tạp chí bầu trời

Những nhân viên hàng không quên Tết để phục vụ 'thượng đế'

Mỗi phi công, tiếp viên Vietnam Airlines được phục vụ hành khách bay Tết Nguyên đán để sum họp, đoàn tụ gia đình là niềm vui, hạnh phúc trong nghề hàng không.

Đối với phi công Lê Xuân Lộc thì Bay Tết là đặc thù riêng trong nghề. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đối với phi công Lê Xuân Lộc thì Bay Tết là đặc thù riêng trong nghề. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Những phi công, tiếp viên hàng không luôn sẵn sàng đánh đổi những ngày lễ, Tết của mình để chắp cánh cho hành khách có những ngày đoàn viên trọn vẹn. Với họ, ý niệm thiệt thòi bên mâm cỗ đón Giao thừa chưa bao giờ có bởi việc “đón Tết trên trời” hay nơi đất khách đã rất đỗi quen thuộc.

Không còn khái niệm ngày lễ, Tết

Gắn bó với nghề tiếp viên được 4 năm, Lê Minh Triết, sinh năm 1993, tiếp viên hãng hàng không Vietnam Airlines đã đón tới 4 cái Tết xa nhà.

Đã từ lâu, những tiếp viên hàng không như Triết không còn khái niệm ngày cuối tuần hay lễ Tết. Họ tính ngày tháng theo khái niệm ngày bay, ngày không bay, ngày xa gia đình. Thậm chí, nhiều lúc vẫn thường đùa nhau rằng chẳng cần sắm sửa áo quần đón Tết vì những ngày này đều phải mang đồng phục đi bay.

Giọng nói trầm ấm, Triết vẫn nhớ như in về những ngày Tết nơi xứ người khi anh và những đồng đội của mình hưởng không khí mùa Xuân trên đất khách.

Chuyến bay từ Việt Nam sang Nhật Bản năm 2018, giờ khởi hành chuyến bay là thời điểm qua thời khắc Giao thừa. Đó là một cảm giác lạ, đem đầy những trải nghiệm thú vị cho chàng tiếp viên trẻ...

Sau khi bay đến nơi, mọi người trong phi hành đoàn lại cùng nhau đón Tết. Những tiếp viên chuẩn bị bánh chưng, giò,… để các thành viên có thể thưởng thức những món ăn, hương vị ngày Tết quen thuộc ở quê nhà. Mỗi người sẽ góp vào một chút để tạo thành bữa ăn ngày Tết.

“Đến giờ, dù đã quen dần với cảm giác ấy nhưng mình vẫn không khỏi nao nao mỗi khi dịp Tết về. Nếu bảo không buồn thì tự dối lòng nhưng cũng thấy vui khi đã góp phần nhỏ bé giúp các gia đình đoàn tụ với nhau,” Triết nhớ lại về cảm xúc trong mỗi chuyến bay Tết.

Nhung nhan vien hang khong quen Tet de phuc vu 'thuong de' hinh anh 1Nam tiếp viên hàng không Vietnam Airlines Lê Minh Triết đã đón tới 4 cái Tết xa nhà. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Năm nay, các chuyến bay từ nước ngoài về nước số lượng khác với mọi năm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên, những tiếp viên hàng không như Triết luôn sẵn sàng tâm thế đi làm khi được bố trí, sắp xếp lịch bay dù khi về nước phải cách ly tại nhà theo đúng quy định.

“Dịch COVID-19 ‘càn quét’ ngành hàng không khiến nhiều hãng rơi vào cảnh khủng hoảng tài chính. Nhiều nhân viên Vietnam Airlines nghĩ năm nay sẽ không có thưởng Tết và được đi làm đã là sự may mắn. Thật bất ngờ khi Tết 2022 vẫn có được khoản thưởng nhỏ, cùng với giò xào, giò lụa, chả cốm… Đó là sự ghi nhận, sự quan tâm chăm lo sâu sắc của lãnh đạo Tổng công ty tới đời sống vật chất tinh thần của toàn thể người lao động, nhất là trong thời điểm tình hình sản xuất kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch,” Triết chia sẻ.

Trong giai đoạn 2 năm vừa qua, Triết cũng liên tục phải nghỉ luân phiên vì sản lượng chuyến bay thấp. Thế nhưng, trong suy nghĩ của chàng tiếp viên trẻ, niềm yêu nghề và sự tự hào khi mỗi lần được khoác lên mình bộ đồng phục của Vietnam Airlines khi thực hiện nhiệm vụ vẫn luôn luôn mới mẻ và đầy thú vị vì mỗi chuyến bay sẽ lại được gặp đồng nghiệp và chào đón những hành khách đã luôn yêu và tin tưởng lựa chọn để đồng hành cùng hãng trên hành trình của họ.

“Hy vọng trong năm mới 2022, khi dịch bệnh được kiểm soát cùng với đường bay nội địa và quốc tế đang dần tăng tuần suất trở lại sẽ giúp Vietnam Airlines phục hồi và phát triển để giữ vững và phát huy vị thế của Hãng hàng không quốc gia,” Triết bày tỏ hy vọng.

Bay Tết là đặc thù riêng trong nghề

Là một trong những phi công trẻ của đội bay Airbus A321 của Vietnam Airlines, có bố là tiếp viên của Vietnam Airlines, ngay từ nhỏ, mỗi khi nhìn thấy bố mặc đồng phục về nhà, Lê Xuân Lộc (sinh năm 1993), hiện là cơ phó A321 rất thích thú với dáng vẻ oai phong và được nghe kể nhiều câu chuyện về đi lại trên bầu trời. Sau khi tìm hiểu công việc này, đam mê ngày một nuôi lớn dần và trở thành động lực thôi thúc anh đi theo con đường “chinh phục bầu trời.”

Gia nhập đội ngũ phi công Vietnam Airlines từ năm 2016, cơ phó Lộc không đếm xuể hết số chuyến bay đường dài của mình. Với anh, những chuyến bay Tết luôn để lại ấn tượng đặc biệt. Tết là thời gian mọi người dành cho gia đình, sum vậy họp mặt với tất cả thành viên nhưng với ngành phi công lại là thời gian cao điểm phục vụ hành khách.

“Hầu như năm nào mình cũng bay Tết, đó là điều khó quên đối với mỗi phi công khi mình quên đi lợi ích bản thân để mang lại niềm vui cho mọi người. Bay Tết là đặc thù riêng trong nghề của mình,” anh Lộc tâm sự.

Năm 2018, Lộc đón Tết Nguyên đán ở Hàn Quốc. Tết đầu tiên ở xa xứ nên tâm trạng có phần buồn nhưng cũng háo hức vì đó là trải nghiệm mới đồng thời tự hào sau mỗi chuyến bay có thể đưa hành khách hạ cánh an toàn, đi đến nơi về đến chốn.

“Đối với mỗi phi công, sự an toàn và hài lòng của hành khách chính là nguồn động lực lớn nhất khi nối những nhịp cầu sum họp, đoàn tụ. Mỗi chuyến bay hạ cánh an toàn là một kỷ niệm vui và khiến mình cảm thấy hạnh phúc, quên hết vất vả,” Lộc nói.

Nhung nhan vien hang khong quen Tet de phuc vu 'thuong de' hinh anh 2

Phi công Lê Xuân Lộc (ngồi bên tay phải), hiện là cơ phó A321 của Vietnam Airlines. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Sau thời gian dài do ảnh hưởng của dịch nên Lộc phải tạm nghỉ, có tháng không có chuyến bay. Hai năm bay ít đã thay đổi thói quen của cánh phi công như anh, đến nỗi không phải thức dậy xem lịch bay hay không, có những ngày nghỉ dài đằng đẵng.

“Nghỉ lâu quá, nhiều khi mặc bộ đồng phục phi công cảm thấy cứ lạ lạ giống như hồi mới đi bay. Gần đây bay nhiều hơn, 1-2 tuần có 1 chuyến. Chuyến bay đầu tiên sau đợt dịch cảm thấy hơi lo lắng nhưng ngồi trong buồng lái một lúc, tôi đã bình tĩnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao,” chàng cơ phó tâm sự.

Bày tỏ niềm mong mỏi Vietnam Airlines phục hồi tần suất chuyến bay sẽ giúp doanh thu, khai thác tốt và có kế hoạch trong tương lai phát triển, Lộc nhắn nhủ các đồng nghiệp trong Tổng công ty đồng tâm hiệp lực chia sẻ khó khăn với hãng, cùng nhau chèo lái “con thuyền Vietnam Airlines” vững vàng trước sóng lớn COVID-19 này và kỳ vọng năm 2022 sẽ khởi sắc hơn./.

 Theo Việt Hùng (Vietnam+)
Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận