Tùy vào diện tích mặt bằng, vị trí, loại hình dịch vụ cung cấp, tỷ lệ lợi ích hợp tác sẽ thay đổi, kèm theo đó là mức lợi ích tối thiểu ACV nhận được.
Theo khảo sát trong tháng 9-10, một chai nước Aquafina 500 ml có giá phổ biến 5.000 đồng ở các siêu thị, tạp hóa thì trong sân bay giá 20.000 đồng. Ngoài ra, còn có những sản phẩm tương tự có mức giá cao bất thường như chai nước Evian 500 ml ở một cửa hàng thuộc ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất có giá 77.000 đồng, trong khi mặt hàng này được siêu thị bán ra với giá 30.000-35.000 đồng. Hay những tô phở bò truyền thống có giá lên tới 120.000-200.000 đồng tại các quầy ăn uống ở khu cách ly thuộc sân bay Nội Bài.
Giá các mặt hàng, dịch vụ ở nhà ga cảng hàng không, sân bay từ trước tới nay vẫn là một câu chuyện khiến hành khách than phiền. Trong khi đó, cuối tháng 9, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thuộc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa công bố kết quả lựa chọn đối tác kinh doanh tại một loạt các vị trí mặt bằng tại nhà ga quốc tế và quốc nội.
Kết quả cho thấy ACV sẽ nhận được lợi ích từ việc hợp tác với tỷ lệ phổ biến là 18% trên tổng doanh thu.
Chi phí thuê mặt bằng thực tế cao được cho là nguyên nhân khiến giá cả hàng hóa, dịch vụ tại các cảng hàng không, đặc biệt bên trong khu cách ly ở mức cao hơn nhiều so với bên ngoài thị trường.
Một chai nước Aquafina 500 ml có giá phổ biến 5.000 đồng ở các siêu thị, tạp hóa thì trong sân bay luôn có giá 20.000 đồng. Đây là mức giá trần tại ga quốc nội của loại nước lọc đóng chai dưới 500 ml được quy định trong Thông tư 53.
Thông tư này quy định các mặt hàng thiết yếu ở sân bay như đồ uống, đồ ăn như phở ăn liền, mì ăn liền, cháo ăn liền và bánh mì không bổ sung thêm thực phẩm giá tối đa là 20.000 đồng/tô/cái tại ga quốc nội và tối đa 2 USD tại ga quốc tế. Mức giá chưa bao gồm tối đa 15% chi phí phục vụ.
Tuy vậy, vẫn có những sản phẩm tương tự có mức giá cao bất thường. Tại ga khu quốc tế ga đi sân bay Đà Nẵng, một cốc trà sen lá dứa có giá tới 7 USD (khoảng 174.000 đồng) chưa bao gồm thuế VAT. Ở nhà hàng Big Bowl nằm trong cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, giá một bát phở dao động 7,2-18,7 USD (khoảng 179.000-465.000 đồng) tùy loại thịt và khẩu phần.
Vấn đề giá cả các mặt hàng ăn uống tại sân bay cao hơn bên ngoài không chỉ xuất hiện ở Việt Nam. Tại sân bay Dallas Fort Worth International Airport (Texas, Mỹ), một chai nước ngọt Coca Cola có giá tới 10 USD (khoảng 248.000 đồng). Tương tự, phần ăn với một quả trứng luộc và 5 miếng phô mai có giá 9,99 USD (khoảng 248.000 đồng) tại sân bay quốc tế Kansas City (Missouri, Mỹ).
Nhiều nhà cung cấp dịch vụ sân bay như Taseco Sài Gòn, Công ty Sóng Việt, Công ty TT Food, Công ty Bách Lộc, Công ty Liber đã được lựa chọn. Riêng Taseco Sài Gòn có 10 vị trí mặt bằng được chọn trong đợt này gồm 2 vị trí ở ga quốc nội và 8 vị trí ở ga quốc tế.
Các diện tích Taseco Sài Gòn trúng lựa chọn phần lớn đều có chức năng kinh doanh ăn uống và bách hóa tổng hợp, có tỷ lệ phân chia doanh thu cho ACV từ 15% đến 18,5% và mức tối thiểu phải trả cho ACV là 2,35 triệu đồng/m2/tháng ở khi quốc nội và 117 USD/m2/tháng ở khu quốc tế.
Tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài, theo một quyết định lựa chọn đối tác kinh doanh tương tự hồi tháng 4, nhiều vị trí mặt bằng tại nhà ga T2 có tỷ lệ phân chia doanh thu 11-15% tùy vào diện tích, chức năng và vị trí. Các công ty được chọn làm đối tác điển hình là Công ty Đại Minh Phát, Công ty Hoàng Minh…
Việc thúc đẩy hoạt động kinh doanh mặt bằng tại các sân bay đã đóng góp đáng kể vào doanh thu phi hàng không của ACV trong những năm qua. Riêng 6 tháng đầu năm nay, doanh thu cho thuê mặt bằng của ACV đạt 686 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, cả năm 2023, doanh thu cho thuê mặt bằng của ACV là 1.276 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2022, chiếm một nửa doanh thu phi hàng không của ACV.
Doanh thu mảng này của ACV dự kiến tiếp tục tăng trưởng mạnh trong những năm tới, sau khi nhà ga T3 của cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động.
Ngoài ra, với phương án hợp tác kinh doanh để nhận lợi ích theo tỷ lệ doanh thu, kèm theo mức thu tối thiểu, ACV có thể cải thiện hiệu quả khai thác mặt bằng so với phương án cho thuê với chi phí cổ định.
Phương án hợp tác kinh doanh cũng giúp doanh thu của ACV tăng mà không phụ thuộc vào mức giá cho thuê mặt bằng tại các sân bay được Bộ Giao thông vận tải quy định.
Cụ thể, theo thông tư 53/2019 của Bộ Giao thông vận tải, giá cho thuê mặt bằng kinh doanh thương mại tại nhà ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất là 60-98 USD/m2/tháng trong khu vực cách ly. Khu vực ngoài cách ly có giá 1,45-2,4 triệu đồng/m2/tháng. Tại nhà ga quốc nội, chi phí thuê thấp hơn nhiều, tối đa chỉ 1,08 triệu đồng/m2/tháng.
Tương tự, tại sân bay Nội Bài, chi phí thuê mặt bằng kinh doanh thương mại là 20-105 USD/m2/tháng trong khu cách ly và ngoài khu cách ly là 450.000-2,36 triệu đồng/m2/tháng. Tại ga quốc nội, giá thuê chỉ từ 500.000 đồng/m2/tháng đến 900.000 đồng/m2/tháng.
Thực tế, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp kinh doanh ăn uống/bán hàng tại các sân bay, sản phẩm dịch vụ ăn uống và mua sắm khá đa dạng phong phú với nhiều mức giá khác nhau để khách hàng lựa chọn. Điều này cũng lý giải vì sao các công ty dịch vụ phi hàng không trong lĩnh vực này phục hồi lợi nhuận rất nhanh sau Covid-19.
Một báo cáo của Taseco Airs (Công ty cổ phần dịch vụ hàng không Taseco) năm nay nhận định chi phí mặt bằng có xu hướng tăng cao do chính sách mới của các cảng hàng không, gây ảnh hưởng trực tiếp tới biên lợi nhuận của doanh nghiệp này.
Dù vậy năm ngoái công ty này báo lãi 150 tỷ đồng và trong 6 tháng đầu năm nay đã đạt hơn 93 tỷ đồng lợi nhuận.
Tương tự, Công ty dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) công bố đạt 1.334 tỷ đồng doanh thu và 140 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm nay. Đây là một trong những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không lớn tại Tân Sơn Nhất với hệ thống cửa hàng miễn thuế, nhà hàng và phòng chờ thương gia.