Hãng khác

Korean Air tái định vị thương hiệu trong chiến lược vươn ra toàn cầu

Thu Ngoan 06/04/2025 06:24

Năm 1969, hơn nửa thế kỷ trước, Korean Air ra đời với sứ mệnh vừa phải: cung cấp dịch vụ vận tải hàng không nội địa cho Hàn Quốc. Thế nhưng, với tầm nhìn xa và khát vọng vươn tầm thế giới, hãng không dừng lại ở đó mà liên tục đổi mới, mở rộng và vươn mình, trở thành một tên tuổi lớn trên bản đồ hàng không quốc tế.

67d0086d6170467eaf38b193dd799465.jpg
Ảnh: Businesstravelerusa.

Việc Korean Air chính thức công bố bộ nhận diện thương hiệu mới vào ngày 12/3 đã đánh dấu lần thay đổi logo đầu tiên của hãng kể từ năm 1984. Sự đổi mới này diễn ra trong bối cảnh hãng hàng không quốc gia Hàn Quốc tiến tới việc hoàn tất thương vụ sáp nhập trị giá 1,3 tỷ USD với Asiana Airlines.

Diện mạo mới – tầm nhìn mới

Biểu tượng ‘Taegeuk’ – vòng tròn xanh đỏ đặc trưng trên logo của Korean Air suốt hơn 40 năm qua đã được tối giản thành một màu xanh đậm đơn sắc. Hãng vẫn giữ màu xanh da trời đặc trưng trên thân máy bay nhưng đã áp dụng công nghệ sơn mới giúp tạo hiệu ứng ánh kim, mang lại vẻ ngoài sang trọng và hiện đại hơn.

Tên hãng trên thân máy bay cũng có sự thay đổi: thay vì “Korean Air”, dòng chữ “Korean” sẽ được hiển thị với phông chữ mới và kích thước lớn hơn. Bên cạnh đó, dải sọc ngang truyền thống dọc theo thân máy bay cũng được thay thế bằng một đường cong mềm mại, tạo cảm giác thanh thoát, tinh tế.

1.jpeg
Nhận diện thương hiệu mới của Korean Airlines được nhận định là đơn giản nhưng hiện đại, tinh tế. Ảnh: Yonhap.

Sơn lại toàn bộ đội bay cũng là bước đi quan trọng trong chiến dịch tái định vị thương hiệu của hãng và công việc này sẽ ảnh hưởng đến gần 30.000 hạng mục khác nhau, từ huy hiệu nhân viên, biển hiệu sân bay, phòng chờ cho đến màu sơn trên thân máy bay.

Nhiều biển hiệu tại sân bay đã được thay đổi chỉ trong vài giờ sau khi hãng công bố nhận diện thương hiệu mới song quá trình sơn lại toàn bộ đội bay sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới.

Routesonline ngày 31/3 đưa tin, ông Kenneth Chang, Giám đốc Tiếp thị của Korean Air, cho biết hãng sẽ ưu tiên sơn lại hơn 160 máy bay hiện có trước. Dự kiến, ít nhất 30 chiếc sẽ được sơn lại trong năm nay và sơn lại toàn bộ đội bay của Asiana Airlines sau khi hoàn tất sáp nhập vào năm 2027.

Sáp nhập Asiana Airlines, khẳng định vị thế toàn cầu

Sau khi hoàn tất mua lại 63,88% cổ phần của Asiana vào tháng 12/2024, Asiana sẽ hoạt động như một công ty con của Korean Air cho đến khi hoàn tất sáp nhập vào năm 2027. Khi đó, thương hiệu Asiana sẽ chính thức bị xóa sổ, toàn bộ đội bay sẽ thống nhất dưới nhận diện thương hiệu Korean Air.

67d0086de6a04ab693eab193dd799465.jpg
Ông Walter Cho, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành của Korean Air phát biểu về chiến lược phát triển của hãng tại lễ mắt nhận diện thương hiệu mới. Ảnh: Executivetraveller.

Thương vụ này sẽ giúp Korean Air mở rộng đáng kể quy mô đội bay và mạng lưới đường bay, đồng thời củng cố vị thế của hãng trên bản đồ hàng không thế giới. Hướng đi mới của Korean Air không chỉ đơn thuần là một hãng bay quốc gia, mà còn là một tập đoàn hàng không mang tầm vóc toàn cầu, đặt trụ sở tại Hàn Quốc.

Sau khi sáp nhập với Asiana Airlines hiện Korean Airlines đã vươn lên trong danh sách các hãng bay lớn nhất thế giới. Theo các tổ chức chuyên phân tích dữ liệu hàng không như CAPA hay OAG, Korean Air hiện đứng thứ 24 trong danh sách các hãng bay lớn nhất thế giới theo công suất ghế quốc tế, trong khi Asiana đứng thứ 42. Sau khi sáp nhập, Korean Air sẽ đứng thứ 13 trong danh sách các hãng bay quốc tế lớn nhất, và là hãng hàng không lớn nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Những điều chỉnh chiến lược sau sáp nhập

Tham vọng của Korean Air Lines Group cũng bắt buộc hãng phải có chiến lược phát triển dài hạn, tương xứng với một hãng bay mang tầm vóc toàn cầu.

Tăng tỷ lệ khách quốc tế được hãng xác định là yếu tố then chốt. Korean Air đang nỗ lực xây dựng một lượng khách quốc tế lớn hơn, không chỉ trên các chuyến bay đến và đi từ Hàn Quốc, mà còn kết nối giữa các quốc gia khác.

Ông Kenneth Chang cho biết, hãng đã đạt được một số tiến bộ đáng kể trong mục tiêu này. Trước đại dịch COVID-19, lượng khách quốc tế của Korean Air chiếm khoảng 40% trên các tuyến quốc tế. Tuy nhiên, trong giai đoạn hậu đại dịch, tỷ lệ này đã thay đổi, chiếm 60% số hành khách. Điều quan trọng là, nhiều hành khách quốc tế mới cũng đã tham gia chương trình khách hàng thân thiết của hãng.

“Lưu lượng hành khách chuyển tiếp giữa Bắc Mỹ và các khu vực khác ở châu Á đã đặc biệt tăng mạnh. Xu hướng này cho thấy tiềm năng là có, vì vậy hãng đã xem xét những gì cần làm để tăng lưu lượng khách chuyển tiếp”, ông Kenneth Chang chia sẻ.

korean-air-evp-kenneth-chang-2-s.jpg
Ông Kenneth Chang cho biết hãng đã đạt được một số mục tiêu về tăng khách quốc tế. Ảnh: Businesstravelerusa.

Để thực hiện các tham vọng toàn cầu, Korean Air cũng sẽ tìm cách mở rộng sự hiện diện tại các thị trường như châu Phi và Mỹ Latin thông qua các đối tác và các máy bay của chính hãng.

Giống như bất kỳ cuộc sáp nhập nào giữa các hãng bay, một trong những yếu tố quan trọng nhất sẽ là hợp nhất đội ngũ nhân viên của Asiana và Korean Air.

"Thách thức lớn nhất trong việc sáp nhập sẽ không phải là hệ thống, mà là văn hóa, đặc biệt là đối với hai công ty cạnh tranh lâu dài với nhau như Korean Airlines và Asiana" ông Kenneth Chang nhấn mạnh.

Tuy nhiên, hãng khẳng định sẽ không giảm số lượng nhân viên sau khi sáp nhập mà đặt mục tiêu thực hiện "một sự thay máu rất dần dần". Trước ngày chính thức sáp nhập, sẽ có một số lĩnh vực cần đào tạo mà cả 2 hãng có thể cùng nhau thực hiện.

Ông Chang cho biết, hiện tại Korean Air đang thiếu một số nhân viên, như tiếp viên hàng không. Sau khi sáp nhập, tổng số tiếp viên của cả hai hãng sẽ khoảng 10.000 người. Một bộ đồng phục mới cho đội ngũ tiếp viên sẽ được giới thiệu vào ngày chính thức sáp nhập.

Việc hợp nhất hai hãng hàng không lớn đòi hỏi nhiều công đoạn phức tạp, từ điều phối mạng lưới đường bay đến quản lý đội bay và tích hợp hệ thống vận hành.

Chuyển đổi hệ thống công nghệ thông tin (IT) đang được Korean Airlines xác định là một nhiệm vụ khó khăn nhưng bắt buộc phải làm.

Quá trình chuyển đổi IT sẽ liên quan đến 154 hệ thống của Korean Air. Các hệ thống này bao phủ một loạt các lĩnh vực, từ bảo trì máy bay đến quy trình của đội ngũ nhân viên. Dữ liệu của Asiana không thể chuyển hoàn toàn vào hệ thống IT của Korean Air cho đến khi các hãng chính thức sáp nhập, nhưng Korean Air có thể xem xét các hệ thống của Asiana thông qua một "lực lượng đặc nhiệm". Lực lượng đặc nhiệm này có thể yêu cầu mẫu dữ liệu từ các hệ thống IT của Asiana.

67d0086cfe44432b8b8db18bdd799465.jpg
Korean Airlines sẽ báo cáo chính phủ về tiến trình sáp nhập và các bước đi tiếp theo của mình vào tháng 6 tới. Ảnh: Executivetraveller.

Ông Chang cho biết, Korean Air phát hiện ra rằng các hệ thống và thuật ngữ IT của Asiana khác biệt nhiều hơn so với những gì hãng dự đoán. Điều này khiến việc chuẩn hóa dữ liệu trở nên vô cùng quan trọng, và các nhóm làm việc đã được thành lập để thực hiện việc này cho từng bộ phận.

Dự kiến, Korean Airlines sẽ báo cáo chính phủ về tiến trình sáp nhập và các bước đi tiếp theo của mình vào tháng 6 tới. Tuy nhiên, hãng khẳng định sẽ không vội vàng với bất kỳ quy trình nào, phương pháp tiếp cận cẩn thận sẽ giúp hãng thành công với các mục tiêu đề ra.

Có thể nói, với chiến lược phát triển rõ ràng và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Korean Air không chỉ mong muốn khẳng định sức mạnh trong khu vực mà còn vươn ra thế giới, biến những thách thức hiện tại thành bước đệm cho sự bứt phá trong tương lai. Sự thay đổi này hứa hẹn sẽ đưa Korean Air lên tầm cao mới, khẳng định vai trò dẫn đầu trong ngành hàng không quốc tế.

Nổi bật
Mới nhất
Korean Air tái định vị thương hiệu trong chiến lược vươn ra toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO