Trước mỗi chuyến đi, hành lý và kế hoạch là chưa đủ, sức khỏe mới là chìa khóa giúp tận hưởng hành trình một cách an toàn. Tiêm phòng trước khi du lịch là một bước quan trọng để bảo vệ bản thân khỏi những căn bệnh lây nhiễm.
Không gì có thể phá hỏng một chuyến đi thú vị nhanh hơn việc bị bệnh. Gần đây, bệnh đậu mùa khỉ (mpox) đã trở thành mối lo ngại lớn trên toàn cầu. Từng có tỷ lệ tử vong lên đến 1/10 người mắc bệnh, hiện nay con số này giảm còn khoảng 3,3%.
Vào tháng 8, Thụy Điển đã ghi nhận ca nhiễm đậu mùa khỉ đầu tiên ngoài lục địa châu Phi, sau đó lan tới châu Á với các ca bệnh được xác nhận tại Thái Lan và những ca nghi nhiễm ở Pakistan và Philippines.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố báo động cấp cao nhất về đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ tại hơn 10 quốc gia ở khu vực Trung Phi, coi đây là “tình trạng khẩn cấp y tế công cộng đáng lo ngại trên toàn cầu”. Đây là mức báo động cao nhất theo luật y tế quốc tế. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng khuyến nghị những người có nguy cơ cao ở Mỹ nên tiêm hai liều vaccine Jynneos để phòng bệnh.
Ngoài đậu mùa khỉ, các bệnh truyền qua muỗi như sốt xuất huyết và sốt rét cũng là những mối đe dọa lớn đối với du khách, đặc biệt là khi bạn đến những khu vực nhiệt đới. Sốt xuất huyết hiện nay đã có vaccine phòng bệnh, tuy nhiên chỉ hiệu quả cao đối với những người từng mắc bệnh.
Tiến sĩ Nicky Longley, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Nhiệt đới thuộc Đại học College London (Anh), giải thích: “Vaccine sốt xuất huyết Qdenga chỉ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh lần hai và nguy cơ tử vong. Nhưng nếu bạn chưa từng mắc sốt xuất huyết trước đây, hiệu quả bảo vệ của vaccine này gần như không có.”
Câu chuyện của Chris Dwyer, một nhà văn du lịch người Anh, là minh chứng rõ ràng. Trong chuyến du lịch Malaysia năm 2014, anh mắc sốt xuất huyết và phải nhập viện khẩn cấp. Dwyer trải qua đau khớp nghiêm trọng, sốt cao và giảm lượng bạch cầu.
Sau khi hồi phục, anh nhận ra rằng nếu bị mắc lại lần thứ hai, tình trạng của anh có thể còn nghiêm trọng hơn. Vì vậy, Dwyer hiện đang cân nhắc tiêm vaccine Qdenga để bảo vệ bản thân trước nguy cơ tái nhiễm.
Sốt rét, căn bệnh do muỗi Anopheles lây truyền, là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất ở các vùng nhiệt đới. Mặc dù có nhiều tiến bộ trong nghiên cứu vaccine phòng sốt rét, loại vaccine này hiện tại chưa phù hợp cho khách du lịch.
Tiến sĩ Longley cho biết: "Vaccine sốt rét hiện tại cần được tiêm nhắc lại nhiều lần và không đảm bảo hiệu quả phòng bệnh đầy đủ". Du khách cần dựa vào các biện pháp phòng ngừa như thuốc chống muỗi, sử dụng màn và tránh tiếp xúc với môi trường có nguy cơ cao.
Câu chuyện của Anniina Sandberg, người sáng lập công ty du lịch Visit Natives, là lời cảnh báo về việc không nên chủ quan với các bệnh truyền nhiễm. Trong chuyến đi đến Tanzania, Sandberg không sử dụng thuốc phòng sốt rét do cho rằng nguy cơ nhiễm bệnh không lớn. Kết quả là cô mắc cả sốt rét và sốt thương hàn, phải nhập viện khẩn cấp.
Điều này cho thấy ngay cả với những người có kinh nghiệm du lịch dày dặn, sự chuẩn bị về y tế vẫn luôn cần thiết.
Tiêm phòng là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe khi đi du lịch, giúp ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm và giảm thiểu nguy cơ tử vong.
Tại Mỹ, trẻ em được tiêm phòng từ lúc sơ sinh đến 10 tuổi với các loại vaccine như viêm gan A, sởi, quai bị, rubella và Covid-19. Khi trẻ bước vào tuổi vị thành niên, những loại vaccine như uốn ván và bạch hầu cũng được khuyến nghị tiêm nhắc lại. Người lớn cũng không nên bỏ qua việc duy trì lịch tiêm phòng định kỳ, đặc biệt khi chuẩn bị cho những chuyến đi tới những vùng có nguy cơ cao về bệnh truyền nhiễm.
Một bệnh khác mà du khách cần lưu ý là viêm não do ve truyền (TBE), bệnh phổ biến ở một số khu vực Trung Âu và có khả năng gây tổn thương nghiêm trọng đến hệ thần kinh.
Tiến sĩ Longley khuyên rằng: "Nếu bạn có kế hoạch đi cắm trại hoặc đi bộ đường dài ở những khu vực có nguy cơ bị ve cắn, việc tiêm vaccine TBE là vô cùng cần thiết". Mặc dù bệnh TBE không có tỷ lệ tử vong cao như bệnh dại, nó vẫn có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như tàn tật vĩnh viễn hoặc tử vong.
Bệnh dại cũng cần được lưu tâm. Bệnh này hiếm gặp nhưng có nguy cơ rất cao nếu bạn tiếp xúc với động vật hoang dã. Anniina Sandberg đã có một trải nghiệm đầy căng thẳng khi bị một con cừu nghi mắc dại liếm vào vết thương hở trên chân trong chuyến đi thăm bộ tộc tại Tanzania.
Dù đã được tiêm phòng trước đó, cô vẫn phải điều trị khẩn cấp để tránh nguy cơ mắc dại. Theo Tiến sĩ Longley, dại có thể ủ bệnh trong vòng vài tuần hoặc vài tháng trước khi gây tử vong, một khi đã phát bệnh thì không có cách chữa trị nào hiệu quả. Vì vậy, việc tiêm phòng dại trước chuyến đi là yếu tố sống còn, đặc biệt khi bạn có ý định tiếp xúc với các loài động vật hoang dã.
Khi lập kế hoạch cho bất kỳ chuyến du lịch nào, sức khỏe luôn là yếu tố cần được ưu tiên hàng đầu. Tùy thuộc vào điểm đến, có thể bạn sẽ cần tiêm một số loại vaccine nhất định để phòng ngừa các căn bệnh nguy hiểm.
Trước chuyến đi, hãy đảm bảo kiểm tra hồ sơ tiêm phòng của bản thân và tham khảo các thông tin y tế từ các cơ quan uy tín như CDC hoặc WHO để biết về các loại vaccine cần thiết cho điểm đến của mình. Khi đến những vùng có nguy cơ lây nhiễm cao, bạn nên tiêm đầy đủ các loại vaccine và chuẩn bị kỹ biện pháp phòng ngừa khác như thuốc chống côn trùng, màn chống muỗi và tuân thủ các quy tắc vệ sinh cá nhân.
Những câu chuyện từ Chris Dwyer và Anniina Sandberg là lời cảnh báo rõ ràng về tầm quan trọng của việc chuẩn bị y tế trước mỗi chuyến đi. Dù bạn đã lên kế hoạch kỹ lưỡng, vẫn không thể lường trước hết mọi rủi ro. Tuy nhiên, việc tiêm phòng đầy đủ và tuân thủ các biện pháp phòng tránh sẽ giúp bạn an tâm hơn, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và tận hưởng trọn vẹn hành trình.