TP-150 là sản phẩm hợp tác giữa Việt Nam và Italy, phục vụ công tác huấn luyện bay sơ cấp và nhiệm vụ tuần tra, được trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024.
Tại triển lãm quốc phòng Việt Nam 2024, chiếc máy bay huấn luyện TP-150 lần đầu được ra mắt. Đây là dòng sản phẩm hợp tác giữa Việt Nam và Italy, được sản xuất bởi công ty Flying Legend Vietnam. TP-150 sẽ phục vụ huấn luyện phi công quân sự và tuần tra, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cao trong lĩnh vực hàng không.
Được chế tạo hoàn toàn bằng hợp kim nhôm và trang bị hệ thống càng thu thả được, máy bay có khả năng cất hạ cánh trên nhiều bề mặt đường băng khác nhau. Hệ số quá tải +6/-3G cho phép TP-150 thực hiện các động tác nhào lộn trên không và bay theo đội hình.
TP-150 sản xuất dựa trên công nghệ và thiết kế của Italy, việc Flying Legend công bố bắt đầu sản xuất máy bay tại Việt Nam và ra mắt mẫu máy bay này được xem là dấu mốc quan trọng, tạo tiền đề cho sự phát triển trong lĩnh vực công nghiệp hàng không của Việt Nam, đồng thời thể hiện mối quan hệ hợp tác sâu rộng giữa doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Theo đại diện Flying Legend Vietnam, tên gọi TP-150 mang ý nghĩa "Trainer & Patrol" (huấn luyện và tuần tra), được trang bị động cơ 150 mã lực. Máy bay có khả năng bay với tốc độ gần 300 km/h trong thời gian liên tục 6,5 giờ khi sử dụng thùng dầu phụ, đồng thời thực hiện được các bài bay nhào lộn phức tạp. Bên cạnh đó, khi gắn thêm thiết bị như camera quang hồng ngoại (EO/IR) hay radar khẩu độ tổng hợp (SAR), TP-150 có thể đảm nhiệm các nhiệm vụ tuần tra biên giới và giám sát bờ biển.
Chia sẻ với Opensky, ông Trần Hải Đăng - Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Flying Legend Vietnam cho biết từ nhỏ, ông đã gắn bó với nhiều thế hệ đi trước, chủ yếu là phi công và kỹ sư máy bay, trong đó có cha ông - một phi công trực thăng của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam.
Sau gần 30 làm việc trong ngành, ông đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong bảo dưỡng, sửa chữa, thiết kế và đào tạo phi công. Do đó, ở tuổi 50, ông và các đồng nghiệp đã quyết định sản xuất máy bay huấn luyện và tuần tra TP-150.
"Thật vinh dự và tự hào khi chiếc TP-150 này được giới thiệu trong một triển lãm quốc phòng quốc tế mà Việt Nam đăng cai tổ chức. Chiếc máy bay nhỏ bé của chúng tôi đứng cạnh những cỗ máy khổng lồ như C130J hay chiến đấu cơ A-10 do Mỹ sản xuất, một cảm giác vừa tự hào vừa nặng trĩu, thấy rằng mình còn phải cố gắng nhiều lắm", ông Đăng chia sẻ.
Ông Đăng cũng cho biết nếu chiếc máy bay này được sử dụng trong huấn luyện phi công ở Việt Nam sẽ góp phần hiện đại hóa đội bay và tăng cường năng lực huấn luyện đào tạo người lái máy bay trong nước. Ngoài ra, sản phẩm này phần nào hiện thực hóa Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp mới được Quốc hội phê chuẩn gần đây.
Khi triển khai xây dựng nhà máy sản xuất ở Việt Nam năm 2023, nhóm sáng lập công ty này nhận thấy đây không chỉ là một chiếc máy bay phù hợp với huấn luyện bay cơ bản trong quân sự, mà còn đánh dấu một bước tiến trong việc sản xuất máy bay nói riêng ở Việt Nam và nền công nghiệp quốc phòng nói chung, góp phần hiện thực hóa khát vọng vươn mình của người Việt trong việc làm chủ bầu trời. Sau triển lãm quốc phòng lần này, Công ty Flying Legend Việt Nam mong muốn được cấp phép bay kiểm tra các máy bay trước khi xuất xưởng.
Ông Francesco Rummolino - CEO Flying Legend Italy, đồng sáng lập Flying Legend Việt Nam - cho rằng thời điểm hiện tại, TP-150 có thể ứng dụng phục vụ cho công tác huấn luyện sơ cấp của phi công quân sự. Đây là sự lựa chọn mang tính chất đầu tư thấp, chi phí thấp.
"Trong tương lai, chúng tôi cũng sẽ phối hợp với các đối tác tại Việt Nam để phát triển dòng máy bay phục vụ cho ngành hàng không chung nhưng hiện tại, máy bay này chỉ phục vụ cho huấn luyện quân sự", ông Francesco Rummolino khẳng định.
Theo ông Đăng, hiện Việt Nam chưa có quy hoạch sân bay chuyên dụng để chế tạo và thử nghiệm máy bay, cũng như các cơ sở thử nghiệm chuyên ngành hàng không. Ngoài ra, quy trình cấp chứng chỉ loại (Type Certificate) và chứng nhận khả phi (Certificate of Airworthiness) cho các dòng máy bay hạng nhẹ tại Việt Nam vẫn còn hạn chế, đòi hỏi sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng.
Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Bộ Quốc phòng, Cục Tác chiến và Quân chủng Phòng không - Không quân trong việc cấp phép thử nghiệm bay. Đây là thông lệ quốc tế và là bước đầu quan trọng giúp chúng tôi đặt niềm tin từ khách hàng quốc tế.
Ông Trần Hải Đăng - Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Flying Legend Vietnam.
Đại diện nhà sản xuất Flying Legend Vietnam thông tin hiện, đơn vị này phải đối mặt với hạn chế trong chuỗi cung ứng ngành hàng không. Phần lớn nguyên liệu và thiết bị kiểm tra vẫn phải nhập khẩu, đặt ra "bài toán" cho chính sách đầu tư và thuế nhập khẩu ưu đãi. Ngoài ra, Việt Nam chưa có đội ngũ kỹ sư, giám sát viên và phi công bay thử đạt tiêu chuẩn quốc tế để phân tích và phê duyệt theo quy định.
Trong bối cảnh đó, Flying Legend Vietnam kỳ vọng các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ nhằm tạo đòn bẩy phát triển. "Chúng tôi mong rằng, các tiêu chuẩn của nước ngoài sẽ được chấp nhận khi Việt Nam chưa xây dựng đầy đủ hành lang pháp lý cho ngành công nghiệp sản xuất máy bay. Nếu tiếp tục duy trì cách làm cũ, thủ tục phức tạp, chúng ta sẽ khó lòng thực hiện ước mơ làm chủ bầu trời", ông Đăng bày tỏ.
Cũng theo đại diện nhà sản xuất tới từ Vĩnh Phúc, sau triển lãm quốc phòng lần này Công ty Flying Legend Việt Nam sẽ nộp hồ sơ tới các quan chức năng như Cục Hàng không Việt nam, Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu để xin chủ trương và hướng dẫn về các thủ tục bay xuất xưởng.
Sự xuất hiện của TP-150 không chỉ mang ý nghĩa thương mại mà còn là biểu tượng cho khát vọng vươn lên của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Cùng với Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp mới được Quốc hội thông qua, TP-150 có thể trở thành hình mẫu cho sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào lĩnh vực chiến lược này.