Cảng hàng không

Làn gió mới từ nguồn vốn tư nhân đầu tư hạ tầng hàng không

Thu Phương 01/02/2024 09:45

Khơi thông nguồn vốn từ khu vực tư nhân là yêu cầu bức thiết trong đầu tư hạ tầng hàng không, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.

zns_2979.jpg
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Ảnh: Việt Linh.

Sau khi tạo dấu ấn khu đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, tập đoàn Sun Group đang nghiên cứu đầu tư hàng loạt sân bay. Còn nhớ, từ giải phóng mặt bằng đến thiết kế, xây dựng sân bay Vân Đồn là một hành trình "thần tốc". Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đã phải thốt lên rằng "tư nhân làm cái gì... cũng nhanh".

Thành công của Sân bay Vân Đồn khiến câu chuyện về hạ tầng hàng không vốn chậm được nâng cấp, xây mới nhiều năm qua có kỳ vọng sôi động trở lại với sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân.

Yêu cầu bức thiết về hạ tầng

Theo Đề án Định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) khẳng định kết cấu hạ tầng giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. PGS.TS. Trần Đình Thiên, thành viên Hội đồng Tư vấn Kinh tế Chính phủ, từng nhìn nhận đây chính là nhân tố đi đầu, kéo theo sự hồi phục của nền kinh tế thông qua thúc đẩy hoạt động giao thương, đầu tư, du lịch.

Theo các chuyên gia quốc tế, hàng không tăng trưởng 2,5% thì góp phần kích thích tăng trưởng 1% GDP. Hàng không cũng là con đường lớn nhất, rút ngắn khoảng cách nhanh nhất giữa Việt Nam với thế giới.

Ngành hàng không Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc với mức tăng bình quân trong 10 năm gần khoảng 18%, có tốc độ phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.

zns_2446.jpg
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là sân bay đầu tiên được xây mới sau năm 1975 và là sân bay đầu tiên do tư nhân triển khai. Ảnh: Việt Linh.

Điều này tạo áp lực không nhỏ lên các cảng. Cả nước có 22 cảng hàng không đang khai thác, tổng công suất đạt 95 triệu hành khách mỗi năm. Tuy nhiên, sản lượng vận tải hành khách toàn quốc năm 2023 đã đạt tới 116 triệu. Khoảng 10/22 cảng hàng không đã và đang khai thác vượt công suất thiết kế. Hạ tầng hàng không đang cản trở các hãng bay, làm giảm sự cạnh tranh về chất lượng dịch vụ, thậm chí gây phiền hà cho hành khách. Vì thế, việc tiếp tục đầu tư, nâng cấp và xây mới các cảng là nhu cầu vô cùng cấp thiết.

Sự góp mặt của các “ông lớn” tư nhân

Theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, giai đoạn 2021-2030, cả nước sẽ hình thành 30 cảng hàng không bao gồm 14 cảng quốc tế và 16 cảng quốc nội. Dự kiến, tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng hàng không (trừ các công trình do ACV tự cân đối đầu tư) khoảng gần 500.000 tỷ đồng. Nhu cầu vốn đầu tư các công trình thiết yếu của cảng hàng không khoảng hơn 400.000 tỷ đồng. Nhu cầu vốn đầu tư các công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không khoảng 76.500 tỷ đồng.

Do tình hình kinh doanh gặp khó khăn và phải dồn vốn đầu tư sân bay Long Thành, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất và sắp tới là 2 sân bay Đồng Hới, Cà Mau nên sắp tới ACV sẽ chỉ ưu tiên đầu tư, khai thác 6 sân bay. Các cảng hàng không còn lại muốn phát triển nhanh, tăng chất lượng dịch vụ thì không có cách nào khác là phải huy động vốn tư nhân.

Được biết, nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn hiện có kế hoạch đầu tư vào các sân bay tại địa phương mà họ phát triển dự án. Ngoài Vân Đồn, Sun Group đang trong quá trình nghiên cứu đầu tư sân bay Sapa (Lào Cai) và 3-5 sân bay khác.

Mới đây nhất, giữa tháng 12/2023, Tập đoàn T&T Group cùng UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Lễ khởi động dự án Cảng hàng không Quảng Trị, đánh dấu việc chính thức triển khai dự án. Dự án có quy mô trên 265 ha, tổng mức đầu tư 2 giai đoạn là 5.833,9 tỷ đồng. Tập đoàn này cũng đang nghiên cứu đầu tư mở rộng, nâng cấp thêm một sân bay ở Tây Nguyên.

img20171011150406883.png
Nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn có dự định đầu tư xây dựng cảng hàng không. Ảnh: Việt Linh.

Trước đó, Sovico Holdings từng làm việc, ngỏ ý đầu tư sân bay Tuy Hòa (Phú Yên), Cát Bi (Hải Phòng) và gần nhất là sân bay Biên Hòa (Đồng Nai)...

Hay một nhà đầu tư mới là Công ty CP G3 Holding vừa qua đã tham gia nghiên cứu, đầu tư Sân bay Phù Cát (Bình Định). Nhà đầu tư đang gấp rút cùng địa phương hoàn thiện quy trình, thủ tục đầu tư, vận hành khai thác cảng hàng không này theo phương thức công - tư (PPP0. G3 Holding quy tụ nhiều chuyên gia hàng đầu về hàng không và có nguồn vốn mạnh từ nước ngoài.

Theo kế hoạch, Phù Cát sẽ có thêm một đường băng mới, thuận lợi cho việc phát triển du lịch, thu hút đầu tư của tỉnh và bảo đảm nhiệm vụ an ninh, quốc phòng.

Khơi thông điểm nghẽn

Dù đã có chủ trương trong việc trao cơ hội cho tư nhân đầu tư hạ tầng hàng không, gần chục năm qua, xã hội hoá hạ tầng hàng không vẫn chỉ dừng ở đề án do có quá nhiều khó khăn, vướng mắc. Ngoài một số dự án nâng cấp hạ tầng hàng không đã hoàn thành, hiện chưa có thêm dự án mới nào hoàn thiện theo hình thức PPP.

Điểm nghẽn trong xã hội hoá hạ tầng hàng không là Đề án này vẫn trong giai đoạn hoàn thiện trước khi trình Chính phủ và Bộ Chính trị thông qua. Đi liền với đó là hàng loạt luật, nghị định cần phải sửa đổi bổ sung cho phù hợp, trong đó có việc phân định giá trị tài sản của ACV, đất và tài sản do Bộ Quốc phòng quản lý...

Mặt khác, đối với một số công trình được huy động vốn theo phương thức PPP, qua triển khai cho thấy hiệu quả tài chính của các cảng hàng không mới thường không đảm bảo để hoàn vốn cho nhà đầu tư. Do đó, lĩnh vực này thiếu đi sức hút nếu không có sự hỗ trợ, chia sẻ từ phía Nhà nước.

Mới đây, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ 2024 do Cục Hàng không Việt Nam tổ chức, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng đề nghị các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thành Đề án xã hội hóa đầu tư cảng hàng không trình Bộ Chính trị.

Theo Bộ trưởng, để chọn được nhà đầu tư trong lĩnh vực hàng không là rất khó, bởi họ sẽ tính toán đến các yếu tố hạ tầng, lợi ích đi kèm để phục vụ cho chính doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải có cơ chế, chính sách hấp dẫn, giải quyết nhanh những vấn đề vướng mắc, chẳng hạn như đất đai.

Cục Hàng không cần bám sát thực tiễn, phản ứng nhanh hơn, nhạy hơn trước các vấn đề đặt ra để đẩy nhanh quá trình phát triển hạ tầng hàng không, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nổi bật
Mới nhất
Làn gió mới từ nguồn vốn tư nhân đầu tư hạ tầng hàng không
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO