Vietnamairlines

Nâng cao vai trò của thành phần kinh tế nhà nước và thực tiễn ở Vietnam Airlines

Vũ Thận 11/11/2024 15:55

Tại hội thảo về vai trò kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Vietnam Airlines được đưa ra như một ví dụ điển hình.

Ngày 10/11/ 2024, tại trụ sở Tạp chí Cộng Sản, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức cuộc hội thảo khoa học về đề tài “Nâng cao vai trò của thành phần kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam - Thực tiễn Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines”.

Hội thảo đã nhận được hơn 30 báo cáo tham luận của gần 40 chuyên gia, cán bộ quản lý, trong đó có 25 báo cáo của 35 cá nhân và một nhóm nghiên cứu được đưa vào Kỷ yếu hội thảo. 6 báo cáo đã được trình bày tại Hội thảo để làm cơ sở cho việc thảo thảo luận sâu nhằm đưa ra những kết luận chính của hội thảo.

z6021684231038_8753743ee5dd3d9dc0f9f4b36a319f0e.jpg

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổng hợp những nội dung chính của các tham luận đã gửi về Ban tổ chức hội thảo, đề nghị các đại biểu tham dự phân tích sâu thêm cơ sở lý luận cho sự phát triển của kinh tế nhà nước ở Việt Nam, những thành tựu mà khu vực kinh tế này đã đạt được, những khó khăn mà chúng sẽ đối mặt cũng như những giải pháp, chính sách cần triển khai với kinh tế nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam trong giai đoạn tới.

PSG. TS. Vũ Văn Phúc, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng trung ương, nhấn mạnh: Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước là tư tưởng xuyên suốt các chính sách phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, dù nền kinh tế Việt Nam đã chuyển sang hoạt động theo cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước.

Trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp nhà nước càng phải đóng vai trò quan trọng và phải tiến hành những đổi mới quan trọng, đặc biệt là những nỗ lực nhằm nâng cao hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ trong nước mà cả trên thị trường quốc tế, khẳng định vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và ứng dụng tiến bộ khoa học- công nghệ.

Trong một báo cáo chính được trình bày tại hội thảo, PGS. TS. Trần Kim Chung nhấn mạnh 10 vấn đề có tính cốt lõi liên quan tới phát triển các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam trong thời gian tới, bao gồm cả những yếu tố môi trường và tác động của chúng tới các doanh nghiệp Nhà nước, các vấn đề và giải pháp của Nhà nước, các vấn đề và giải pháp của chính bản thân các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhà nước.

Đổi mới quản trị doanh nghiệp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, trở thành một giải pháp trọng tâm, cốt tử để nâng cao vai trò của các doanh nghiệp nhà nước và sức mạnh của những doanh nghiệp này, đảm bảo cho chúng phát triển bền vững trong một môi trường kinh tế- xã hội đầy biến động như hiện nay và giai đoạn tới.

Theo PGS. TS. Bùi Văn Thạo, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương, xuất phát từ thực tế là kinh tế nhà nước bao gồm doanh nghiệp nhà nước và nguồn lực của Nhà nước để đánh giá thực trạng và định hướng cũng như các giải pháp phát triển kinh tế nhà nước. Những lúng túng về cơ chế không chỉ được ghi nhận trong ngành hàng không, không chỉ với Vietnam Airlines, mà trong hầu hết các lĩnh vực khác.

Hai vấn đề cơ bản mà hiện các cơ quan quản lý nhà nước phải giải quyết thỏa đáng để các doanh nghiệp nhà nước có thể phát triển là thể chế và vốn. Nhà nước có chủ trương, quan điểm rất chính xác là doanh nghiệp nhà nước không cần dàn trải trên mọi lĩnh vực, mà chỉ tập trung vào những lĩnh vực then chốt. Tuy nhiên, một khí đã lựa chọn, Nhà nước cần “quan tâm” và “tập trung” một cách tỏa đáng, “đến nơi đến chốn”.

Với ngành hàng không nói chung, Vietnam Airlines nói riêng, các diễn giả nhấn mạnh vai trò, cơ hội và trách nhiệm của Hãng trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia, trong việc phát triển bền vững ngành hàng không của đất nước.

Những khuyến nghị của các diễn giả và chuyên gia đề cập tới cơ sở, căn cứ để xác định và xác định lại chiến lược, giải pháp phát triển của ngành và Tổng Công ty. Những đề xuất cụ thể cũng được thảo luận, từ đổi mới công tác quản trị công ty, quản lý tác nghiệp, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, … cho tới việc phát triển chuỗi giá trị/ chuỗi cung ứng của hàng không Việt Nam nói chung, VietnamAirlines nói riêng.

Đại diện Vietnam Airlines, ông Đặng Ngọc Hòa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty, báo cáo rõ tiềm năng phát triển của ngành hàng không Việt Nam, những nỗ lực của Hãng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và tầm nhìn của mình cũng như những mục tiêu và giải pháp phát triển của Tổng Công ty.

Báo cáo của đại diện Vietnam Airlines cũng nêu rõ những thách thức và khó khăn to lớn của Hãng, đồng thời khẳng định rõ quan điểm của hãng: Trước hết, cần nỗ lực phấn đấu bằng nội lực của chính mình để vượt qua khó khăn, thách thức, không ỷ lại vào sự hỗ trợ từ bên ngoài, đặc biệt là của Nhà nước, dù những hỗ trợ này là rất quan trọng.

Tuy nhiên, hãng đang có những vướng mắc về mặt cơ chế khiến các giải pháp thường được triển khai chậm, trong khi đó mô hình cạnh tranh hiện nay đã chuyển một cách cơ bản từ “cá lớn nuốt cá bé” sang “cá nhanh nuốt cá chậm”.

vna3.jpg

Ông Đỗ Hồng Cẩm, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, đã tổng hợp những kết quả hoạt động của các hãng hàng không Việt Nam, nêu bật những nỗ lực cũng như những khó khăn, thách thức của ngành, trong đó có Vietnam Airlines. Những hỗ trợ của Nhà nước cho các doanh nghiệp hàng không và tác động của chúng đối với hoạt động và kết quả hoạt động của các doanh nghiệp hàng không, đặc biệt là các hãng hàng không, cũng được phân tích trên cơ sở những số liệu thực tế. Đại diện Cục Hàng không đặc biệt nhấn mạnh vai trò của VietnamAirlines trong việc thực hiện ngoại giao hàng không, một lĩnh vực góp phần tích cực vào việc cải thiện vị thế và uy tín của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

Tiếp cận vấn đề từ nhu cầu tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước nói chung, ông Trần Vân cho rằng việc tái cấu trúc của Vietnam Airlines là một tất yếu và có vị trí, vai trò quan trọng đối với sự phát triển của hãng trong thời gian tới, cần được thực hiện thường xuyên, đặc biệt là khi môi trường kinh doanh. Điều này gắn với và dựa vào việc tái cấu trúc hệ thống kinh doanh của hãng. Để làm việc này, việc đầu tư vốn của Nhà nước là cần thiết và không nên coi đó là sự hỗ trợ của Nhà nước cho Vietnam Airlines.

PGS. TS. Bùi Anh Tuấn, nguyên Phó viện trưởng Viện Kinh tế, cho rằng cần nhận thức rõ bản chất khoa học và cơ sở lý luận của mối quan hệ giữa 2 hiện tượng: Sử dụng doanh nghiệp nhà nước làm công cụ để Nhà nước can thiệp vào nền kinh tế với hoạt động của doanh nghiệp nhà nước với tư cách là một tổ chức kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận. Cơ sở lý luận, bản chất khoa học của việc Nhà nước hỗ trợ cho các doanh nghiệp nòng cốt của Nhà nước trong việc chiếm lĩnh vị trí hàng đầu về khoa học- công nghệ trên những lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược cũng cần được làm rõ hơn.

Ngoài ra, vấn đề cơ chế được rất nhiều diễn giả nêu trên rất nhiều diễn đàn, thậm chí được coi là “điểm nghẽn trong các điểm nghẽn” nhưng chưa được giải quyết, mắc dù đây là một giải pháp tùy thuộc nhiều vào yếu tố chủ quan mà các cơ quan, cán bộ lãnh đạo đều muốn được giải quyết. Giải pháp cần triển khai là chọn một lĩnh vực, một vài đối tượng để thí điểm nhằm rút kinh nghiệm để hình thành và đổi mới cơ chế như kỳ vọng.

Trong phiên thảo luận, Hội thảo tập trung bàn về việc xây dựng thương hiệu quốc gia và ứng dụng trong trường hợp Vietnam Airlines với tư cách là một thương hiệu quốc gia của Việt Nam.

Kết thúc hội thảo, ông Lê Hải Bình, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản tóm lược những điểm cơ bản đã thống nhất (tầm quan trọng, vai trò không thể thiếu của các doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của nhà nước; những thành tựu và khó khăn, hạn chế trong hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua, trong đó có VietnamAirlines) và những điểm đã được đề cập để tiếp tục nghiên cứu thêm (cơ chế quản lý, xây dựng và củng cố thương hiệu).

Ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo cho thấy chủ đề doanh nghiệp nhà nước thu hút được sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng nghiên cứu và thực tiễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nâng cao vai trò của thành phần kinh tế nhà nước và thực tiễn ở Vietnam Airlines
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO