An toàn

ICAO 'chấm điểm' mức độ an toàn của hàng không Việt Nam

Đình Kiên, Nguyệt Quỳnh 05/06/2024 15:59

ICAO đã kiểm tra, giám sát an toàn hàng không tại Việt Nam trong 2 tuần cuối tháng 5.

shutterstock_757104415-scaled-1.jpeg
ICAO đã tiến hành thanh sát an toàn hàng không tại Việt Nam từ ngày 15/5 đến ngày 27/5 nhằm giúp đánh giá tổng thể, rà soát và tăng cường năng lực, đảm bản an toàn của toàn ngành hàng không trong nước. Ảnh: Shutterstock.

Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) chỉ ra rằng mức độ an toàn hàng không của các quốc gia thành viên phụ thuộc vào năng lực hệ thống giám sát an toàn hàng không của quốc gia đó.

Từ tháng 1/1999, ICAO triển khai Chương trình Thanh sát Giám sát An toàn Toàn cầu (Universal Safety Oversight Audit Programme - USOAP) nhằm đánh giá, giải quyết những mối quan ngại về khả năng giám sát an toàn của các quốc gia thành viên ICAO.

Thanh sát toàn diện, nâng cao năng lực giám sát an toàn

ICAO đã tiến hành kiểm tra, giám sát an toàn hàng không tại Việt Nam từ ngày 15/5 đến ngày 27/5 nhằm đánh giá tổng thể năng lực giám sát an toàn hàng không Việt Nam. Kết quả chính thức dự kiến được công bố sau 3 tháng.

Ông Ousman Kemo Manjang, Trưởng đoàn thanh tra an toàn hàng không toàn cầu của ICAO, cho biết đoàn tiến hành kiểm tra, giám sát toàn diện tất cả các lĩnh vực hàng không, trong đó có hệ thống pháp luật về hàng không, về cơ cấu tổ chức, vấn đề cấp phép nhân viên, khai thác, quản lý tàu bay, điều tra tai nạn, về cung cấp dịch vụ quản lý bay, khai thác cảng hàng không...

z54399987670940325715f02234a7bde8e62c4bb84ecac-17156889500851706324019.jpg
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng tặng quà lưu niệm Đoàn thanh tra an toàn của ICAO nhân dịp đoàn công tác tại Việt Nam. Ảnh: Báo Giao thông.

Sau cuộc kiểm tra, ICAO sẽ cung cấp cho Việt Nam kết quả đánh giá cụ thể và đưa ra các khuyến nghị chi tiết để nâng cao năng lực giám sát an toàn của ngành hàng không Việt Nam.

Trước đó ngày 12/10/2011, Cục Hàng không Việt Nam và ICAO đã ký một bản ghi nhớ (Memorandum of Understanding - MOU) về USOAP theo phương thức tiếp cận và theo dõi liên tục (Continous Monitoring Approach - CMA). Trên cơ sở MOU ký năm 2011, năm 2016 ICAO đã tiến hành các đợt đánh giá an toàn hàng không tại Việt Nam theo Chương trình đánh giá kiểm chứng (ICAO Coordinated Validation Mission - ICVM) nhằm theo dõi, đánh giá các khắc phục của Việt Nam đối với các khuyến cáo của ICAO các đợt kiểm tra, đánh giá trước đó.

Kết quả đánh giá năm 2016, việc thực thi hiệu quả hệ thống giám sát an toàn hàng không của Việt Nam đạt 65,6%, cao hơn mức trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (PPC) là 65,5% nhưng thấp hơn so với mức trung bình toàn cầu 69,4% và không có quan ngại nào về an toàn hàng không.

Theo kế hoạch, ICVM tiếp tục được thực hiện vào năm 2020, song sau đó bị hủy do bùng phát đại dịch Covid-19. Chương trình đánh giá kiểm chứng tích hợp (Integrated Validation Activities - IVAs) dự kiến được tổ chức tại Việt Nam vào năm 2020 cũng hoãn lại do dịch bệnh.

USOAP là gì?

Chia sẻ với OpenSky, đại diện của ICAO cho biết USOAP được soạn thảo bởi các quốc gia thành viên nhằm giúp họ ưu tiên các phương thức tiếp cận chiến lược, đảm bảo tiêu chí an toàn trong quy định của ngành hàng không.

Cùng với USOAP, một thỏa thuận chung cho 193 quốc gia thành viên được thiết lập nhằm quy định cụ thể về những thông tin, dữ liệu ICAO có quyền tiết lộ liên quan đến kết quả kiểm tra giám sát theo chương trình USOAP.

Thông qua việc này, ICAO đánh giá việc triển khai hiệu quả các yếu tố quan trọng của hệ thống giám sát an toàn, sau đó tiến hành nhận định một cách có hệ thống và khách quan về sự triển khai đó của quốc gia thành viên.

Đồng thời, ICAO đánh giá thực trạng tuân thủ của quốc gia với các quy định của công ước, các quy định quốc gia, tiêu chuẩn của ICAO, các tiêu chuẩn và khuyến cáo thực hành (Standards And Recommended Practices - SARP), các thủ tục và các thông lệ tốt nhất về an toàn hàng không.

Các cuộc kiểm tra được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn của hoạt động hàng không tại quốc gia được kiểm tra. Thời gian, thời lượng kiểm tra, quy mô và thành phần của các điều kiện kiểm tra được xác định thông qua việc xem xét thông tin do quốc gia đó gửi trên kênh trực tuyến (Online Framework - OFL) ICAO USOAP dựa trên Phương pháp Giám sát Liên tục (Continuous Monitoring Approach CMA).

ICAO kiểm tra thành viên nào?

Tính đến ngày 1/1/2024, ICAO tích cực thực hiện các hoạt động của USOAP tại 187 quốc gia thành viên, tương đương 97% số quốc gia thành viên tham gia chương trình giám sát an toàn.

Ngoài các cuộc kiểm tra USOAP truyền thống, ICAO đã tiến hành Chương trình đánh giá an toàn quốc gia tích hợp (SSPIA) tại 6 quốc gia thành viên gồm Australia, Brazil, Canada, CH Czech, Italy và Singapore.

Những đánh giá này nhằm nâng cao khả năng giám sát an toàn và đảm bảo thực hiện nhất quán các tiêu chuẩn và thông lệ liên quan đến an toàn.

Năm 2023 đánh dấu một cột mốc quan trọng là hoạt động lần thứ 1.000 của USOAP diễn ra tại Nam Phi, tái khẳng định cam kết về an toàn hàng không trên toàn thế giới.

Năm 2024 dự kiến là năm chứng kiến ​​sự tích hợp các hoạt động kiểm tra truyền thống với chương trình an toàn quốc gia (SSP), thúc đẩy sự tiếp cận toàn diện và liên kết hơn nhằm đảm bảo an toàn hàng không trên toàn cầu.

Kiểm tra USOAP tập trung vào các hạng mục nào?

ICAO sử dụng chỉ số thực hiện hiệu quả (Effective Implementation - EI) để xác định mức độ hoàn thiện và hiệu quả của hệ thống giám sát an toàn hàng không của các quốc gia thành viên.

Việc đánh giá sẽ dựa trên 8 yếu tố trọng yếu (Critical Element - CE) gồm:

1. Hệ thống luật về hàng không - CE1

2. Hệ thống các quy định, quy chế hàng không - CE2

3. Hệ thống tổ chức, nguồn nhân lực và thẩm quyền của Nhà chức trách hàng không - CE3

4. Huấn luyện, đào tạo Giám sát viên an toàn theo tiêu chuẩn - CE4

5. Hệ thống quy trình, tài liệu hướng dẫn trong công tác cấp phép, phê chuẩn - CE5

6. Triển khai thực hiện việc cấp phép, phê chuẩn cho các cá nhân và Tổ chức trong Hàng không - CE6

7. Chương trình giám sát các cá nhân, tổ chức hàng không - CE7

8. Các biện pháp khắc phục khuyến cáo an toàn và chế tài đối với các vi phạm trong hoạt động Hàng không - CE8

Trong đó, 5 yếu tố trọng yếu đầu tiên được gọi là 5 yếu tố thiết lập hệ thống giám sát an toàn và 3 yếu tố trọng yếu sau được gọi là việc triển khai thực hiện của hệ thống giám sát an toàn.

ICAO sử dụng 8 yếu tố trọng yếu này để đánh giá mức độ hoàn thiện và tuân thủ các tiêu chuẩn và khuyến cáo thực hành (SARPS) của các quốc gia thành viên. Quốc gia có chỉ số EI càng gần 100% sẽ thể hiện năng lực giám sát an toàn theo đúng, đủ các tiêu chuẩn và khuyến cáo thực hành của ICAO.

img_1544.jpg
8 yếu tố trọng yếu của hệ thống giám sát an toàn của quốc gia. Ảnh: ICAO.

Bộ 8 yếu tố trọng yếu được dùng để đánh giá tất cả các lĩnh vực liên quan đến an toàn hàng không, cụ thể: Hệ thống pháp luật hàng không (LEG); Cơ cấu tổ chức và thẩm quyền của Nhà chức trách hàng không (ORG); Hệ thống cấp phép nhân viên và đào tạo nhân viên hàng không (PEL); An toàn khai thác tàu bay (OPS); Tiêu chuẩn đủ điều kiện bay của tàu bay (AIR); Hệ thống điều tra sự cố tai nạn tàu bay (AIG); Hệ thống quản lý an toàn Cảng hàng không, sân bay (AGA) và hệ thống an toàn quản lý hoạt động bay (ANS).

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
ICAO 'chấm điểm' mức độ an toàn của hàng không Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO