Những sản phẩm linh kiện đầu tiên do Nga sản xuất đã ra lò. Hãng hàng không Aeroflot cho biết chúng rẻ hơn 40% nhưng chất lượng tương đương.
Do lệnh cấm nhập khẩu phụ tùng máy bay phương Tây, Nga sẽ bắt đầu tự sản xuất phụ tùng cho máy bay Boeing và Airbus, hãng thông tấn Izvestia cho biết.
Vì Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine, phương Tây quyết định cấm các hãng hàng không Nga hoặc máy bay do Nga sở hữu được phép sử dụng không phận Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Phương Tây cũng cấm nước này xuất khẩu công nghệ liên quan đến hàng không.
Chùm lệnh cấm khiến hàng không dân dụng Nga lao đao. An toàn bay của nước này giảm sút khi các công ty “đỏ mắt" tìm phụ tùng thay thế.
Tháng 10/2023, có đến 3 máy bay hãng Aeroflot bị hỏng trong vòng một ngày. Hai tháng sau, thêm hai máy bay Nga gặp trục trặc kỹ thuật trong cùng ngày khiến chúng phải hạ cánh khẩn cấp.
Trước đó vào tháng 5/2023, tờ Kommersant cho biết Nga có đến 2.000 chuyến bay bằng tàu bay sử dụng phụ tùng đã hết hạn.
Nga quyết định tự sản xuất phụ tùng thay thế. Việc tự sản xuất là kết quả hợp tác giữa hãng hàng không Aeroflot với Rosatom - cơ quan nguyên tử nhà nước Nga.
Hợp tác đôi bên được công bố chính thức vào tháng 9/2023, trong Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ 8. Vào thời điểm đó, đôi bên ký một biên bản ghi nhớ nhằm phản ứng nhanh chóng với lệnh trừng phạt của phương Tây, gây ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp phụ tùng thay thế và bảo dưỡng máy bay do phương Tây sản xuất.
Từ tháng 8, một tổ hợp công nghiệp sẽ mở cửa và tập trung sản xuất nguồn điện, hệ thống điều hòa không khí, hệ thống chống sét, hệ thống cung cấp oxy, hệ thống chiếu sáng, hệ thống cứu hộ và thiết bị chữa cháy. Phần lớn phụ tùng phục vụ cho nhu cầu của Aeroflot.
Cũng trong tháng tới, Rosatom nộp đơn xin giấy phép sản xuất các sản phẩm kim loại, nhựa và composite cho hàng không.
Trước đó từ cuối tháng 6, Rosatom đã giao tới Aeroflot một lô khóa cho khoang hành lý và khoang hàng hóa của máy bay Airbus A320, A321.
Hãng hàng không lớn nhất nước Nga cho biết các ổ khóa sẽ được lắp đặt trong những tuần tới theo quá trình bảo trì định kỳ. Chúng rẻ hơn 40% so với phụ tùng chính hãng nhưng không hề thua kém về chất lượng và an toàn.
Rosatom cũng báo cáo rằng một trong những công ty con của mình - nhà máy cơ khí Chepetskiy - đã bắt đầu sản xuất thành phần hợp kim titan cho ngành hàng không.
Không chỉ Rosatom và Aeroflot hợp tác làm phụ tùng. Hồi tháng 6, chính quyền Moscow ký kết thỏa thuận hợp tác với công ty Protector.
Theo thỏa thuận, Protector sẽ xây dựng một nhà máy hàng không tại Moscow, nhằm sản xuất phụ tùng cho Boeing, Airbus và các máy bay nước ngoài khác.
Công ty sẽ cung cấp dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng để đảm bảo khả năng bay của máy bay chở khách tại Nga. Giá trị đầu tư của Protector vào nhà máy ước tính 3,5 tỷ rúp (khoảng 36,6 triệu euro). Nhà máy mới dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2026.
Ngày nay, các hãng hàng không Nga vận hành số lượng lớn máy bay Boeing và Airbus. Con số chính xác về số lượng máy bay có thể khai thác không được tiết lộ, nhưng ước tính có 260 máy bay Airbus và 200 máy bay Boeing đang hoạt động ở Nga.
Chính phủ Nga nhiều lần tuyên bố rằng số lượng máy bay nước ngoài trong ngành hàng không Nga phải giảm mạnh từ năm 2023.
Tuy nhiên, kế hoạch đó phải đối mặt với những trở ngại khó vượt qua như sản lượng máy bay trong nước thấp, các vấn đề về chất lượng và bảo dưỡng, sự miễn cưỡng của các công ty hàng không trong việc mua máy bay do Nga sản xuất.
Đầu năm nay, việc giao máy bay chở khách MC-21 bị hoãn lại một lần nữa, lần này đến năm 2025. Superjet 100 cũng chậm hơn nhiều so với lịch trình ban đầu và dự kiến chỉ sẵn sàng từ năm 2026.
Do đó, các hãng vận tải hành khách Nga vẫn phụ thuộc vào máy bay do nước ngoài sản xuất và coi trọng việc giữ chúng tiếp tục bay được. Việc tự sản xuất phụ tùng, linh kiện và cung cấp dịch vụ bảo dưỡng trong nước chỉ là đáp án cho nhu cầu đó.
Tuy nhiên, luồng ý kiến trái chiều cho rằng việc chứng nhận linh kiện sản xuất nội địa Nga - nếu làm một cách nghiêm túc - có thể mất nhiều năm.
Ngoài ra, một số linh kiện như thiết bị điện tử hiện đại chưa từng sản xuất tại Nga trước đây. Vì vậy, nước này ít có khả năng thay thế chúng bằng sản phẩm tự làm.
Rào cản gia nhập ngành hàng không luôn cực lớn. Không giống như điện thoại hay xe hơi, vốn có thể cải biến dần dần để tốt lên từng ngày, phụ tùng, linh kiện máy bay phải đạt chất lượng xuất sắc nhất ngay từ đầu.