Kinh doanh

Lâm Đồng công bố quy hoạch, doanh nghiệp cam kết đầu tư hàng nghìn tỷ

Nguyệt Quỳnh 24/06/2024 12:22

Nhiều doanh nghiệp cam kết rót vốn đầu tư sau khi tỉnh Lâm Đồng công bố quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

trung-tam-thanh-pho-da-lat-5f6d67d3ebc55.jpg
Đà Lạt sẽ trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực Đông Nam Á vào năm 2030. Ảnh: Best Price.

Ngày 23/6, tại TP Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và cơ hội xúc tiến đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Anh Tuấn chính thức trao quyết định công bố Cảng hàng không Liên Khương trở thành cảng hàng không quốc tế. Sự kiện đánh dấu bước phát triển mới cho ngành giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng và khu vực Tây Nguyên.

227 dự án với hơn 5 tỷ USD

Tại chương trình công bố quy hoạch, 12 nhà đầu tư tiếp nhận quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tổng vốn các nhà đầu tư công bố đầu tư vào Lâm Đồng là hơn 125.000 tỷ đồng (hơn 5 tỷ USD).

tqd_20240624081515.jpg
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang (thứ hai từ trái qua) trao quyết định của Thủ tướng về quy hoạch tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Ảnh: Báo Lâm Đồng.

Nguồn vốn dự kiến rót vào hạ tầng cơ bản, du lịch, nông nghiệp và bất động sản. Những doanh nghiệp công bố mức đầu tư lớn như: Tập đoàn Bắc Á, Tập đoàn Phương Trang, Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam…

Cũng dịp này, tỉnh Lâm Đồng công bố danh sách đang kêu gọi thu hút ưu tiên đầu tư thời gian tới gồm 227 dự án, bao gồm các lĩnh vực: Giao thông vận tải (36 dự án); công nghiệp (11 dự án); văn hóa, thể thao và du lịch (34 dự án); y tế (36 dự án), giáo dục và đào tạo (6 dự án); thương mại, dịch vụ (20 dự án); khu dân cư, khu đô thị (62 dự án); phát triển nông nghiệp (12 dự án); bảo vệ môi trường (3 dự án); khai thác khoáng sản (4 dự án); khối hành chính (3 dự án).

trao-chung-nhan-cho-cac-nha-dau-tu_20240623133609.jpg
UBND tỉnh Lâm Đồng trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Biên bản ghi nhớ đầu tư cho 12 nhà đầu tư là các tập đoàn, công ty với tổng số vốn khoảng 125.000 tỷ đồng. Ảnh: Báo Lâm Đồng.

Trong đó, một số dự án nhận Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, có số vốn đầu tư rất lớn gồm: Dự án Trường đua ngựa Thiên Mã - Madagui - Câu lạc bộ Polo và ngựa biểu diễn với tổng vốn đầu tư 1.548 tỷ đồng; dự án Khu đô thị mới Nam sông Đa Nhim, thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng với tổng mức đầu tư 11.842 tỷ đồng; dự án Khu dân cư nông thôn kiểu mẫu Đambri tổng vốn đầu tư là 1.570 tỷ đồng; dự án đầu tư nhà máy kéo sợi len lông cừu Đà Lạt có tổng mức vốn đầu tư 1.114 tỷ đồng…

Một số dự án trọng tâm, trọng điểm như: Khu du lịch quốc gia Đankia - Suối vàng; cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc; Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương; Cao tốc Nha Trang Liên Khương (CT.25); Nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Liên Khương từ cấp 4D thành cấp 4E; Tổ hợp nhà máy tuyển bauxite và chế biến Alumin, nhôm và các sản phẩm từ nhôm; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đà Lạt; Khu đô thị Liên Khương Prenn; Khu đô thị phía Đông Đà Lạt; Khu đô thị phía Tây Đà Lạt; Khu công nghiệp Phú Bình; Cảng cạn tại huyện Đức Trọng và thành phố Bảo Lộc…

Đà Lạt là trung tâm du lịch chất lượng cao tầm khu vực

Trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh Lâm Đồng xây dựng để trở thành tỉnh phát triển toàn diện, xây dựng TP Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao mang tầm khu vực Đông Nam Á, là trung tâm giáo dục, đổi mới sáng tạo.

1a_20240530091453_20240530190137.jpg
TP. Đà Lạt là hạt nhân của vùng trọng điểm, có vai trò là khu vực động lực phát triển của tỉnh, là trung tâm du lịch cao cấp quốc gia có ý nghĩa quốc tế. Ảnh: Báo Lâm Đồng.

Đến năm 2030, tỉnh Lâm Đồng trở thành “thiên đường xanh” với sức hút của các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng - sinh thái - chăm sóc sức khỏe - thể thao cao cấp hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á.

Đồng thời, tỉnh tập trung hoàn thiện các tuyến giao thông kết nối, tăng cường liên kết với các tỉnh trong khu vực; xây dựng hệ thống đô thị bền vững; hình thành các tổ hợp về du lịch, dịch vụ và công nghiệp; phát triển du lịch chất lượng cao, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc, tài nguyên thiên nhiên và liên kết vùng…

Mục tiêu hướng đến năm 2050 là tỉnh Lâm Đồng đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định Lâm Đồng sở hữu khí hậu, cảnh quan và những giá trị văn hóa vô cùng đặc sắc, là tài nguyên quý giá cho sự phát triển. Lâm Đồng là địa phương khởi nguồn và là ví dụ mẫu mực về phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Về quy hoạch, Phó thủ tướng yêu cầu Lâm Đồng cần thực hiện tốt 8 chữ “tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ, thấu hiểu”. Tuân thủ để đảm bảo sự đúng hướng, phát triển bền vững trong tương lai, linh hoạt trong cách làm bởi để đạt được mục tiêu phải có nhiều cách, quá trình thực hiện quy hoạch chắc chắn sẽ phát sinh nhiều vấn đề bất cập, cần phải điều chỉnh, quy hoạch tỉnh phải phù hợp với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành; phải tuyên truyền, vận động để cán bộ, người dân, doanh nghiệp hiểu, chia sẻ, đồng thuận, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động.

Mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 8,5-9%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt 170 triệu đồng/người/năm. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội hàng năm chiếm khoảng 35-36% GRDP; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 54,2%, đến năm 2030 đạt 59,3%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lâm Đồng công bố quy hoạch, doanh nghiệp cam kết đầu tư hàng nghìn tỷ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO