tạp chí bầu trời

Kỷ niệm 30 năm thành lập Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (20/4/1993 - 20/4/2023)

30 năm qua, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) vượt qua vô vàn khó khăn thử thách, xây đắp nên nhiều thành tích rất đáng tự hào, tự tin hội nhập với cộng đồng Hàng không thế giới và có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển kinh tế của đất nước. Bằng sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, bằng ý chí quyết tâm, tập thể cán bộ, nhân viên Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã bảo đảm điều hành bay tuyệt đối an toàn cho hơn 11 triệu chuyến bay trong vùng trời trách nhiệm với chất lượng điều hành bay được đánh giá đạt tiêu chuẩn hàng đầu khu vực.

Đài Kiểm soát không lưu Cảng hàng không quốc tế Nội Bài

Cung cấp dịch vụ điều hành bay an toàn, điều hòa, hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh, chủ quyền vùng trời quốc gia

Ngay từ ngày đầu thành lập, VATM đã được Nhà nước, Cục Hàng không Việt Nam giao cho trọng trách trực tiếp tham gia cuộc đấu tranh giành lại quyền điều hành bay Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh nhằm khẳng định vùng trời trách nhiệm và vị thế của Hàng không Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời xác lập một vùng trời mà trong đó VATM có trách nhiệm cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay. Việc tiếp nhận quyền điều hành phần phía Nam Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh vào ngày 8/12/1994 đã trở thành mốc son trong lịch sử phát triển của ngành hàng không dân dụng nói chung và ngành Quản lý bay nói riêng trên các phương diện chính trị, kinh tế, kỹ thuật, quốc phòng an ninh. Thắng lợi to lớn đó đã mở ra cánh cửa hội nhập quốc tế về quản lý không lưu, cung cấp kịp thời, đầy đủ các dịch vụ điều hành bay, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các hoạt động bay đi, đến và bay quá cảnh trong vùng trời trách nhiệm được giao.

Hiện nay, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trong toàn bộ vùng trời chủ quyền trên lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam và tại tất cả các cảng hàng không, sân bay trên cả nước. Với quy mô cung cấp dịch vụ trên diện tích gần 1,2 triệu km2, phạm vi hoạt động trải dài trên gần 30 tỉnh, thành phố của cả nước, trực tiếp cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trên 35 đường hàng không nội địa và 36 đường hàng không quốc tế, đặc biệt FIR Hồ Chí Minh có các đường hàng không với mật độ bay cao, giữ vị trí quan trọng đối với hoạt động bay trên khu vực biển Đông.

Xác định điều hành bay an toàn, điều hòa, hiệu quả cho tất cả các chuyến bay trong vùng trời trách nhiệm là lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh và năng lực cốt lõi, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam luôn chủ trương không ngừng thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ thông qua việc đổi mới, cải tiến phương thức điều hành bay; tối ưu hóa tổ chức vùng trời; áp dụng công nghệ dẫn đường tiên tiến tại các sân bay có mật độ hoạt động bay cao; tích cực học tập, hợp tác với các cơ quan, tổ chức nước ngoài để nghiên cứu tối ưu hóa vùng trời và phương thức bay tại Việt Nam đáp ứng nhu cầu tăng trưởng nóng của hàng không trong nước và quốc tế.

Các học viên tham gia Chương trình xã hội hóa kiểm soát viên không lưu tại Airways New Zealand

30 năm qua, bằng sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, bằng ý chí quyết tâm, tập thể cán bộ, nhân viên Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã bảo đảm điều hành bay tuyệt đối an toàn cho hơn 11 triệu chuyến bay trong vùng trời trách nhiệm, tổng thu điều hành bay ước đạt gần 65 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước đạt trên 32 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh nhiệm vụ đảm bảo an toàn bay, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị quân đội và các cơ quan quản lý không lưu của các nước trong khu vực, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các hoạt động bay không đúng theo kế hoạch hoặc vi phạm quy chế bay, giữ vững an ninh vùng trời Tổ quốc.

Chú trọng đầu tư hạ tầng, công nghệ quản lý bay tiên tiến

Trong nhiều năm qua, VATM luôn được xem là một trong những đơn vị đi đầu của ngành Hàng không Việt Nam trong việc đầu tư, đổi mới công nghệ, cải tiến và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, vì vậy đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dịch vụ điều hành bay, làm thay đổi cơ bản công nghệ quản lý điều hành bay và đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn kiểm soát điều hành bay của các hãng Hàng không trong nước và quốc tế.

Đến nay, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã tổ chức đầu tư và khai thác 2 Trung tâm Kiểm soát đường dài, 4 Trung tâm Kiểm soát tiếp cận, 22 Đài kiểm soát tại sân, 5 hệ thống radar giám sát sơ cấp, thứ cấp (PSR/SSR), 3 hệ thống radar giám sát thứ cấp, 24 đài dẫn đường VOR/DME, 2 đài dẫn đường NDB, và hàng chục trạm liên lạc VHF đất đối không, 24 hệ thống giám sát tự động phụ thuộc quảng bá (ADS-B) đều đảm bảo tiêu chuẩn và chất lượng theo quy định của ICAO.

Đài Kiểm soát không lưu Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất

Tổng công ty đã tổ chức đầu tư và nâng cấp và xây mới hàng chục Đài kiểm soát không lưu như: Buôn Ma Thuột, Rạch Giá, Phù Cát (năm 2000, 2001), Cà Mau (năm 2002), Điện Biên Phủ (năm 2004), Vinh (năm 2005), Phú Bài (năm 2006), Côn Sơn (năm 2006), Cam Ranh (năm 2009), Liên Khương (năm 2011), Cần Thơ (năm 2012), Nội Bài (năm 2012), Phú Quốc (năm 2013), Tân Sơn Nhất (năm 2013), Cát Bi (năm 2015), Tuy Hòa (năm 2016), Thọ Xuân (năm 2017), Phù Cát (năm 2021).

Trong số này, có những đài không lưu là những công trình phức tạp, quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật công nghệ cao như Nội Bài, Tân Sơn Nhất; một số Đài được vinh dự khánh thành, gắn biển nhân các sự kiện, ngày lễ lớn của dân tộc như Đài Vinh, Đài Điện Biên Phủ, Đài Phú Bài - công trình được gắn biển “Công trình chào mừng 50 năm ngày thành lập ngành Hàng không Việt Nam”.

Ngày 29/9/2022, Tổng công ty chính thức khởi công Dự án thành phần 2 “Các công trình phục vụ quản lý bay” thuộc dự án “Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1” do VATM làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư gần 3.500 tỷ đồng. Trong đó, công trình chính là Đài Kiểm soát không lưu và các hạng mục công trình phụ trợ có diện tích là 24.000 m2 được xây dựng để kiểm soát hoạt động tại khu vực di chuyển của tàu bay tại Cảng hàng không và hoạt động bay trong vùng trời Cảng hàng không.

Tích cực đào tạo phát triển nguồn nhân lực để tiếp thu kiến thức công nghệ kỹ thuật mới

Mục tiêu của Tổng công ty đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên có đủ trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng thực hành để thực hiện các phương thức đều hành bay tiên tiến hiện đại, sẵn sàng quản lý, khai thác, bảo dưỡng tốt trang thiết bị chuyên ngành Quản lý bay, nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ điều hành bay theo tiêu chuẩn, khuyến cáo thực hành của ICAO. Để đạt được mục tiêu này, Tổng công ty thực hiện nhất quán làm việc gì đào tạo việc đó không đào tạo tràn lan; chú trọng đào tạo trong nước và đào tạo tại chỗ; tăng cường hợp tác tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế và các quốc gia có nền không vận phát triển và có kinh nghiệm trong lĩnh vực kỹ thuật và quản lý không lưu như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa kỳ, Xinh-ga-po, Niu-di-lân, Thái Lan,… Cùng với việc đổi mới các hệ thống thiết bị công nghệ hiện đại, nhất thiết Tổng công ty cần có một đội ngũ nhân viên với đầy đủ trình độ và năng lực để có thể tiếp thu và vận hành các hệ thống trang thiết bị hiện đại, tiên tiến.

Kíp trực tại Trung tâm Kiểm soát Tiếp cận - Tại sân Nội Bài

Đặc biệt, để nâng cao hơn nữa năng lực an toàn và chất lượng dịch vụ điều hành bay, đào tạo được đội ngũ kiểm soát viên không lưu có trình độ ngang bằng các nước trong khu vực, năm 2015, Tổng công ty đã xây dựng đề án xã hội hóa đào tạo kiểm soát viên không lưu cho các cơ sở điều hành bay, có cam kết tuyển dụng sau đào tạo. Tổng công ty đã ký Thỏa thuận đào tạo cơ bản Kiểm soát viên không lưu với Công ty TNHH Quốc tế Airways New Zealand (Airways New Zealand). Trong giai đoạn 2015-2019, Tổng công ty đã phối hợp với Airways New Zealand tổ chức tuyển chọn và đào tạo được 65 học viên KSVKL/03 khóa. Các học viên sau khi hoàn thành đào tạo, tốt nghiệp tại Airways New Zealand đã được Tổng công ty tiếp nhận, ký hợp đồng tuyển dụng.     

Trong không khí tự hào, tràn đầy niềm tin, khí thế và quyết tâm mới, toàn thể cán bộ công nhân viên, người lao động Tổng công ty tiếp tục phát huy truyền thống của đơn vị Anh Hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, đồng tâm hợp sức, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn thách thức xây dựng Tổng công ty ngày càng phát triển. Phấn đấu đến năm 2030 phát triển Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam trở thành một trong những Nhà cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay hàng đầu khu vực Đông Nam Á trên cả hai tiêu chí: năng lực điều hành bay và chất lượng các dịch vụ; có hệ thống quản lý an toàn tin cậy; áp dụng công nghệ hiện đại và giải pháp quản lý không lưu tiên tiến, hiệu lực, hiệu quả; đóng góp xứng đáng cho ngân sách nhà nước năm sau cao hơn năm trước

VP VATM

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận