Cùng với sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19, đảm bảo an toàn, an ninh là nhiệm vụ hàng đầu của ngành hàng không Việt Nam. Các âm mưu khủng bố, tấn công vào các cảng hàng không trên cả nước luôn được nhà chức trách lưu tâm để ngăn chặn kịp thời.
Theo đánh giá của các chuyên gia, tuy chưa xảy ra hoạt động khủng bố quốc tế nhưng ngành hàng không Việt Nam vẫn tiềm ẩn các nguy cơ. Việc tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh hàng không do đó luôn được ưu tiên.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, ở trong nước tuy chưa xảy ra các vụ tấn công của những tổ chức khủng bố quốc tế nhưng các nguy cơ, dấu hiệu nghi vấn liên quan tới khủng bố quốc tế đã hình thành, hiện hữu rõ nét.
Những hiện tượng đe dọa khủng bố manh nha tại Việt Nam xuất hiện trong bối cảnh tình hình khủng bố quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng ở một số quốc gia, khu vực.
Là một trong những cảng hàng không quốc tế có hoạt động bay diễn ra liên tục 24/24 giờ, Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất có tần suất hoạt động bay lớn nhất nước với sự tham gia hoạt động khai thác của hơn 50 hãng hàng không nước ngoài và 6 hãng hàng không nội địa.
Đại diện Cảng HKQT Tân Sơn Nhất nhận định, nguy cơ khủng bố, phá hoại từ các tổ chức, cá nhân khủng bố và tổ chức phản động lưu vong nhằm vào các cảng hàng không, sân bay, nhất là Cảng HKQT Tân Sơn Nhất - công trình trọng điểm liên quan đến an ninh quốc gia, vẫn luôn hiện hữu.
Trong báo cáo tổng kết năm 2024, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, có 71 vụ vận chuyển vũ khí, công cụ trái phép và hàng cấm tại các sân bay trên cả nước, trong đó, nhiều vụ diễn ra tại các cảng HKQT lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài... Mặc dù đã giảm đáng kể so với thời điểm trước dịch Covid – 19, con số 71 vụ trong một năm cũng đáng để các cơ quan chức năng lưu tâm.
Với vị trí địa lý nằm trong quận nội thành TP.HCM, tiếp giáp khu dân cư sinh sống, tình trạng người dân địa phương khu vực tiếp cận 2 đầu đường cất hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất vẫn còn sử dụng vật thể bay (flycam, drone) vào không trung, ảnh hưởng đến tàu bay trong quá trình cất, hạ cánh, tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an ninh hàng không.
Ngoài ra, qua kiểm tra, lực lượng kiểm soát an ninh hàng không ghi nhận vẫn còn nhiều trường hợp hành khách mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ trái phép, không khai báo, được cất giấu trong người, hành lý cũng như hàng hóa khi di chuyển bằng đường hàng không khi qua Cảng HKQT Tân Sơn Nhất.
Có thể kể đến một số vụ việc như ngày 11/3/2024, tại khu vực kiểm tra an ninh soi chiếu hành lý xách tay Ga đi Quốc tế, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, nhân viên kiểm soát an ninh hàng không đã phát hiện bên trong hành lý xách tay của hành khách N.H.H có chứa 1 khẩu súng không rõ chủng loại đã qua sử dụng.
Đến ngày 18/3/2024, lực lượng an ninh hàng không tại Tân Sơn Nhất tiếp tục phát hiện bên trong hành lý xách tay của một hành khách quốc tịch Hoa Kỳ có chứa 1 viên đạn còn nguyên hạt nổ.
Tiếp đó, ngày 28/6/2024, tại sân bay Tân Sơn Nhất, hành khách L.H.N. (SN 1991) bị phát hiện mang 1 khẩu súng bút, 3 viên đạn còn nguyên hạt nổ và 1 tay đấm bằng kim loại trong hành lý xách tay. Cảng vụ hàng không miền Nam đã bàn giao vụ việc cho Công an sân bay Tân Sơn Nhất tiếp tục xử lý…
Cũng theo ghi nhận của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, trong 11 tháng đầu năm 2024, đã có 6 trường hợp vật thể bay (flycam, drone) vi phạm an toàn tĩnh không tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất. Ngoài vật thể bay, tình trạng hành khách mang chất cấm, vũ khí và công cụ hỗ trợ trái phép qua đường hàng không có xu hướng tăng lên cùng với sự phục hồi của thị trường hàng không sau dịch COVID-19.
Ngoài các vụ việc mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ trái phép… trong năm qua, một số vụ việc gửi thư nặc danh, đe dọa, tống tiền… cũng đã xuất hiện, đe dọa an ninh, an toàn ngành hàng không. Cụ thể, ngày 11/9/2024, một tin nhắn từ địa chỉ email ở Canada đã được gửi đến Phòng điều hành Nhà ga quốc tế sân bay Cam Ranh với nội dung đe dọa đặt bom.
Đến ngày 1/10/2024, một thư điện tử tống tiền đã được gửi đến đại diện Vietnam Airlines tại sân bay Nội Bài với đe dọa sử dụng chất độc xyanua tại các cảng hàng không. Mức tống tiền được đưa ra là 10 tỷ đồng.
Trước những đe dọa an ninh tiềm ẩn, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa như tăng cường cấp độ kiểm soát an ninh trong những dịp lễ tết, cao điểm; tổ chức các khóa tập huấn về an ninh hàng không, phòng chống khủng bố; kiểm tra từ đơn vị cung cấp suất ăn, ga hàng hóa...
Năm 2025, Cục Hàng không sẽ tăng cường phối hợp với cơ quan liên quan và các địa phương, đồng thời mở rộng hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh hàng không và phòng chống khủng bố.
Cục sẽ phối hợp với đơn vị của Bộ Công an trình Chính phủ đưa Trung tâm kiểm soát không lưu Hà Nội và Trung tâm kiểm soát không lưu đường dài tiếp cận Hồ Chí Minh vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
Nhà chức trách hàng không cũng sẽ phối hợp với doanh nghiệp khai thác sân bay tăng cường áp dụng công nghệ soi chiếu an ninh hiện đại (CT scanner, bodyscanner) để giảm sức người và tăng độ chính xác.
Công nghệ mới cũng sẽ được ứng dụng cho hệ thống hàng rào an ninh sân bay, hệ thống cảnh báo xâm nhập; các thiết bị phát hiện phóng xạ, hóa chất độc hại, chất nổ, chất cấm, thiết bị phát hiện và áp chế máy bay không người lái...
Còn theo đại diện Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, lãnh đạo, nhân viên làm việc tại sân bay này luôn nêu cao nhận thức về tầm quan trọng trong việc bảo đảm an ninh an toàn hàng không, phòng chống khủng bố, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và đối phó có hiệu quả, hạn chế tối đa hậu quả, tác hại khi xảy ra sự cố, các tình huống khẩn nguy, hành vi can thiệp bất hợp pháp tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất.
Trong thời gian qua, Ban Giám đốc Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đã chỉ đạo các bộ phận trực thuộc triển khai các quy định của pháp luật về công tác phòng, chống khủng bố đến cán bộ, nhân viên; tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan, chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống khủng bố.
Trong năm 2025, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao năng lực, tăng cường công tác đào tạo, huấn luyện nâng cao khả năng nhận biết chất nổ, vật liệu nổ cho lực lượng kiểm soát an ninh hàng không. Đặc biệt là việc cập nhật các mẫu chất nổ, thiết bị nổ và phương thức thủ đoạn mới của các loại tội phạm.
Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các cơ quan, chính quyền địa phương thuộc phạm vi vùng tiếp cận hạ cánh và khu vực đầu đường cất hạ cánh kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp thả vật thể bay vào không trung tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an ninh hàng không.
Đồng thời, có biện pháp tuyên truyền, vận động người dân chấm dứt các hành vi điều khiển tàu bay mô hình, flycam, drone vào khu vực cấm, gây ảnh hưởng đến an toàn tàu bay trong quá trình cất hạ cánh và công tác bảo đảm an ninh hàng không.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, với mỗi tình huống phát sinh, hệ thống an ninh tại sân bay đều được kích hoạt, xử lý theo quy trình. Đến nay, Cục Hàng không Việt Nam xác định, các thông tin đe dọa đều là tin nặc danh, hoang báo, chưa để xảy ra hành vi can thiệp bất hợp pháp và khủng bố nhằm vào ngành hàng không dân dụng.