An toàn

Mưa lớn ảnh hưởng hoạt động bay tại Tân Sơn Nhất và nhiều sân bay phía Nam

Nam Bình 01/04/2025 16:07

Thông tin từ Trung tâm Khí tượng hàng không Tân Sơn Nhất, từ chiều nay và trong ngày mai, thời tiết khu vực phía Nam dự báo có mưa rào, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác tại các sân bay khu vực phía Nam như Tân Sơn Nhất, Côn Đảo, Phú Quốc…

Chia sẻ với OpenSky, bà Trần Thị Khánh Hương, Trưởng Trung tâm Khí tượng hàng không Tân Sơn Nhất thông tin, do ảnh hưởng không khí lạnh tràn về ở phía Bắc và Rãnh thấp xích đạo dâng lên ở phía Nam nên gây ra đợt mưa trái mùa ở miền Nam.

Ghi nhận các ngày 31/3 và sáng 01/04 đã có mưa dông kèm theo gió giật ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất cũng như một số sân bay miền Nam như Cần Thơ, Rạch Giá và Phú Quốc. Các sân bay Côn Đảo và Buôn Mê Thuột có gió giật 23-24 knots (~12m/s).

radar.jpg
Ảnh Radar Khí tượng Tân Sơn Nhất lúc 15:20 GVN 01/04/2025. Trong ảnh, những vùng màu đỏ thể hiện vùng có mây nguy hiểm, mây CB. Những vùng này máy bay sẽ không được phép bay vào để đảm bảo an toàn. Ảnh: Trung tâm Khí tượng hàng không Tân Sơn Nhất.

Các điều kiện thời tiết bất lợi này có khả năng ảnh hưởng tới hoạt động bay tại các cảng hàng không. Do đó, có thể xảy ra tình trạng một số chuyến bay bị bay chờ gây nên tình trạng chậm, trễ kế hoạch khai thác của các chuyến tiếp theo.

Cũng theo bà Hương, dự báo diễn biến thời tiết bất lợi sẽ còn tiếp tục trong chiều nay và ngày mai (2/4). Từ ngày 3/4 trở đi, thời tiết tại phía Nam dự báo thuận lợi trở lại cho hoạt động bay, trời đẹp, giảm mây, sức gió giảm.

Theo quy định, khi thời tiết bất lợi, có mưa dông làm tầm nhìn giảm dưới tiêu chuẩn khai thác, hoặc có gió đứt, gió giật 25 Knots trở lên, kiểm soát viên không lưu sẽ phải thông báo cho tàu bay để bay chờ hạ cánh, hoặc chuyển hướng sang sân bay dự bị nếu điều kiện thời tiết bất lợi kéo dài.

Do vậy cơ quan khí tượng cần phối hợp với Cơ quan không lưu để thông báo kịp thời thời tiết bất lợi, cần dự báo sớm điều kiện thời tiết này cho Cơ quan quản lý luồng không lưu phối hợp ra quyết định điều phối luồng không lưu, thực hiện biện pháp CTOT (Calculated Take-Off Time – thời gian cất cánh tính toán) cho các tàu bay khởi hành tới sân bay có điều kiện thời tiết bất lợi.

VATM 2
Cán bộ Trung tâm Khí tượng hàng không Tân Sơn Nhất trong ca trực ngày 1/4. Ảnh: NVCC.

Cũng theo bà Trần Thị Khánh Hương, hiện tại, đối với các sân bay quốc tế như Nội Bài và Đà Nẵng, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) quy định, công tác dự báo khí tượng hàng không thực hiện các bản tin dự báo dài, có hiệu lực trong vòng 24 giờ.

Đối với các sân bay quốc nội, các bản tin dự báo khí tượng hàng không có hiệu lực ngắn hơn, khoảng 9 tiếng. Riêng đối với sân bay quốc tế có nhiều đường bay dài như Tân Sơn Nhất, bản tin dự báo khí tượng hàng không phải có hiệu lực đến 30 giờ.

Việc này nhằm đảm bảo cho các hãng hàng không lập kế hoạch bay, cho Cơ quan quản lý luồng không lưu lên kế hoạch tiền chiến thuật cho công tác điều phối luồng không lưu, đảm bảo an toàn, điều hòa, hiệu quả cho từng chuyến bay đến và đi, phù hợp với từng cảng hàng không trong vùng.

Ông Trần Xuân Sơn, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Hàng không – Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), cũng thông tin, từ tháng 4 đến tháng 5 hằng năm, các tỉnh phía Nam chuẩn bị vào mùa mưa.

Trong thời kỳ chuyển mùa và trong mùa mưa, các đám mây thường hình thành sau buổi trưa khi bầu khí quyển bị đốt nóng mạnh nhất và phát triển nhanh gây mưa lớn kèm theo gió giật, thường gọi là dông nhiệt.

Theo đó, trong mùa hè, sau buổi trưa, nhiệt độ cao đốt nóng bề mặt, kết hợp độ ẩm lớn, không khí bất ổn định, tạo điều kiện đẩy luồng không khí này bốc lên cao, tạo ra các đám mây dông.

Trong lĩnh vực hàng không, hiện tượng dông nhiệt có thể ảnh hưởng tới kế hoạch khai thác tại các cảng và cả các hãng hàng không.

dong.jpg
Mưa dông kèm theo gió giật gây ảnh hưởng tới hoạt động bay ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và một số sân bay khác trong khu vực như sân bay Cần Thơ, sân bay Phú Quốc... Ảnh tư liệu.

Tùy thuộc cường độ của từng cơn mưa, tầm nhìn của tổ lái sẽ bị hạn chế. Khi đó, tổ lái sẽ không thể cất cánh, chuyến bay sẽ phải đổi sang giờ khởi hành mới.

Đối với các chuyến bay đến, tổ lái có thể sẽ không thể hạ cánh chính xác vào đường băng đã quy định. Trong trường hợp này, tổ lái sẽ phải bay chờ trên không trung, đợi đến khi điều kiện khai thác tại sân bay đảm bảo sẽ hạ cánh hoặc lựa chọn sân bay dự bị phù hợp với từng loại tàu bay để hạ cánh.

Ngoài ra, gió cũng sẽ ảnh hưởng tới việc điều khiển tàu bay. Trong khi, ngành hàng không luôn ưu tiên an toàn của từng chuyến bay. Do đó, các điều kiện thời tiết bất lợi trong lúc chuyển mùa và trong mùa mưa thường sẽ khiến nhiều chuyến bay bị ảnh hưởng trễ giờ, chậm chuyến…

“Ngành hàng không ưu tiên an toàn là hàng đầu và không đánh đổi an toàn bằng bất cứ giá nào. Do đó, trong trường hợp chậm chuyến do điều kiện thời tiết bất lợi, luôn mong hành khách hiểu và thông cảm”, ông Sơn chia sẻ.

TS Nguyễn Ngọc Huy - một nhà nghiên cứu về biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, cũng cho biết, trong chiều nay và ngày mai (2/4), khu vực phía Nam dự báo sẽ có mưa dông cục bộ trải dài từ Phú Yên trở vào các tỉnh khu vực ĐBSCL. Dù là mưa cục bộ nhưng lượng mưa tương đối lớn, rải rác hầu hết các tỉnh Nam trung bộ.

Các khu vực như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương cũng sẽ có các cụm mưa rào lớn, cục bộ. Các cụm mưa này có thể gây ngập lụt cục bộ, ảnh hưởng tới hoạt động di chuyển của người dân. Khung giờ mưa sẽ rơi vào khoảng thời gian tan tầm, càng gây khó khăn cho giao thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mưa lớn ảnh hưởng hoạt động bay tại Tân Sơn Nhất và nhiều sân bay phía Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO