tạp chí bầu trời

Kỷ niệm 75 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2021)

75 năm là thời gian sống của cả một đời người, cũng là thời gian nhiều thế hệ trẻ tuổi 20 nối tiếp nhau; nếu so với lịch sử dân tộc nhiều ngàn năm thì chỉ là một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên 75 năm của thời kỳ cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI đã cô đọng biết bao sự kiện, con người của lịch sử Việt Nam và thế giới đương đại.

 

Cách mạng tháng 8-1945 đã mở ra cho Việt Nam một kỷ nguyên mới: những con người nô lệ, "từ than bụi lầy bùn, đã đứng dưới cờ cách mạng", đã trở thành chủ nhân của một đất nước đang lớn lên bằng sức của chính mình.

 

Thế nhưng, chỉ sau 28 ngày hưởng độc lập, tự do, Nam Bộ Việt Nam đã phải tiến hành kháng chiến chống quân Pháp trở lại xâm lược hòng tròng lại ách nô lệ lên đầu nhân dân ta. Và 15 tháng sau đó, cả nước đã đứng lên theo Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Chúng ta muốn hòa bình. Chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm chiếm nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ... Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc!".

Từ ngày 19-12-1946, qua 75 năm dân tộc ta đã trải biết bao chặng đường đầy gian khổ, hy sinh nhưng cũng đầy hào khí anh hùng!

Quân dân thủ đô Hà Nội đã giam chân địch cả tháng trời trong một thành phố mà mỗi con đường, mỗi góc hẻm đều trở thành ổ chiến đấu kiên cường...

 

Ngày 7-10-1947, thực dân Pháp huy động 15.000 quân Âu - Phi tinh nhuệ, trang bị vũ khí hiện đại, với hàng ngàn xe bọc thép, cơ giới các loại, với 40 tàu chiến, 40 máy bay... tiến đánh An toàn khu Cao - Bắc Lạng hòng tiêu diệt đầu não kháng chiến. Tuy nhiên, quân dân Việt Nam đã giáng cho quân xâm lược những đòn nặng nề. Pháo binh Việt Nam, mặc dù chỉ có một số ít khẩu pháo, nhưng đã mưu trí nghi binh, dũng cảm phục kích sát bờ Sông Lô, Đoan Hùng, bắn chìm và cháy hàng loạt tàu chiến lớn của giặc khiến chúng không thực hiện được kế hoạch hợp vây, tiêu diệt lực lương kháng chiến. Những địa danh Quân Khu 10 đã đi vào lịch sử: Sông Lô, Đoan Hùng, Chiêm Hóa, Bông Lau, Phủ Thông, Đèo Giàng, đường số 3, 4 Cao - Bắc - Lạng... Cuộc hành quân càn quét lớn của Pháp thất bại, đã mở ra một chương mới cho cuộc kháng chiến Việt Nam.

Nhân dân thủ đô Hà Nội dựng chiến lũy chống giặc Pháp tại phố Mai Hắc Đế

8 năm sau (nếu kể từ Nam Bộ kháng chiến thì là 9 năm), "Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu", đã buộc Pháp phải ký Hiệp định Genève tháng 7-1954. Ta giành được ½ nước, trước khi tiến hành Tổng tuyển cử sau 2 năm theo Hiệp định, để thống nhất đất nước.

Thế nhưng đế quốc Mỹ đã phá hoại việc thi hành Hiệp định Genève, dựng lên ở miền Nam một chế độ phát xít cực kỳ tàn bạo, giết hại, giam cầm hàng chục vạn người yêu nước đấu tranh cho thống nhất đất nước. Mỹ đã tiến hành 4 chiến lược chiến tranh chống nhân dân miền Nam: Chiến lược chiến tranh không tuyên bố (1956 - 1959), chiến lược chiến tranh đặc biệt với "quốc sách Ấp chiến lược" (1961 - 1964), chiến lược chiến tranh cục bộ (1965 - 1968), chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh (1969 - 1975).

Để đánh trả các chiến lược chiến tranh tàn khốc của Mỹ, nhân dân ta đã phải hy sinh hàng triệu người. Nhưng vượt lên tất cả, chúng ta đã giành chiến thắng hoàn toàn sau chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975.

Việt Nam dân tộc anh hùng

Tay không mà đã thành công nên người.

Sau 30 năm chống chiến tranh xâm lược, chúng ta bắt đầu xây dựng lại đất nước bị tàn phá. Thế nhưng những kẻ thù Việt Nam không từ bỏ dã tâm đối với một dân tộc có khát vọng chính đáng là được sống tự do, được mưu cầu hạnh phúc. Từ 1975 chúng tiến hành cấm vận kinh tế, cô lập về chính trị, trợ giúp Khmer Đỏ xâm phạm biên giới Tây Nam, kể cả đưa 60 vạn quân xâm phạm nhiều tỉnh phía Bắc... Tình hình đó kéo dài 20 năm (1975 - 1995). Nhưng nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đã vươn lên mạnh mẽ, với ý chí kiên cường, trí tuệ, sáng tạo, hơn nữa đã giúp nhân dân nước bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng của tập đoàn Pôn-Pốt. Cho đến nay, sau hơn 35 năm Đổi mới, chúng ta đã giành được những "thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử". "Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay" (Bài viết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 16-5-2021).

Thành phố mang tên Bác tự hào đã "đi trước về sau" trong kháng chiến, đã "cùng cả nước, vì cả nước", là địa phương dẫn đầu trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng xã hội mới, vì hạnh phúc con người.

Với Cương lĩnh sáng tạo, với đường lối đúng đắn, "phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", chúng ta đang cùng nhau - trẻ cũng như già - đề cao khát vọng xây dựng và bảo vệ một thành phố văn minh, hiện đại, một Việt Nam hùng cường, nhân dân sống hạnh phúc.

Chúng ta đạt được những thành tựu lớn trong 75 năm qua, trước hết phải xác định nhân tố chủ yếu là đường lối đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng lãnh đạo. Đường lối của Đảng đã thể hiện tập trung ý chí, khát vọng của toàn dân, tạo được sự đồng thuận rộng rãi trong nhân dân, thể hiện "thế trận lòng dân" trên tất cả các mặt trận đấu tranh.

Những con người Việt Nam bình thường đều đã có cơ hội trở thành những anh hùng trong chiến đấu, anh hùng trong lao động, phục vụ lý tưởng: tất cả vì hạnh phúc của nhân dân, lấy việc phục vụ con người làm mũi đột phá của mọi đột phá.

Bài học lịch sử kỷ niệm 75 năm ngày Toàn quốc kháng chiến chính là bài học về đường lối chiến lược đúng đắn, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, về phát huy ý chí kiên cường, bất khuất, đặc biệt là phát huy trí tuệ, sáng tạo, đổi mới, biến khát vọng cháy bỏng của lòng yêu nước thành sức mạnh vô địch.

Theo https://congan.com.vn/tin-chinh/thanh-tuu-lon-lao-y-nghia-lich-su_124709.html

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận