiện vào tháng 7/2023. Hôm 17/7/2023, theo US Stormwatch, một sân bay ở Iran thông báo chỉ số nhiệt độ lên tới 66,7 độ C.
“Sân bay quốc tế Vịnh Ba Tư ở Iran báo cáo chỉ số nhiệt độ là 66,7 độ C lúc 12h30. Con người, động vật không thể chịu được những điều kiện khắc nghiệt như thế này", US Stormwatch cho biết.
2023 là năm nóng kỷ lục trên toàn cầu. Theo báo cáo của Bloomberg, tháng 7/2023 trở thành tháng nóng nhất từ trước đến nay, với 10 ngày nóng nhất trong lịch sử.
Các đợt nắng nóng đồng loạt khiến Mỹ, phần lớn châu Âu và một phần châu Á "ngạt thở". Hiện tượng El Nino tăng cường ở Thái Bình Dương và vùng biển Đại Tây Dương khiến ngoài khơi Florida (Mỹ) đạt mức nhiệt chưa từng thấy là 32,2 độ C. Trung Quốc ghi nhận nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay là 52,2 độ C tại thị trấn Sanbao, khu tự trị Tân Cương.
Sân bay lạnh nhất
Thành phố Yakutsk, thủ phủ vùng Yakutia (tên gọi khác: Cộng hòa Sakha, Liên bang Nga) là thành phố lạnh nhất thế giới. Nơi đây từng ghi nhận nhiệt độ âm 67,7 độ C. Sân bay phục vụ Yakutsk có lúc xuống tới âm 45 độ C, cũng là sân bay lạnh nhất thế giới. Nếu đeo gọng kính kim loại, ta có thể mất đi một mảng da vì nhiệt độ quá thấp khiến da dính chặt vào kính.
Sân bay đóng vai trò trung tâm giao thông trong khu vực, kết nối Yakutsk với các thành phố khác ở Nga. Sân bay còn quan trọng hơn vì không có con đường bộ nào dẫn vào Yakutsk và các con sông đóng băng nhanh chóng sau mùa hè ngắn ngủi, làm tăng nhu cầu duy trì hoạt động của sân bay quanh năm.
Yakutsk là nơi Boeing dùng để thử nghiệm động cơ hoạt động trong điều kiện lạnh giá.
Sân bay lớn nhất
So sánh các sân bay theo diện tích bề mặt là một việc khó, vì không có cách nào chuẩn để tính toán diện tích đất mà sân bay sử dụng, bên cạnh cơ sở hạ tầng phụ trợ hoặc quỹ đất để phát triển trong tương lai.
Theo ước tính, sân bay quốc tế King Fahd ở Saudi Arabia có tổng diện tích 78.000 ha. Tuy nhiên, diện tích sử dụng cho sân bay chỉ là một phần nhỏ trong số đó: 3.675 ha.
Điều này sẽ đưa sân bay quốc tế Denver (bang Colorado, Mỹ) lên vị trí dẫn đầu khi tính theo diện tính sử dụng, với 13.726 ha. Đường băng của sân bay dài 4,88 km, là đường băng công cộng dài nhất ở Bắc Mỹ và dài thứ bảy trên Trái Đất.
Tháp không lưu cao nhất
Hệ thống Kiểm soát không lưu là hệ thống chuyên trách đảm nhận việc gửi hướng dẫn đến máy bay, nhằm giúp máy bay tránh va chạm, đồng thời đảm bảo tính hoạt động hiệu quả của nền tảng không lưu.
Thông thường, điểm cao nhất ở mọi sân bay là tháp kiểm soát không lưu (ATC).
Tháp ATC tại sân bay quốc tế Jeddah King Abdulaziz của Saudi Arabia khai trương vào năm 2017. Nằm ở độ cao 136 m, nó là tháp ATC cao nhất thế giới. Để so sánh, nó cao hơn Kim tự tháp Giza ở Ai Cập.
Tháp phía tây của sân bay quốc tế Kuala Lumpur (Malaysia) là tháp kiểm soát không lưu cao thứ nhì với độ cao 133,8 m, chia thành 34 tầng.
Sân bay cô lập nhất
Sân bay quốc tế Mataveri nằm trên đảo Phục Sinh của Chile là sân bay nằm ở nơi hẻo lánh nhất thế giới. Mataveri cách sân bay Santiago ở đất liền Chile tới 3.759 km về phía đông và cách sân bay Totegegie của Polynesia thuộc Pháp 2.603 km về phía tây.