Ở độ cao hành trình, hành khách nhìn ra cửa sổ máy bay vẫn có bắt gặp một con kền kền. Điều này cực kỳ hiếm, nhưng vẫn xảy ra.
Hầu hết vụ va chạm giữa chim và máy bay đều xảy ra ở độ cao dưới 150 m. Ở độ cao bay ổn định, máy bay ít có khả năng bắt gặp chim nhưng điều đó vẫn xảy ra.
Ở độ cao hàng nghìn mét, loài chim mà hành khách nhìn thấy không phải là một chú chim ruồi mỏng manh mà là những loài có kích thước lớn, giống như kền kền.
Điều này đặt ra câu hỏi về cách một chú chim lớn như kền kền có thể tạo ra lực nâng khí động học và duy trì độ cao trong tầng bình lưu, nơi không khí loãng. Kền kền thậm chí còn được phát hiện ở độ cao trên 11.000 m với nhiệt độ xuống tới âm 50 độ C, trong khi ở mức 5.500 m, con người đã bắt đầu cần đến mặt nạ dưỡng khí.
Các loài chim khác được phát hiện ở độ cao lớn như sếu ở 10.000 m, thiên nga và ngỗng 8.000 m và một số loài chim khác ở mức trên 6.000 m so với mực nước biển.
Jonathan Rader và Ty Hedrick (Đại học North Carolina, Mỹ) đã nghiên cứu về kỹ thuật để duy trì độ cao cực lớn ở loài kền kền. Chim là bậc thầy trong việc giảm thiểu năng lượng khi bay và kền kền là một trong những loài giỏi nhất, Rader cho biết.
Hiểu được kỹ năng của chúng có thể là khởi nguồn cho những phương thức tiết kiệm năng lượng mới cho hàng không. Kiến thức này cũng giúp các nhà quản lý có thể bảo tồn các loài chim và môi trường sống của chúng mà không ảnh hưởng tới các chuyến bay.
Thực tế, kền kền có thể bay lên độ cao đáng kinh ngạc nhưng chúng dành phần lớn thời gian ở độ cao thấp hơn nhiều. Rader cho biết độ cao điển hình của kền kền là khoảng 100 m và chúng dành 20-30% thời gian trong ngày để bay.
Vì vậy, va chạm giữa chim và máy bay ở tầng bình lưu là rất hiếm. Những loài có lông vũ không thể ở trên đó lâu. Ở độ cao 11.000 m, kền kền phải thích nghi mật độ không khí ít hơn 27%.
Khi không khí loãng, cánh của loài chim này tạo ra ít lực nâng hơn và chúng phải tốn nhiều năng lượng hơn để duy trì độ cao.