tạp chí bầu trời

NGÃ BA GIỒNG: VÙNG ĐẤT LINH THIÊNG – NƠI GHI DẤU LỊCH SỬ OAI HÙNG

Khu tưởng niệm Liệt sĩ Ngã Ba Giồng, tọa lạc tại ấp 5, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia ngày 30-12-2002 theo Quyết định số 39/QĐ-BVHTT. Với tổng diện tích là 73.708 m2, về không gian kiến trúc gồm 1 cổng chính, 04 cổng phụ, giáp với 3 mặt tiền đường Nguyễn Văn Bứa, Dương Công Khi, Phan Văn Hớn. Cổng chính Khu Tưởng niệm nằm giáp với hai mặt tiền đường Nguyễn Văn Bứa và Phan Văn Hớn.

Trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc trên khắp đất nước Việt Nam, từ vùng quê cho đến chốn thị thành, rất nhiều vùng đất từng thấm máu của các chiến sĩ, đồng bào, đồng chí mà cho đến hôm nay sau biết bao nhiêu biến cố của lịch sử, vùng đất đó vẫn rất thiêng liêng trong trái tim của người Việt Nam. Lịch sử ghi nhận Khởi nghĩa Nam kỳ diễn ra vào đêm 22 – rạng sáng ngày 23/11/1940 tại 18/21 tỉnh thành (Hóc Môn là nơi phát nguồn đầu tiên, nơi diễn ra cuộc họp Xứ ủy Nam Kỳ vào tháng 9/1940) là cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn từ khi có Đảng lãnh đạo và trước tổng khởi nghĩa toàn quốc mùa thu năm 1945.

Cổng chính Khu tưởng niệm Liệt sĩ Ngã Ba Giồng

Ngã Ba Giồng nơi ghi dấu tội ác tày trời của thực dân Pháp, ngoài việc được sử sách ghi chép thì người dân nơi đây vẫn lưu truyền dân gian sự dã man của Thực dân đế quốc. Được biết sau cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, thực dân Pháp đã ra sức bắt bớ, giam giữ đồng bào ta và tất thảy những ai có tư tưởng yêu nước. 

Tại Hóc Môn, chúng đã lập ra 3 trường bắn để tử hình nhiều chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước tham gia Khởi nghĩa Nam Kỳ, trong đó có nhiều đồng chí là Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, Xứ ủy Nam Kỳ, Tỉnh ủy Gia Định, Quận ủy Hóc Môn như: đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đăng Lưu, Phạm Văn Sáng, Đỗ Văn Dậy, Đặng Công Bỉnh, Nguyễn Thị Thử,…và đồng bào yêu nước tham gia khởi nghĩa Nam Kỳ. 

Khu vực Đền tưởng niệm liệt sĩ

Ngã Ba Giồng là trường bắn thứ ba mà thực dân Pháp đã lập ra, đây là trường bắn xử kín, xử lén. Trường bắn này nằm trên một gò đất cao, giáp với ba mặt tiền đường, có nhiều cây Bằng lăng cổ thụ mọc cho nên dân địa phương còn gọi là Ngã Ba Giồng Bằng Lăng. Tại đây chúng sát hại đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Đông Dương và đồng chí Phan Đăng Lưu – Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng Cộng Sản Đông Dương và rất nhiều đồng bào, chiến sỹ tham gia khởi nghĩa.

Lãnh đạo, Nguyên lãnh đạo Đảng Nhà nước và địa phương chụp ảnh lưu niệm trước Tượng đài Bất khuất

Với tấm lòng tri ân, tưởng niệm các đồng chí lãnh đạo Đảng CSĐD và đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh trong Khởi nghĩa Nam Kỳ, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước của dân tộc ta cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay. Thường trực Thành ủy - Ủy ban nhân dân thành phố và huyện ủy Hóc Môn đã quan tâm chỉ đạo sát sao để thực hiện thành công Dự án xây dựng Khu Tưởng niệm Liệt sĩ Ngã Ba Giồng - một dự án trọng điểm của thành phố. Đây là dự án mang ý nghĩa lớn về mặt văn hóa, lịch sử với các giá trị vật thể và phi vật thể, không chỉ ở cấp thành phố mà còn ở tầm vùng Nam Bộ. Với các công trình trang trọng như: Đền tưởng niệm, Nhà trưng bày, Quảng trường với 03 tượng đài (Tượng đài Trường bắn: phục dựng trường bắn thứ 3 một trong 3 trường bắn mà thực dân Pháp đã lập ra vào năm 1941 để tử hình các đồng chí, đồng bào, chiến sĩ tham gia khởi nghĩa: 3 trường bắn tại Hóc Môn- Gia Định và 8 trường bắn ở các tỉnh. Phía trên bia đá với dòng chữ “Sống vĩ đại, chết vinh quang”, vườn trầu cau, bằng lăng, ao sen, cây xanh, thảm cỏ, và con đường tre, trúc bao quanh. Tượng đài Chiến sĩ vô danh: Đây là tượng đài được các nhà thiết kế theo phong cách trừu tượng và hiện đại, hình tượng hóa những chiến sĩ không có đầu và không có lồng ngực. Biểu tượng cho sự hy sinh cả khối óc và con tim của các chiến sĩ trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ nhưng đến nay chưa xác định chính xác danh tính. Tượng đài Bất khuất: Biểu tượng cụ thể cho truyền thống bất khuất của dân tộc Việt Nam. Khi có giặc ngọai xâm, mọi tầng lớp nhân dân không phân biệt già, trẻ, nam, nữ, công nhân, nông dân, trí thức đều tham gia chống giặc ngọai xâm. Đó là thế trận chiến tranh nhân dân; sự đòan kết sĩ, công, nông, thương, binh trong kháng chiến).

Giáo viên, học sinh tham quan chụp hình lưu niệm trước Tượng đài Trường bắn

Hai bên khu vực Đền tưởng niệm, là vườn trầu hàng cau xanh mướt, vẻ đẹp quê hương 18 thôn Vườn trầu ngày xưa. Quê hương Hóc Môn – Bà Điểm đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam bằng tên gọi thân thương: “Mười tám thôn vườn trầu”. Lịch sử “Mười tám thôn vườn trầu” gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đã từng nuôi dấu các đồng chí lãnh đạo Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng  sản Đông Dương, nơi họp Hội nghị Trung ương. Bên cạnh đó là   những lũy tre vàng óng, hàng trúc xanh rì bao quanh ôm trọn Đền thiêng. Mỗi cây tre tượng trưng cho con người Việt Nam, giúp ta gợi nhớ về hình ảnh của làng quê Việt mộc mạc, con người Việt thanh cao, giản dị mà chí khí như bài thơ Cây Tre của Nhà văn Thép Mới đã viết “Rễ sinh không ngại đất nghèo, Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù”…


Hàng cau và vườn trầu xanh mướt được chăm sóc cẩn thận tại khu tưởng niệm

Khu tưởng niệm Liệt  sĩ  Ngã Ba Giồng ngày nay đã trở thành điểm tham quan, nơi tổ chức lễ hội truyền thống trong những ngày lễ lớn hàng năm của huyện Hóc Môn và thành phố đặc biệt là lễ kỷ niệm ngày Nam kỳ Khởi nghĩa (23/11). Nơi đây thường xuyên tổ chức các hoạt động: lễ dâng hoa, dâng hương, thuyết minh, kết nạp Đảng, Đoàn, Đội, Hội; sinh hoạt dã ngoại, về nguồn, cắm trại,… góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước của dân tộc ta cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay luôn tâm niệm: đời đời biết ơn, mãi mãi noi gương các anh hùng, liệt sĩ, quyết đem hết tinh thần và nghị lực để giữ vững nền độc lập đã giành được, phấn đấu làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh./.

Võ Vinh – Kim Hân

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận