tạp chí bầu trời

Núi Hồng - Sông La và con người Hà Tĩnh

Muôn đời nay vẫn thế, dù qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, Núi Hồng - Sông La vẫn hướng ra biển Đông gồng mình chống chọi với bão giông. Và người dân Hà Tĩnh vẫn thông minh, chịu thương, chịu khó, vẫn hiên ngang khí phách anh dũng trong chiến đấu; cần cù, sáng tạo trong lao động và cao cả trong tình yêu…

nui-hong-1650004187.jpg
 

Núi Hồng - Sông La

Với tôi, một người con Hà Tĩnh, trong tâm thức dường như luôn sẵn có một tình yêu sâu nặng với quê hương Núi Hồng - Sông La- mảnh đất địa linh, nhân kiệt. Tôi còn nhớ nhà thơ Xuân Hoài, người con Xứ Nghệ đã từng viết những câu thơ tự nhiên, nhẹ nhàng như một triết lý đi sâu vào tâm trí của mọi người: “Những khúc hát đò đưa/ Thả neo vào quá khứ/ Núi cao cho dáng đứng/ Sông dài cho bước đi…”. Trong dịp về thăm quê hương Hà Tĩnh được tái thiết, tôi đã nghe bài thơ này do Quốc Việt phổ nhạc và trở thành ca khúc nổi tiếng đi cùng năm tháng. Núi Hồng- Sông La, tự bao đời đã hình thành ở đó. Thiên nhiên vô tình hay hữu ý thì sông, núi cũng đã hiện diện như một vẻ đẹp không thể tách rời gắn bó với đời sống con người, đi vào đời sống tinh thần, trở thành một phần tâm hồn của con người Hà Tĩnh. Sông, núi muôn đời vẫn vậy. Qua bao thác ghềnh, dòng sông vẫn mang nặng ân nghĩa tình đời, lặng lẽ miệt mài chảy xuôi ra biển cả. Núi vẫn trùng điệp, uy nghi giữa đất trời.

Tôi lớn lên trong tiếng bom rơi, đạn nổ. Ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ đánh phá ra miền Bắc. Lần đầu tiên tôi tận mắt nhìn thấy từng đàn máy bay như bầy quạ đen, gầm rú, bay liệng trên bầu trời quê hương, tiếng pháo phòng không 37 mm, 12,7 mm của bộ đội và dân quân trực chiến cứ cắc bụp… cắc bụp… tôi chưa hiểu “chiến tranh là gì?” và từ đó không còn nghe tiếng sáo diều vi vu của ông nội thả trên bờ đê nữa. Đứng trên núi Nghèn nhìn ra phía xa, bom đạn của giặc thả dày đặc giữa cánh đồng và con đường quốc lộ 1 A, đoạn từ Hồng Lĩnh đến Cầu Cày (Thạch Hà). Hố bom chồng lên hố bom, đất đai bị cày xới tung tóe, cây cối đổ nghiêng ngã, nhà cửa cháy tan hoang, trông thật thảm thương. Tôi ôm chặt đứa em trai mới 5 tháng tuổi vào lòng cố dỗ dành, nhưng nó vẫn khóc thét lên. Tôi sợ máy bay địch nhìn thấy nên vội lao thẳng vào một bụi tre trước cửa nhà, lũ sâu róm được bữa đốt hai anh em đau suốt cả tuần.

Mùa hè năm 1966, đế quốc Mỹ điên cuồng đánh phá ra miền Bắc, trong đó mảnh đất Hà Tĩnh là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của chúng. Ban ngày, chúng ném bom hủy diệt trường học, bệnh viện, đường sá, kho tàng, ô tô chở hàng hóa... Ban đêm, chúng nó bắn pháo kích từ biển vào xóm làng xơ xác, tan hoang. Hàng trăm ngôi nhà bị cháy trụi. Học sinh chúng tôi được thầy cô hướng dẫn hàng ngày đến trường phải đội mũ rơm, lưng đeo vòng lá ngụy trang,vai mang túi bông, băng cá nhân đề phòng bị thương có thể tự mình sơ cứu hoặc nhờ bạn bè. Tuổi thơ của tôi cũng như bao bạn bè cùng trang lứa lớn lên trong gian khổ, đau thương, ăn không đủ, ngủ không yên, đất nước chiến tranh, bom rơi, đạn lạc…Sau mỗi trận bom ném xuống, nhân dân ở các xã đổ nhau ra đường đi lấp hố bom cho xe qua. Tôi còn nhớ, trưa hè đỏ lửa năm đó, Trung đội pháo 12,7 mm trên đỉnh núi Nghèn gồm các chị: An, Tuyết, Trâm, Sáu, Hạnh, Bé, Bính, Trát, do chị Trần Thị Bính làm Trung đội trưởng đã bắn rơi một chiếc máy bay F4của giặc Mỹ. Tin vui nhanh chóng làm nức lòng nhân dân tỉnh nhà. Với chiến công xuất sắc bắn rơi máy bay Mỹ, Trung đội nữ dân quân xã Trảo Nha, huyện Can Lộc được Bác Hồ gửi thư khen và tặng Huy hiệu của Người. Ngoài ra, mỗi chị em còn được Ủy ban tỉnh thưởng cho 4 mét vải lụa Satin (Sa tanh), lúc bấy giờ vải lụa này rất có giá trị. Đây là nguồn cổ vũ động viên to lớn đối với chị em dân quân xã Trảo Nha.

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết (27/1/1973), đế quốc Mỹ ngừng ném bom đánh phá miền Bắc, hàng năm vào dịp đầu xuân, thời tiết mát mẻ, nhà trường thường tổ chức cho học sinh đi tham quan hoặc lao động trồng cây dưới chân núi Tháp Cờ, ngọn núi cao nhất, có chùa Hương Tích cổ kính. Những hôm tham quan, các bạn nữ vốn đặc tính rất lãng mạn nên rủ nhau đi hái hoa sim. Những bông sim tím,cánh hoa e ấp,nhụy vàng tỏa ngát hương trong nắng xuân dịu dàng. Mấy đứa bạn trai thích vào chùa thắp hương để cầu chúc cho phúc, lộc trường tồn. Thầy Kiệm, trụ trì ở chùa lúc bấy giờ còn rất trẻ, giọng thầy ấm áp, truyền cảm, thầy kể lại rằng: Chùa Hương Tích là một trong những ngôi chùa mang dấu ấn lịch sử lâu đời nhất tại Việt Nam, có niên đại hàng nghìn năm. Tương truyền, chùa được xây dựng từ thế kỷ XIII vào thời nhà Trần. Chùa Hương Tích gắn liền với sự tích công chúa Diệu Thiện - con gái vua Trang Vương nước Sở tu hành hóa Phật. Truyền thuyết còn lưu lại, khi cha lâm bệnh nặng, nàng đã hiến dâng cả tròng mắt và bàn tay để cứu cha. Đức Phật cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của người con gái đã hóa phép cho mắt Diệu Thiện sáng và tay mọc lại. Nàng đến núi Hồng Lĩnh lập Am, tu hành đắc đạo và hóa thành Phật tại chính nơi đây...

nui-hong-song-la-chua-1650004186.jpg
 

Tam Bảo - chùa Hương (Hà Tĩnh)

Qua giêng, tiết trời Thanh minh khi chưa hết rét Nàng Bân, chúng tôi lại rủ nhau ra bến nước Sông La (Đức Thọ), nơi có ngôi làng đặc biệt từ hàng trăm năm nay gắn liền với nghề làm hến. Đến đây, nghe tiếng bước chân bì bõm, đan xen với những câu tán gẫu, động viên nhau tạo nên không khí nhộn nhịp, vui tươi... mọi người rủ nhau xuống sông, vượt qua rét mướt để tìm con hến. Những người đàn ông lực lưỡng, vạm vỡ trong làng thức dậy từ sớm, giong thuyền vượt Sông La lên đến hạ nguồn Ngàn Sâu để cào hến. Thả mình trong không khí rộn ràng ấy, tôi còn nhớ như in câu vè nói lên sự nổi tiếng của hến Sông La từ muôn đời nay: “Trưa hè vọng một tiếng rao/ Nhớ canh hến Thượng nôn nao muốn về”.Hến sông La, đặc sản của Hà Tĩnh chắc thịt, khi ăn rất thơm ngon và tươi. Núi Hồng - Sông La đẹp và nên thơ là thế, nhưng rồi trải qua bao sương gió thời gian, chiến tranh loạn lạc đã vùi lấp nhiều nơi, bây giờ một số di tích chỉ còn lại trong tiềm thức của người dân Hà Tĩnh.Chùa Hương Tích vẫn nằm đó uy nghi, trầm mặc với bao biến cố thăng trầm lịch sử.

Thời gian thấm thoát trôi đi, chúng tôi học xong mỗi đứa một nghề, một nghiệp. Đứa ở lại đồng quê “bán lưng cho đất, bán mặt cho trời”, đứa tòng quân vào Nam chiến đấu, nhiều đứa vào đại học - cao đẳng và trung cấp…Một chiều mùa Thu, tháng tám năm 2006, Khóa học sinh Cấp 3 chúng tôi tổ chức gặp mặt kỷ niệm 30 năm ngày ra trường tại bãi biển Xuân Thành, huyện Nghi Xuân. Đi trong Đoàn của tôi có nhiều người đã từng đến nơi đây, nhưng cũng có những người mới đến lần đầu tiên.Khi buổi liên hoan đang diễn ra vui vẻ, anh Mai Huệ - bạn học cùng khóa đến chạm ly rượu với tôi rồi tấm tắc khen:

- Chao ôi! Biển quê mình đẹp quá trời bạn ạ!

- Đây là một trong những bãi biển đẹp và nên thơ của tỉnh Hà Tĩnh đấy, tôi bật mí với Huệ…

Trong buổi gặp mặt trang trọng đầy nghĩa tình ấy, chúng tôi vừa chúc mừng nhau vì  lâu ngày gặp lại, vừa ngắm nhìn những ráng chiều tím đỏ, thuyền chài rộn ràng, tấp nập vào ra…Từ bờ nhìn ra phía biển xa, những tia ánh mặt trời chếch xuống mặt nước, sóng vỗ dập dờn, những cánh buồm rực lên một màu hồng tuyệt đẹp…Tất thay mọi người trong buổi gặp mặt ý nghĩa ấy mãi say sưa đắm mình trong những làn điệu ca trù, dân ca ví giặm, lẩy Kiều, trò Kiều… và nhớ đến Đại thi hào Nguyễn Du, một người con của quê hương Hà Tĩnh…

Mặt trời đã gần gác núi, xe chuyển bánh đưa chúng tôi từ bãi biển Xuân Thành ngược lên Xuân An qua Gia Lách, nhìn một bên là sông Lam (Nghệ An), một bên là sông La (Hà Tĩnh) hiện ra trong bàng bạc khói chiều và sự yên tĩnh đến lạ thường. Nhất là khi nhìn xa về phía núi Hồng Lĩnh chìm giữa những bóng mây in hình trên mặt nước như một bức tranh sơn thủy hữu tình. Bỗng anhThư - bạn tôi không cầm lòng được trước vẻ đẹp của Sông La đã ngâm một đoạn thơ trong bài “Tràng Giang”của nhà thơ Huy Cận - quê Đức Thọ: ““Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu/ Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều/ Nắng xuống, trời lên sâu chót vót/ Sông dài, trời rộng, bến cô liêu…”.Từ bao đời nay, Núi Hồng - Sông La là biểu tượng của sự hoà quyện đầy chất thơ, nhạc của vùng quê giàu truyền thống đấu tranh cách mạng.

Sông La,do hai nhánh là Ngàn Sâu (từ Hương Khê) và Ngàn Phố (từ Hương Sơn) chảy từ núi cao của đại ngàn Trường Sơn hòa vào Sông Lam. Qua bao thác ghềnh, sông như dải lụa mềm chở nặng phù sa xuôi về bến Tam Soa, uốn lượn, quanh co dưới chân núi Hồng Lĩnh tạo thành bức tranh thuỷ mặc hùng vĩ mà nên thơ.

Núi Hồng có tên Nôm là Ngàn Hống hay gọi theo dân gian Xứ Nghệ là Rú Hống, tên chữ là Hồng Sơn (núi Hồng) hay Hồng Lĩnh, nằm trên vùng đất của 2 huyện (Can Lộc và Nghi Xuân) trước đây. Núi Hồng Lĩnh nhấp nhô, điệp trùng, mạch núi chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, từ Nam-cầu Bến Thuỷ vào đến Bắc- Cửa Sót, Kỳ Anh.Tương truyền có 99 ngọn từ thời vua An Dương Vương mở nước đã từng đặt chân đến nơi này. Trải qua mấy nghìn năm văn hiến, Núi Hồng - Sông La đã tích tụ, lắng đọng nên khí chất lẫm liệt của những người con Hà Tĩnh, trở thành biểu tượng của một nền văn hoá đặc trưng vùng, miền đậm đà bản sắc dân tộc. Bản sắc đó như mạch nguồn sâu lắng vẫn âm thầm chảy trong các thế hệ cư dân sống ở nơi đây. Và tôi cũng nghe trong lòng mình dậy lên một tình cảm thiết tha với miền đất nhiều duyên nợ ...Không chỉ có dáng núi, hình sông lung linh, huyền ảo, núi Hồng Lĩnh còn lưu giữ những câu chuyện đượm màu huyền thoại. Chuyện kể rằng: ông Đùng (ông khổng lồ) là người có sức khoẻ phi thường, có tài dời non, lấp biển. Một ngày kia, ông dời tất cả những quả núi ở vùng châu thổ sông Lam và sông La xếp thành dãy núi Hồng Lĩnh. Có lẽ tạo hoá ban tặng cho vùng đất nhân ái, bao dung mà giàu truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất nên đã hình thành dãy núi Hồng Lĩnh trùng trùng, điệp điệp như bức tường thành vững chãi, trấn giữ miền biên ải để ngăn ngừa giặc giã và những trận cuồng phong từ biển Đông tràn vào tàn phá quê hương…Muôn đời nay vẫn thế, dù qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử thì Núi Hồng - Sông La vẫn hướng ra biển Đông gồng mình chống chọi với bão giông. Và người dân Hà Tĩnh vẫn thông minh, chịu thương, chịu khó, vẫn hiên ngang khí phách anh dũng trong chiến đấu;cần cù, sáng tạo trong lao động và cao cả trong tình yêu.

Xe chạy vòng quanh dưới chân dãy núi Hồng Lĩnh, cũng là lúc bóng hoàng hôn buông xuống, ngắm nhìn cảnh đẹp nên thơ ấy, anh La Đức ôm chặt người tôi và cất giọng:

  • Này các cậu! Cuộc gặp mặt hôm nay có ý nghĩa tuyệt vời…

Bạn Dũng được thể vỗ ngực vui vẻ chỉ vào Phan Văn Mạnh:

  • Phải cám ơn Chủ tịch Hội chứ! Cậu nên nhớ rằng chưa đến chùa Hương Tích là chưa về đất Hà Tĩnh đâu nhé.

Tại chùa Hương Tích rất linh thiêng, khi lên viếng chùa, như lạc vào bồng lai tiên cảnh, chùa uy nghiêm sừng sửng soi bóng ra biển Đông.

Núi Hồng và Sông La, ai đã là người Hà Tĩnh, dù đi khắp bốn phương trời vẫn không bao giờ quên được. Nơi đây, dẫu còn là xứ nghèo, nhưng lòng tôi luôn tự hào là vùng đất hiếu học, Văn - Võ chữ nghĩa song toàn đã kết tinh nên nhiều thiên tài và lãnh tụ cho dân tộc. Đất nghèo quê tôi, ai cũng mang trong mình hình bóng Núi Hồng - Sông La, chính nó giúp cho nhạc sĩ An Thuyên, tuy không phải người con Hà Tĩnh,nhưng đã có những ca từ thấu tận tim gan:“Nhớ Núi Hồng - Sông La/ Sông cứ chảy trong ta, núi cứ lớn trong ta/Dù ngàn trùng cách xa, ta vẫn nhớ thương nhau…”. Trong tâm niệm của những người con quê hương Hà Tĩnh,Núi Hồng - Sông La xứng đáng là danh sơn tồn tại muôn đời. “Dù đi xa càng muốn về, khổ đau càng muốn về…Ơi Hà Tĩnh mình thương…!”.

(Theo vanhoavaphattrien.vn)

 

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận