Cá nhân

Nữ sinh rẽ ngành, theo đuổi giấc mơ trở thành phi công

Nam Bình 12/12/2024 06:12

Được truyền cảm hứng từ một nữ cơ trưởng của Việt Nam khi chỉ mới 12 tuổi, Thái Hải Trân nuôi dưỡng ước mơ chinh phục bầu trời qua nhiều năm liền. Đến nay, cô gái trẻ ở vùng quê sông nước Cần Thơ đã được đào tạo bài bản cho việc trở thành phi công, sẵn sàng“cất cánh”

Thai Hai Tran (5)

Vừa kết thúc chương trình đào tạo Phi công thương mại, Thái Hải Trân (22 tuổi, quê Cần Thơ) đang tiếp tục theo học các khóa nghiệp vụ, chuẩn bị sẵn sàng cho việc thực hiện giấc mơ bay của cô gái nhỏ năm nào.

10 năm nuôi dưỡng ước mơ

Hải Trân khá bất ngờ khi nhận được lời mời phỏng vấn của OpenSky. Cô cho rằng, ngoài niềm đam mê vô tận với những chiếc máy bay và sở thích chinh phục bầu trời, Trân chưa có thành tích gì lớn lao nên chưa muốn “lên báo”. Dẫu vậy, khi được hỏi về máy bay và những bài học về điều khiển máy bay, Trân chia sẻ say mê, như thể niềm đam mê ấy dài bất tận.

Trân kể, tình yêu du lịch và khám phá trong cô bắt đầu từ khá sớm. Khi còn nhỏ, Trân thường theo mẹ và gia đình đi đây đó. Những chuyến đi bằng máy bay luôn làm cô phấn khích.

Thái Hải Trân ước mơ trở thành phi công từ khi còn rất nhỏ. Ảnh: NVCC
Thái Hải Trân ước mơ trở thành phi công từ khi còn rất nhỏ. Ảnh: NVCC

Năm 12 tuổi, trong một lần tình cờ, Trân được biết đến nữ cơ trưởng Huỳnh Lý Đông Phương. Cô gái nhỏ nhận ra rằng, sở thích của mình không chỉ đơn giản là “thích”, nó phải là đam mê và sẽ là mục tiêu theo đuổi của cuộc đời mình.

“Từ lúc đó, tôi nhận ra rằng niềm đam mê hàng không của mình không chỉ là một giấc mơ mà còn là tiếng gọi. Tôi muốn trở thành một phần của thế giới nơi bầu trời không phải là giới hạn mà là sự khởi đầu”, Trân chia sẻ.

Cũng từ đó, ngoài những giờ học trên ghế nhà trường, Trân thường vào các nhóm trên mạng xã hội, tìm hiểu về nghề phi công, về hàng không, tìm hiểu con đường nào để thực hiện giấc mơ trở thành phi công của mình…

Cơ hội đến với Trân vào cuối năm học lớp 11 khi vượt qua bài thi xét tuyển phi công (ADAPT) của một hãng hàng không trong nước. Vì chưa tốt nghiệp phổ thông, Trân được hãng bay cho bảo lưu kết quả, hẹn gửi đến trường đào tạo phi công sau khi cô tốt nghiệp trung học phổ thông.

Vượt qua bài kiểm tra tuyển chọn của hãng hàng không, Trân cũng phải nhận được “cái gật đầu” của gia đình khi cha mẹ luôn muốn cô theo học ngành y, trở thành y bác sĩ.

Vì là học sinh chuyên Sinh, các thầy cô giáo của Trân cũng không ngờ đến việc cô gái trẻ sẽ rẽ bước vào ngành hàng không thay vì trở thành bác sỹ như định hướng của gia đình và nhà trường.

“Mình và mẹ phải thuyết phục bố rất lâu. Mình biết bố rất thương mình, chỉ là sợ con gái học phi công sẽ vất vả, lại hay phải xa nhà. Nhưng cuối cùng bố cũng đồng ý”, Trân nhớ lại.

Giấc mơ tưởng chừng đến rất gần khi Trân trở thành sinh viên chương trình Cử nhân Hàng không, chuyên ngành Phi công tại Đại học RMIT. Thế nhưng, vào học thực tế, cô gái trẻ ngỡ ngàng vì để trở thành phi công, học viên không chỉ học điều khiển máy bay mà còn phải thông thạo các môn liên quan đến kỹ thuật, thời tiết, cả tâm sinh lý con người…

Thái Hải Trân vừa hoàn thành chương trình Cử nhân Hàng không (chuyên ngành phi công) tại Đại học RMIT ở Australia. Ảnh: NVCC.
Thái Hải Trân vừa hoàn thành chương trình Cử nhân Hàng không (chuyên ngành phi công) tại Đại học RMIT ở Australia. Ảnh: NVCC.

Trân học cách “đọc” từng dạng mây, cách nhận xét hiện mây mù, nhiễu động không khí, thời tiết nóng, lạnh ảnh hưởng tới chuyến bay, việc lăn cất cánh sẽ ảnh hưởng như thế nào… Nhưng khó nhằn hơn hết là các môn liên quan đến kỹ thuật máy bay, những “bulong”, “ốc vít”… cô gái trẻ vốn chưa từng một lần chạm đến thì nay, không chỉ phải hiểu, phải biết mà còn phải thông thạo.

“May mắn là niềm đam mê với máy bay, với việc trở thành nữ phi công của mình vẫn như ngày còn nhỏ. Do đó, khi qua Australia để học tập, mình tập trung hết sức cho phần kỹ thuật, để phần này không còn là điểm yếu của bản thân”, Trân chia sẻ.

Biến giấc mơ thành hiện thực

Sau một thời gian học tại Việt Nam, Trân được gửi sang Australia tiếp tục hoàn thiện chương trình đào tạo. Cô gái trẻ nhớ lại buổi học đầu tiên với máy bay thật với tâm trạng hào hứng, hồi hộp và lo lắng.

Nhưng rồi, những nỗi lo ấy cũng dần tan biến khi máy bay chạy đà và cất cánh. Cảm giác được ngồi ở khoang lái, nhìn rõ bầu trời xanh cùng những đám mây trắng xốp như bông rất khác biệt so với rất nhiều lần ngồi ở khoang hành khách trước đó khiến Trân vô cùng phấn khích.

Với Trân, thao tác khó nhất là hạ cánh sao cho êm. Vì khi đáp, mũi máy bay sẽ chúi xuống mặt đất, sinh viên thường bị "nhát tay" mà kéo cần đáp sớm, khiến máy bay bị xóc mạnh khi chạm đất.

Để khắc phục, ngay cả khi đã hoàn thành bài tập, Trân thường nán lại sân bay để xem cách xử lý của bạn học và tranh thủ hỏi thêm giảng viên. Tối về, cô xem các video hướng dẫn để có thêm góc nhìn về thời điểm nên kéo cần đáp.

Để được thực hiện chuyến Thả đơn đầu tiên, Thái Hải Trân đã rất nỗ lực để đạt yêu cầu. Ảnh: NVCC.
Để được thực hiện chuyến Thả đơn đầu tiên, Thái Hải Trân đã rất nỗ lực để đạt yêu cầu. Ảnh: NVCC.

Việc chinh phục được cách hạ cánh này cũng đã giúp Trân nhanh chóng có chuyến bay “Thả đơn” đầu tiên (First solo) của mình trong hành trình trở thành phi công.

Trong chương trình đào tạo phi công, "thả đơn" là sự kiện trọng đại. Đây là lần đầu tiên học viên được bay một mình mà không có giảng viên đi cùng. Để được thả đơn, học viên cần vượt qua nhiều môn học và bài kiểm tra cá nhân (solo check).

Dù chuyến bay Thả đơn chỉ kéo dài khoảng 15 phút nhưng cô gái trẻ cảm nhận được rất nhiều cung bậc cảm xúc với đam mê của bản thân. Cô cảm thấy hồi hộp, lo lắng khi được thầy báo đạt điều kiện Thả đơn và chỉ có vài phút để chuẩn bị.

"Mình vừa bất ngờ, vừa phấn khởi mà cũng lo lắng. Trong thời gian ngắn, mình nhẩm lại những gì đã được học, quy trình từ lúc chuẩn bị bay tới lúc đáp để bài thả đơn tốt nhất có thể", Trân nhớ lại.

So với lúc có thầy ngồi cạnh, Trân căng thẳng hơn, nhưng bù lại cũng thấy trách nhiệm hơn. Cô cũng tự hào vì những nỗ lực của bản thân đã giúp cô tiến bộ hơn rất nhiều, giúp cô sớm đủ tiêu chuẩn để được “Thả đơn”.

Trân hiểu rằng mọi quyết định mình đưa ra liên quan sự an toàn của bản thân và máy bay, hành khách, nên luôn phải tập trung và cẩn trọng. Hôm đó, cô hài lòng với phần đáp máy bay, cho rằng yếu điểm của mình đã được khắc phục nhiều.

“10 giờ bay đầu tiên, trong đó có các chuyến bay Thả đơn, thật sự có ý nghĩa quan trọng và mang lại cảm giác khác biệt cho mình. Hành trình còn dài nhưng những bước đi đầu tiên luôn nhiều kỷ niệm”

Thái Hải Trân

Sẵn sàng để “cất cánh”

Trân cho biết, là con gái, Trân thường tỉ mỉ hơn trong công việc, cẩn thận, chu đáo hơn trong việc lên kế hoạch cho từng chuyến bay. Thế nhưng, việc phải ghi nhớ những vấn đề kỹ thuật máy bay khiến cô tốn nhiều thời gian hơn.

Cũng chính vì vậy, môn học cô thích nhất là Lên kế hoạch bay. Để bay một chiếc Boeing 737 từ điểm A đến điểm B với 100 hành khách và 200kg hành lý, Trân lập kế hoạch chi tiết việc sẽ phải để hành lý ở đâu, lấy lên bao nhiêu lít xăng, phải sắp chỗ ngồi cho hành khách và hành lý như thế nào, để xăng ở đâu sẽ giúp máy bay ổn định, an toàn cho việc di chuyển…

Trong khi đó, bay trong thời tiết xấu là môn học thử thách nhất với Trân. Lúc này, thay vì quan sát bầu trời, phi công sẽ dựa vào hệ thống radar, giữ liên lạc chặt chẽ với đài không lưu để điều khiển máy bay. Dù áp lực, môn này rèn cho cô sự cẩn thận, luôn chuẩn bị các tình huống có thể xảy ra khi thời tiết xấu như chuyển đường bay, hạ cánh khẩn cấp...

Được đào tạo bài bản, cô gái trẻ sẵn sàng cho ước mơ được lái máy bay của mình. Ảnh: NVCC.
Được đào tạo bài bản, cô gái trẻ sẵn sàng cho ước mơ được lái máy bay của mình. Ảnh: NVCC.

“Trong khi việc được bay trên trời cao chắc chắn rất phấn khích, hành trình của tôi được soi sáng bởi mạng lưới kiến thức phong phú về ngành mà tôi được học trên ghế nhà trường, bao gồm cả hiểu biết về quản lý không lưu và điều tra an toàn hàng không”, Trân giải thích.

“Hiểu biết toàn diện này khiến sự tôn trọng tôi dành cho ngành càng sâu sắc hơn, dạy cho tôi biết rằng ngành hàng không là một hệ sinh thái tương hỗ lẫn nhau, nơi an toàn là yếu tố tối quan trọng”.

Thầy George Daniil, Trưởng phòng Đào tạo và Khảo thí bay, Học viện Hàng không RMIT, nhận xét: "Trân là sinh viên quốc tế, nhưng em ấy thực sự biến mình thành 'chủ nhà' khi được biết đến rộng rãi bởi hơn 300 sinh viên, nhân viên của khóa học".

Sau lễ tốt nghiệp vào giữa tháng 12/2024, Trân sẽ quay về Việt Nam học thêm một số khóa học chuyên môn khác, như JetFam, ATPL Frozen và MCC, chuẩn bị cho các kỳ kiểm tra đánh giá xếp hạng và huấn luyện quan trọng để có thể chính thức làm việc như một phi công thương mại.

Trân cũng sẽ dành thời gian hoàn thành tấm bằng Cử nhân Quản trị doanh nghiệp tại Đại học Kinh tế quốc dân và dự định sẽ tiếp tục học lấy bằng Thạc sĩ Hàng không với chuyên ngành An toàn bay vào thời gian tới. Gửi lời nhắn nhủ đến các bạn sinh viên đã và sắp sửa theo đuổi hành trình học vấn của riêng mình, cô nói:

Ước mơ thường tươi đẹp nhưng cần nhiều nỗ lực để trở thành hiện thực. Hãy nắm lấy mọi thử thách, kiên định theo đuổi và để đam mê dẫn dắt bạn.

Thái Hải Trân

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nữ sinh rẽ ngành, theo đuổi giấc mơ trở thành phi công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO