Thị trường vận tải hàng không chặng ngắn có tiềm năng phát triển lớn tại Việt Nam khi có thể bổ trợ cho giao thông đường bộ, giúp cải thiện khả năng di chuyển, củng cố mạng lưới các thành phố nhỏ và bảo đảm thêm nhiều địa phương hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Đây là nhận định từ ông Jean-Daniel Kosowski - Giám đốc Kinh doanh của Công ty Avions de Transport Régional (ATR, trụ sở tại Toulouse - Pháp) tại họp báo công bố báo cáo chuyên sâu mang tên "Chắp cánh cho hoạt động vận tải hàng không chặng ngắn tại Việt Nam" vào chiều 12/3. Báo cáo do ATR hợp tác cùng Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải (TEDI) thực hiện.
Theo đó, báo cáo nhấn mạnh tiềm năng của khi hàng không chặng ngắn mang lại nhiều lựa chọn đi lại mới mẻ, thuận tiện hơn và tận dụng cơ sở hạ tầng giao thông hiện có.
Ông Jean-Daniel Kosowski cho biết tại Việt Nam, hiện với 90% lưu lượng chuyến bay nội địa chỉ tập trung tại 10 trong số 22 sân bay trên cả nước, nhiều cảng hàng không địa phương chưa được khai thác đúng mức công suất. Bên cạnh đó, 25% các chuyến bay nội địa hiện tại có đường bay dưới 550 km và sử dụng máy bay lớn, không tối ưu được về chi phí và tần suất bay.
"Việt Nam có ít máy bay chặng ngắn khai thác, số lượng máy bay chỉ chiếm 2% tổng số đội bay trong khi con số này ở Nhật Bản là 17%, tỷ lệ trung bình toàn cầu là 25%. Do đó, dư địa thị trường còn nhiều tiềm năng phát triển, chúng tôi kỳ vọng hàng không chặng ngắn tập trung tăng lưu lượng chuyến bay đến các cảng hàng không địa phương", Giám đốc Kinh doanh ATR nói.
Bên cạnh đó, ngành hàng không Việt Nam đang trải qua giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng, với dự báo tăng trưởng của ngành vận tải hàng không nội địa đạt hơn 20% trong giai đoạn năm 2023-2027. Nhu cầu ngày càng gia tăng đòi hỏi mạng lưới vận tải hàng không vững mạnh và kết nối chặt chẽ hơn.
Nghiên cứu chuyên sâu của TEDI đã xác định 149 đường bay nội địa nằm trong phạm vi tương đương 555 km. Kết quả nghiên cứu cho thấy 87 đường bay trong số đó có tiềm năng lưu lượng lớn, nhưng vẫn chưa được khai thác và sẽ cần một đội bay gồm 25 máy bay ATR 72-600 để khai thác các đường bay này.
Ông Đào Ngọc Vĩnh, Tổng Giám đốc TEDI, cho biết: "TEDI hợp tác với ATR thực hiện nghiên cứu về lưu lượng hàng không tại các sân bay Việt Nam, qua đó, nêu bật tiềm năng phát triển hàng không chặng ngắn của đất nước, nhằm chuẩn bị cho giai đoạn phát triển đầy hứng khởi của thị trường này".
Thực tế, hàng không chặng ngắn có tác động lớn đến kinh tế và xã hội, các nghiên cứu cho thấy việc tăng thêm 10% chuyến bay chặng ngắn sẽ giúp du lịch địa phương tăng trưởng 5%, GDP địa phương tăng 6% và đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 8%.
Thành công của ATR tại thị trường Nhật Bản và New Zealand là minh chứng cho khả năng thúc đẩy kết nối và phát triển kinh tế của vận tải hàng không chặng ngắn. Bằng cách gắn kết người dân và doanh nghiệp trên khắp cả nước, hàng không chặng ngắn đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, sáng tạo đổi mới và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thông qua khai thác tiềm năng của hàng không chặng ngắn, Việt Nam có thể tạo ra mạng lưới vận tải hàng không tích hợp lớn hơn, với tầm nhìn rộng trở thành cửa ngõ hàng không quan trọng tại Đông Nam Á.
Cũng theo phân tích của các chuyên gia, các hãng hàng không thuần chặng ngắn nếu được hình thành sẽ không cạnh tranh với những hãng bay hiện có bởi chủ yếu tập trung tăng lưu lượng chuyến bay đến các cảng hàng không địa phương.
"Tần suất chuyến bay đến các cảng hàng không địa phương hiện hữu tăng lên, đồng nghĩa với việc tối ưu hóa khai thác cơ sở hạ tầng sẵn có, không cần đầu tư xây dựng mới hay nâng cấp, mở rộng. Khi đó tình trạng cơ sở hạ tầng hoạt động dưới công suất tại nhiều cảng hàng không địa phương sẽ được giải quyết, hàng không chặng ngắn cho phép tối đa doanh thu", ông Jean-Daniel Kosowski cho hay.
ATR là doanh nghiệp sản xuất tàu bay chặng ngắn với các dòng tàu bay ATR 42 và 72, là những chủng loại bán chạy nhất trong phân khúc thị trường tàu bay dưới 90 ghế.
Hiện, có khoảng 200 hãng hàng không tại hơn 100 quốc gia sử dụng máy bay ATR với trung bình 120 đường bay mới mỗi năm.
Máy bay cánh quạt ATR tiêu thụ ít hơn 45% nhiên liệu và phát thải khí CO2 ít hơn 45% so với máy bay phản lực chặng ngắn có kích thước tương đương. Vào tháng 1/2022, ATR đã thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên sử dụng 100% nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) trong cả hai động cơ.