Quân sự

'Pháo đài bay' B-52 có thể được tái trang bị bom hạt nhân

Việt Anh 23/06/2024 17:36

Quốc hội Mỹ đang "bật đèn xanh" cho việc tái trang bị vũ khí hạt nhân trên khoảng 30 "pháo đài bay" B-52H, sau khi hiệp ước New START hết hiệu lực vào năm 2026.

Đây là một phần trong dự luật về chính sách quốc phòng của lưỡng viện Mỹ cho năm tài khóa 2025, theo tiết lộ từ trang tin Defense News.

Dự luật yêu cầu Không quân Mỹ một lần nữa "đưa những máy bay ném bom thông thường trở thành một phần của Bộ ba hạt nhân". Các biện pháp khôi phục năng lực hạt nhân của Không quân Mỹ dự kiến bắt đầu khoảng một tháng sau khi Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) hết hiệu lực vào tháng 2/2026, và hoàn thành vào năm 2029.

Theo Defense News, dự luật được Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ thông qua hôm 21/6 với tỷ lệ biểu quyết 22-3. Cùng ngày, Hạ viện Mỹ cũng phê chuẩn luật sửa đổi về khả năng trang bị vũ khí hạt nhân của các máy bay B-52 thông qua biểu quyết miệng.

Dù vậy, điều luật trên vẫn vấp phải một số ý kiến phản đối. Hạ nghị sĩ Adam Smith cho rằng Bộ Quốc phòng Mỹ nên quan tâm phát triển dòng oanh tạc cơ tàng hình B-21 thế hệ tiếp theo hơn là khôi phục năng lực hạt nhân của những chiếc B-52 đời cũ. Không những thế, điều này còn làm phức tạp hóa nỗ lực kéo dài tuổi thọ của những phi đội oanh tạc cơ đã "già cỗi" của Không quân Mỹ.

b-52_stratofortress_assigned_to_the_307th_bomb_wing_-cropped-.jpg
Máy bay ném bom chiến lược B-52. Ảnh: Không quân Mỹ.

Máy bay ném bom chiến lược B-52, còn có biệt danh là "pháo đài bay", có khả năng mang theo các loại tên lửa hành trình AGM-86B và AGM-86C ALCM gắn đầu đạn hạt nhân. Không quân Mỹ hiện có 76 máy bay B-52 đang hoạt động, trong đó khoảng 30 chiếc đã loại bỏ năng lực mang vũ khí hạt nhân.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Mỹ tìm cách tăng cường kho vũ khí hạt nhân sau khi Nga đình chỉ New START. Cùng thời điểm, Trung Quốc cũng tăng tốc việc mở rộng sản xuất các đầu đạn chiến lược.

New START là hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý duy nhất còn lại để kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ. Hiệp ước được ký kết năm 2010, trong đó quy định mỗi nước được triển khai:

- Không quá 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom hạng nặng.

- Không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân trên các loại tên lửa và máy bay kể trên.

- Không quá 800 bệ phóng các loại tên lửa đạn đạo kể trên và máy bay ném bom hạng nặng.

Bên cạnh đó, các bên mỗi năm có thể tiến hành tới 18 đợt thanh sát lẫn nhau ở các kho vũ khí hạt nhân chiến lược, để đảm bảo một trong hai bên không vi phạm giới hạn hiệp ước.

Tháng 3/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký đạo luật đình chỉ New START, trong bối cảnh mối quan hệ với Mỹ trở nên căng thẳng.

Theo Sáng kiến ​​Đe dọa Hạt nhân, Mỹ đang sở hữu khoảng 1.770 đầu đạn hạt nhân chiến lược, trong khi con số này của Nga là khoảng 1.822. Trung Quốc dù hiện tại chỉ có khoảng 500 đầu đạn hạt nhân, song Lầu Năm Góc dự đoán ​​nước này sẽ đạt 1.500 đầu đạn vào năm 2035.

Mỹ hiện là quốc gia phương Tây duy nhất có khả năng triển khai "Bộ ba hạt nhân", gồm Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trên đất liền, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, máy bay ném bom chiến lược mang bom và tên lửa hạt nhân. Trong khi đó, Vương quốc Anh và Pháp chỉ có thể triển khai tên lửa hạt nhân từ tàu ngầm, dù một số tên lửa hành trình hạt nhân (ALCM) có thể được phóng từ chiến đấu cơ của Pháp.

Theo Simple Flying, Defense News
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
'Pháo đài bay' B-52 có thể được tái trang bị bom hạt nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO