Quốc tế

Korean Air và Asiana Airlines hợp nhất, Hàn Quốc bảo vệ cạnh tranh thị trường

Nam Bình 13/12/2024 08:07

Việc mua lại Asiana Airlines giúp hãng hàng không Korean Air (KAL) trở thành hãng hàng không lớn thứ 12 thế giới nhưng đồng thời, nó tạo ra mối đe dọa sẽ thâu tóm thị trường ngành hàng không tại xứ sở kim chi.

Các quan chức Hàn Quốc do đó đã công bố kế hoạch hỗ trợ các hãng hàng không giá rẻ nhằm hạn chế tình trạng ngành hàng không nước này bị ông lớn Korean Air – Asiana Airlines độc quyền.

Korean Air hoàn tất thủ tục mua lại Asiana Airlines

Sáng 12/12, Korean Air (KAL) thông báo đã hoàn tất việc mua lại đối thủ cũ là Asiana Airlines, đánh dấu một vụ sáp nhập được khởi động cách đây 4 năm.

Cụ thể, Korean Air đã mua lại 131.578.947 cổ phiếu mới phát hành của Asiana Airlines, tương đương với 63,88% cổ phần, biến Asiana Airlines trở thành công ty con của Korean Air.

Thỏa thuận trị giá 1,5 triệu tỷ won (1,05 tỷ USD) này được xem là vụ sáp nhập kéo dài nhất giữa các hãng hàng không Hàn Quốc. Vụ việc lần đầu được công bố cách đây 4 năm bởi hãng hàng không lớn nhất Hàn Quốc nhằm cứu vớt Asiana, công ty đang vật lộn với khoản nợ lớn và sụt giảm nhu cầu trong đại dịch COVID-19.

Phân tích của Reuters từ dữ liệu hàng không của Cirium và OAG, tập đoàn Korean Air sau khi mua lại Asiana Airlines có thể chiếm hơn một nửa công suất hành khách của Hàn Quốc và trở thành hãng hàng không lớn thứ 12 trên thế giới về công suất quốc tế.

static1.simpleflyingimages.com-wordpress-wp-content-uploads-2024-02-_korean-air-and-asiana-airlines-aircraft-at-seoul-incheon-international-airport-icn-shutterstock_690832495.jpg
Korean Air vừa hoàn tất thủ tục mua lại đối thủ cũ là Asiana Airlines. Ảnh: Shutterstock.

Còn theo Bloomberg, phi vụ sáp nhập này giúp Korean Air trở thành tập đoàn hàng không lớn thứ hai ở châu Á dựa trên công suất, chỉ sau Singapore Air.

Theo kế hoạch, Korean Air sẽ bổ nhiệm Giám đốc điều hành mới cùng các giám đốc điều hành chủ chốt cho Asiana Airlines vào cuộc họp cổ đông bất thường ngày 16/1/2025 tới đây.

Kế hoạch sáp nhập các chương trình khách hàng thân thiết của hai hãng hàng không cũng sẽ được nộp lên Ủy ban Thương mại Công bằng Hàn Quốc (KFTC) để xem xét vào tháng 6 năm sau.

Trong vòng hai năm tới, Korean Air sẽ điều hành Asiana Airlines như một công ty con trong khi tiến hành tích hợp thương hiệu và tổ chức. Công ty cũng cho biết, sẽ không có cuộc tái cấu trúc lực lượng lao động trong quá trình tích hợp. Với những nhân viên có vai trò trùng lặp, sẽ “được phân công lại trong tổ chức”.

Trong thông cáo gửi đến truyền thông, Korean Air mô tả thỏa thuận sáp nhập này là một "cột mốc chiến lược đối với ngành hàng không của Hàn Quốc". Theo đó, việc Asiana Airlines trở thành là công ty con sẽ giúp tăng cường năng lực cạnh tranh của ngành hàng không quốc gia, nâng cao khả năng trung tâm của Sân bay Incheon - sân bay bận rộn thứ tư thế giới về các chuyến bay quốc tế và thứ năm về vận tải hàng hóa. Đồng thời, giúp Asiana mở rộng mạng lưới toàn cầu.

Lo ngại độc quyền thị trường hàng không

Truyền thông Hàn Quốc đưa tin, trước sự lớn mạnh của hãng hàng không Korea Air sau khi sáp nhập với Asiana Airlines, Chính phủ nước này đang khởi động một cuộc cải cách chính sách vận tải hàng không nội địa nhằm giảm thiểu độc quyền và nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu của các hãng hàng không giá rẻ trong nước.

static1.simpleflyingimages.com-wordpress-wp-content-uploads-2024-11-_shutterstock_1599734224.jpg
Việc mua lại Asiana Airlines giúp Korean Air trở thành hãng hàng không lớn thứ 10 thế giới. Ảnh: Shutterstocks.

Theo đó, Hàn Quốc đã có kế hoạch hỗ trợ các hãng hàng không giá rẻ (LCC) mở rộng các tuyến bay tầm trung và dài. Các biện pháp được công bố vào ngày 11/12 bao gồm cung cấp cho các sân bay khu vực các khoản trợ cấp chuyến bay mới và quyền tuyến bay chuyên dụng.

Chính phủ cũng đặt mục tiêu mở rộng các chuyến bay quốc tế khởi hành từ các sân bay khu vực và đa dạng hóa các tuyến bay phù hợp với việc xây dựng các sân bay quốc tế mới, bao gồm sân bay Đảo Gadeok, sân bay mới tích hợp Daegu-Gyeongbuk, sân bay Jeju thứ 2 và sân bay quốc tế Saemangeum.

Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải Hàn Quốc (MOLIT) cũng có kế hoạch phân phối các tuyến đường trung và dài hạn cho các hãng hàng không giá rẻ (LCC) nội địa. Đồng thời, ưu tiên các hãng hàng không giá rẻ trong việc phân bổ quyền khai thác các tuyến bay mới, đặc biệt là các tuyến bay tầm trung và tầm xa đến châu Âu và Tây Nam Á.

Nhu cầu đi công tác đã chuyển từ Trung Quốc sang các thị trường mới nổi như Ấn Độ và Việt Nam, trong khi khách du lịch giải trí ngày càng tìm kiếm các điểm đến mới.

Chính phủ Hàn Quốc do đó đã có kế hoạch tăng quyền tuyến bay và các chuyến bay để ứng phó với những thay đổi này. Các hãng hàng không giá rẻ sẽ được ưu tiên tiếp cận các tuyến bay có nhu cầu cao tại Nhật Bản và Đông Nam Á.

San bay Incheon
Sân bay Incheon - sân bay bận rộn thứ tư thế giới về các chuyến bay quốc tế và thứ năm về vận tải hàng hóa. Ảnh: V.J.

Chính phủ Hàn Quốc cũng khuyến khích các hãng hàng không giá rẻ khai thác những chuyến bay không thường xuyên tại các thị trường chưa được khai thác hết, chẳng hạn như châu Phi và Mỹ Latin, nơi quyền khai thác tuyến bay vượt quá nhu cầu bay.

Các quan chức đặt mục tiêu chỉ định thêm “khu vực tự do hóa vận tải hàng không”, nơi các hãng hàng không có thể hoạt động mà không bị hạn chế về tuyến bay hoặc tần suất bay. Tự do hóa vận tải hàng không đề cập đến các thỏa thuận cho phép các hoạt động bay không bị hạn chế giữa các quốc gia.

Các khu vực ưu tiên cho việc tự do hóa vận tải hàng không bao gồm các tuyến đến Liên minh châu Âu (EU), Indonesia và Australia. Chính phủ sẽ áp dụng cách tiếp cận theo từng giai đoạn đối với Trung Quốc, dần dần áp dụng tự do hóa theo nhu cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Korean Air và Asiana Airlines hợp nhất, Hàn Quốc bảo vệ cạnh tranh thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO