Hàng không vũ trụ

Lý do SpaceX không thể lặp lại kỳ tích với tên lửa Starship

Nguyệt Quỳnh 21/11/2024 11:31

SpaceX đã bỏ lỡ việc bắt tên lửa Starship bằng cánh tay robot "chopstick" tại bãi phóng Starbase (bang Texas, Mỹ) ngày 19/11.

Hệ thống tên lửa Starship phóng lên không gian hôm 19/11 (giờ địa phương). Video: SpaceX/X.

Trước đó, SpaceX phóng thành công tên lửa Starship tại bãi phóng Starbase (bang Texas, Mỹ). Đây là lần thử nghiệm thứ 6 của tên lửa này và cũng là lần đầu tiên sau thử nghiệm bắt tầng đẩy tên lửa bằng cánh tay robot khi nó hạ cánh.

Buổi phóng được kỳ vọng sẽ tái hiện kỷ lục đã thiết lập vào tháng trước. Giới chuyên môn cho rằng Elon Musk đặt trọn niềm tin vào dự án, thể hiện bằng sự tham gia của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tại bãi phóng Starbase.

Tuy nhiên, mọi thứ đã diễn ra không như kế hoạch. SpaceX đã bỏ lỡ việc bắt tên lửa bằng những cánh tay cơ khí khổng lồ. Không chỉ vậy, tầng đẩy tên lửa Super Heavy còn phát nổ sau khi lao thẳng xuống mặt biển và không thể tái sử dụng.

Theo Reuters, kế hoạch hạ cánh bị hủy bỏ 4 phút sau chuyến bay thử nghiệm từ bang Texas vì lý do không xác định. Thay vì điểm hạ cánh ban đầu, tầng đẩy tên lửa Super Heavy được điều hướng để hạ cánh xuống mặt biển ngoài khơi Ấn Độ Dương khoảng 3 phút sau đó.

Tầng đẩy của Starship hạ cánh xuống Vịnh Mexico và phát nổ. Video: NASASpaceflight.

Dan Huot - người phát ngôn của SpaceX - cho biết tình huống khi đó đã không đáp ứng được các tiêu chí kỹ thuật cần thiết để thực hiện một cú hạ cánh ngoạn mục giống như điều đã làm vào ngày 13/10.

Vì vậy, người phụ trách chính của sứ mệnh đã đưa ra quyết định thay đổi địa điểm hạ cánh của tên lửa. Dẫu vậy, SpaceX không giải thích chi tiết về sự cố đã xảy ra.

Trong buổi phát trực tiếp của blogger vũ trụ Everyday Astronaut, những người quan sát chứng kiến tận cảnh tầng đầu tiên của tên lửa Super Heavy kích nổ động cơ đáp đất vài giây trước khi hướng xuống mặt biển. Dẫu vậy, nỗ lực này là không đủ để tránh khỏi việc đắm mình xuống mặt nước.

Ít phút sau khi hạ cánh, tầng đẩy phát nổ, bốc cháy dữ dội trước khi chìm xuống mặt nước.

Theo Greg Autry, Phó hiệu trưởng phụ trách khoa Không gian tại Đại học Trung Florida (Mỹ), SpaceX có lẽ đã điều hướng tên lửa ra ngoài khơi vì không muốn xảy ra sự cố ở bãi phóng với sự góp mặt của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Ông Autry cho rằng tầng tên lửa một khi hạ cánh xuống biển sẽ không thể sử dụng lại được, vì nó không được thiết kế để ngâm trong nước mặn. Điều này đồng nghĩa với một thất bại với SpaceX, vì nó đi ngược với triết lý tái sử dụng của Elon Musk.

Có thể thấy, do tình huống xảy ra không nằm trong kế hoạch, nên SpaceX đã không chuẩn bị một tàu đáp tên lửa giống như các lần thu hồi tên lửa Falcon 9.

starship-ten-lua-1732070326640.jpg
Starship là tên lửa mạnh nhất từng được chế tạo. Ảnh: SpaceX.

Dù tầng đẩy Super Heavy không thể trở về bằng công nghệ "đũa gắp", thử nghiệm đã đạt được nhiều cột mốc đáng chú ý. Tầng trên Starship khai hỏa 6 động cơ của mình để bay lên. Khoảng nửa giờ sau, tầng này đã tái kích hoạt một động cơ trước khi chuẩn bị cho quá trình hồi quyển - lao trở lại xuống khí quyển Trái Đất. Cuối cùng, khoảng một tiếng kể từ thời điểm phóng, nó hạ cánh nhẹ nhàng xuống Ấn Độ Dương.

Theo SpaceX, đây là lần đầu tiên tầng trên Starship kích hoạt thành công một trong những động cơ Raptor của mình khi đang ở trong không gian. Đây là một cột mốc đáng chú ý, theo Garret Reisman, cựu phi hành gia NASA và hiện là cố vấn cho SpaceX. "Các động cơ tên lửa Starship là những quái vật nhỏ khó tính. Không dễ để kích hoạt chúng, tắt đi rồi kích hoạt lại lần nữa", Reisman giải thích.

Tầng đẩy Starship hạ cánh an toàn xuống Ấn Độ Dương và vẫn nguyên vẹn dù đường hạ cánh không thuận lợi. Chuyến bay cũng đã thử nghiệm các sửa đổi với tấm chắn nhiệt, giúp bảo vệ phương tiện khi hồi quyển.

Starship là hệ thống phóng đang dần chứng minh tham vọng đưa con người tới sao Hỏa lần đầu tiên của Elon Musk. Đây là tên lửa cao nhất (120 m) và mạnh nhất từng được chế tạo, có khả năng tạo ra lực đẩy gần 8.000 tấn khi phóng.

Đây là hệ thống phóng bao gồm tầng đẩy Super Heavy và tàu vũ trụ Starship ở bên trên. Tên lửa đẩy nằm ở tầng đầu tiên và tàu vũ trụ chở người và hàng hóa nằm ở tầng thứ hai. Nhiệm vụ của tên lửa là đưa tàu Starship tới một điểm trên quỹ đạo, sau đó tàu Starship sẽ bay tiếp bằng động cơ của nó trong khi tên lửa quay trở lại Trái Đất. Cả hai bộ phận đều có thể tái sử dụng.

NASA đã chọn tàu Starship để đưa phi hành gia đáp xuống Mặt Trăng trong chương trình Artemis. Khi tàu Starship thực hiện hành trình tới Mặt Trăng, nó sẽ phải ở trên quỹ đạo gần Trái Đất trong lúc SpaceX phóng các phương tiện hỗ trợ riêng biệt để tiếp nhiên liệu cho tàu. Nhiệm vụ chở phi hành gia đáp xuống Mặt Trăng sẽ diễn ra sớm nhất vào năm 2026.

Theo SpaceX
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lý do SpaceX không thể lặp lại kỳ tích với tên lửa Starship
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO