tạp chí bầu trời

Phát triển sản phẩm du lịch thành phố Cần Thơ

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Cần Thơ vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển sản phẩm du lịch thành phố Cần Thơ”. Ông Dương Tấn Hiển - Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, đến dự.

Trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long ( ĐBSCL) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đã nêu  mục tiêu: Phấn đấu đưa thành phố Cần Thơ trở thành trung tâm du lịch và điều phối khách cho toàn vùng ĐBSCL, là một trong những trung tâm phát triển du lịch của cả nước.

Góp phần thực hiện mục tiêu trên, tại hội thảo,  20 bài tham luận của các tác giả và nhóm tác giả đến từ các cơ quan, đơn vị trong và ngoài TP Cần Thơ, đã nêu những vấn đề thiết thực nhằm phát triển du lịch Cần Thơ, như:  Phát triển sản phẩm du lịch thành phố Cần Thơ theo nhu cầu thị trường; Chiến lược marketing địa phương cho ngành du lịch; Giải pháp nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa thành phố Cần Thơ với các địa phương để hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch mới.

Ông Dương Tấn Hiển - Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, phát biểu tại Hội thảo

Các bài tham luận đều khẳng định TP Cần Thơ có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển sản phẩm du lịch như: tài nguyên du lịch (cảnh quan sông nước, miệt vườn, chợ nổi; di tích Lịch sử văn hóa, lễ hội, làng nghề, văn hóa ẩm thực…); vị thế trung tâm du lịch vùng ĐBSCL; kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật; nguồn nhân lực du lịch; thị trường khách du lịch, v.v... Trên cơ sở đó, TP Cần Thơ đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, đề án phát triển du lịch, tạo ra những chuyển biến tích cực cho ngành du lịch thành phố,  lượng khách du lịch đến Cần Thơ đã tăng rõ rệt. Trong thời kỳ 2015-2019, tổng lượt khách đến du lịch TP Cần Thơ tăng từ 4,7 triệu lên gần 8,8 triệu lượt, mức tăng trưởng gần 1,9 lần. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khách du lịch đến thành phố đạt 5.605.865 lượt, giảm 36,8% so với cùng kỳ. Năm 2021, cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lượng khách tiếp tục giảm.

Các du khách trải nghiệm “Một ngày làm nông dân” tại mô hình Du lịch cộng đồng Cồn Sơn, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ

Nhìn chung, những năm trước đại dịch, kết quả đạt được của ngành du lịch thành phố là tích cực. Tuy nhiên, sự phát triển du lịch nói chung, sản phẩm du lịch nói riêng của TP Cần Thơ  vẫn còn nhiều hạn chế. Thực tế cho thấy, sản phẩm du lịch TP Cần Thơ chưa được  đầu tư theo chiều sâu để tạo ra những giá trị mới độc đáo và hấp dẫn, nên khả năng thu hút và lưu giữ khách chưa cao. Vì vậy,  Cần Thơ chủ yếu là điểm dừng chân và trung chuyển của du khách đến các điểm du lịch ở các địa phương khác trong ĐBSCL. Từ đó, các tác giả  đề xuất nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch, như :  Phát triển các loại sản phẩm du lịch đặc thù, có nhiều tiềm năng, thế mạnh ở TP Cần Thơ như du lịch MICE, du lịch đường sông, du lịch nông nghiệp, tham quan di tích lịch sử-văn hóa, Khai thác giá trị văn hóa bản địa trong phát triển du lịch sinh thái miệt vườn ở thành phố Cần Thơ theo hướng bền vững; Tiềm năng du lịch tâm linh – nhìn từ nhu cầu tâm linh của du khách và sự đa dạng tôn giáo, tín ngưỡng của thành phố Cần Thơ.

Hội thảo

Bên cạnh đó, các tác giả đề cập việc phát triển sản phẩm du lịch tại các địa bàn trọng điểm  ở TP Cần Thơ như: Sản phẩm du lịch chợ nổi Cái Răng - Bài học từ chợ nổi Damnoen Saduak, Thái Lan; Phát triển du lịch làng cổ Long Tuyền theo mô hình “Làng di sản” (Heritage Village); Cù lao Tân Lộc - điểm dừng chân tiềm năng trong tuyến du lịch quốc tế sông Mekong; Đánh giá thực trạng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng ở Cồn Sơn, thành phố Cần Thơ. Các tham luận  tập trung đánh giá tiềm năng, thế mạnh và thực trạng và đề xuất  giải pháp phát triển du lịch tại các địa bàn du lịch trọng điểm.

Nhiều tác giả cũng đề cập và kiến nghị  phát triển một số  sản phẩm du lịch mới như: Du lịch ẩm thực (Culinary Tourism); Định vị điểm đến qua dịch vụ giải trí cao cấp; Múa dân gian Khmer Nam Bộ; Và yêu cầu“Cách mạng chuyển đổi số trong thời kỳ hậu Covid-19... để ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid-19,  cũng như đón đầu cơ hội phục hồi và phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, phát biểu kết luận hội thảo

Sản phẩm du lịch là một trong những yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh, sức hấp dẫn và hiệu quả hoạt động kinh doanh du lịch. Trong bối cảnh hiện nay, thị trường du lịch mỗi quốc gia cũng như mỗi địa phương ngày càng rộng thì vấn đề phát triển sản phẩm du lịch gắn với thương hiệu TP Cần Thơ trong trạng thái bình thường mới đang là đòi hỏi cấp thiết.

Phát biểu tại Hội thảo, Ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, ghi nhận và đánh giá cao những tham luận  của các nhà nghiên cứu đã  phân tích tiềm năng, thực trạng phát triển đối với từng loại hình du lịch; từ đó đề xuất những định hướng và giải pháp phát triển đối với các loại hình sản phẩm du lịch có nhiều tiềm năng, góp phần vào mục tiêu chung đưa du lịch TP Cần Thơ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Qua đó  góp phần rút ra những bài học thành công và chưa thành công của du lịch Cần Thơ; tìm ra những giải pháp hữu hiệu, những khâu đột phá để khai thác hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên du lịch và các nguồn lực khác của thành phố; tạo ra sản phẩm du lịch phong phú, chất lượng để nâng cao sức cạnh tranh, tăng cường khả năng thu hút và lưu giữ khách khi đến với vùng đất Cần Thơ hiền hòa, xinh đẹp.

Phượng Nguyên - Đan Phượng

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận