Hiệp hội hàng không quốc tế (IATA) kỳ vọng, các hãng sản xuất máy bay sẽ giao thành công 1.800 chiếc trong năm 2025, qua đó, giúp giảm cải thiện đội máy bay “già cỗi” hiện nay.
Với lượng đơn đặt hàng lên đến 17.000 máy bay đang tồn đọng, IATA nhận định, một số hãng hàng không sẽ phải đợi 14 năm để có máy bay mới.
Trong một báo cáo mới đây, IATA cảnh báo rằng, các vấn đề về chuỗi cung ứng sẽ tiếp diễn và tác động tiêu cực đến hiệu suất của các hãng hàng không vào năm 2025.
Theo IATA, tuổi thọ trung bình của đội bay toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục, từ mức trung bình 13,6 lên 14,8 năm trong năm 2024. Điều này phần nào khiến đội máy bay toàn cầu hoạt động kém hơn trong năm qua.
IATA ước tính, có 1.254 máy bay được giao vào năm 2024, giảm 30% so với dự đoán hồi đầu năm và giảm so với mức đỉnh điểm là 1.800 chiếc vào năm 2018.
Dự kiến, số lượng máy bay được giao đến khách hàng sẽ phục hồi trong năm 2025. Cụ thể, sẽ có khoảng 1.802 máy bay được giao trong năm 2025. Con số này vẫn thấp hơn nhiều so với kỳ vọng trước đó là 2.300 chiếc.
Không chỉ vậy, IATA cũng cảnh báo rằng, “việc điều chỉnh số liệu thấp hơn nữa vào năm 2025 được cho là hoàn toàn có thể xảy ra”.
Tính đến cuối năm 2024, tổng số đơn đặt hàng máy bay còn tồn đọng đã đạt 17.000. Đây là mức cao kỷ lục. Theo IATA, nếu được giao với mức giá hiện tại, một số hãng hàng không sẽ phải đợi 14 năm để có máy bay mới.
Trong khi đó, số lượng máy bay phải nằm trong kho lưu trữ là 14%. Dù đã có sự cải thiện nhưng con số này vẫn cao hơn 4% so với trước đại dịch.
IATA lưu ý rằng, khoảng 700 máy bay, tức 2% tổng lượng máy bay trên toàn cầu, đã phải tạm ngừng bay do việc phải kiểm tra động cơ của Pratt & Whitney PW1100G, còn được gọi là Geared Turbofan (GTF).
Các vấn đề dai dẳng về chuỗi cung ứng “ít nhất là một phần nguyên nhân” khiến hiệu quả sử dụng nhiên liệu không được cải thiện trong năm 2024.
Việc giao máy bay chậm trễ và thiếu phụ tùng bảo dưỡng máy bay cũng sẽ khiến một số hãng hàng không phải cắt giảm lịch bay trong năm 2025.
Willie Walsh, Tổng Giám đốc IATA, cho biết, các vấn đề về chuỗi cung ứng đã khiến các hãng hàng không đối mặt với ba vấn đề lớn, gồm doanh thu, chi phí và hiệu quả môi trường.
Theo Willie, máy bay cũ có chi phí cao hơn, đốt nhiều nhiên liệu hơn và tốn kém hơn để bảo trì. Ngoài ra, giá thuê máy bay đã tăng nhiều khi các hãng hàng không cạnh tranh để mở rộng năng lực đội bay.
Trong khi đó, các vấn đề về chuỗi cung ứng cũng đã ảnh hưởng đến hai hãng sản xuất máy bay lớn của thế giới, cụ thể là Airbus và Boeing.
Vào tháng 6/2024, Airbus đã phải điều chỉnh mục tiêu giao hàng hàng năm 2024 từ 800 chiếc xuống còn 770 chiếc với lý do hãng gặp các vấn đề về nguồn cung.
Đến tháng 11/2024, nhà sản xuất máy bay châu Âu này đã lạc quan hơn, nhưng Guillaume Faury, Giám đốc điều hành của Airbus, vẫn thận trọng về việc giao 770 máy bay vào năm 2024. Đến cuối tháng 11, công ty đã giao 643 máy bay.
Trong khi đó, Boeing, ngoài các vấn đề về chuỗi cung ứng, còn phải giải quyết sai sót lớn về chất lượng dẫn đến việc nổ nắp cửa máy bay giữa không trung của một chiếc Boeing 737 Max 9 thuộc hãng Alaska Airlines hồi đầu năm ngoái.
Ngoài ra, cuộc đình công kéo dài 52 ngày của các thợ máy, bao gồm cả những người làm việc tại các cơ sở lắp ráp của hãng ở Washington cũng khiến hãng gặp khó khăn.
Tính đến cuối tháng 11/2024, Boeing đã giao 318 máy bay. Năm 2023, nhà sản xuất máy bay đã bàn giao 528 máy bay cho khách hàng.
Boeing sẽ bước vào năm 2025 với ban lãnh đạo mới. Trong đó, Kelly Ortberg sẽ thay thế cho David Calhoun ở vị trí Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) mới của Boeing, nắm quyền điều hành công ty.