Ngăn chặn xâm nhập trái phép vào sân bay giúp bảo đảm an ninh, nâng cao niềm tin của công chúng đối với các cảng hàng không.
Máy bay không người lái (Unmanned Aerial Vehicle - UAV) hay drone hiện được sử dụng rộng rãi và phổ biến với nhiều ứng dụng thực tiễn nhằm phục vụ nhu cầu về kinh doanh, thương mại, cứu hộ, khảo sát cũng như giải trí.
Theo Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông), thị trường UAV phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây với dự báo phát triển mạnh mẽ nhất trong giai đoạn 2022-2027. Theo đó là những mối nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn, an ninh, hoạt động bất hợp pháp, tội phạm đòi hỏi yêu cầu phải quản lý và giám sát chặt chẽ hoạt động của thiết bị bay không người lái, đặc biệt trong đảm bảo an toàn, an ninh tại các sự kiện lớn thông qua công tác kiểm soát phổ tần nhằm phát hiện UAV sớm, từ xa.
Ở Việt Nam, Bộ Quốc phòng thống nhất quản lý điều hành, giám sát bay đối với tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ. Trong đó, Cục Tác chiến cấp phép bay, cơ quan Phòng không thuộc các quân khu và Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra khu vực hoạt động, việc chấp hành các quy định về tổ chức bay đối với tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trong vùng trời Việt Nam.
Phát biểu trong phiên thảo luận tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang ngày 27/6 nhấn mạnh hiện các phương tiện bay không người lái đã phổ biến tại nhiều các quốc gia trên thế giới và cả Việt Nam, vì vậy cần phải có những quy định quản lý cụ thể.
Theo Airport World, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) ghi nhận được hơn 100 báo cáo mỗi tháng từ phi công, người dân và cơ quan thực thi pháp luật về việc phát hiện hệ thống máy bay không người lái (Unmanned Aircraft Systems - UAS) hoạt động gần các sân bay.
Điều này nhanh chóng trở thành gánh nặng không chỉ với các nhà điều hành an ninh sân bay Mỹ mà còn trên cả thế giới.
Với những thay đổi chóng mặt trong phát triển công nghệ, người điều khiển nay có thể loại bỏ tín hiệu tần số vô tuyến (RF) trong UAV và chuyển hoạt động điều hướng máy bay bằng các điểm tham chiếu hoặc tần số di động. Do đó, UAV ngay cả những loại nhỏ nhất, rẻ nhất cũng có khả năng gây ra thiệt hại nghiêm trọng tại các sân bay nơi công nghệ RF là lớp phát hiện duy nhất.
Những nguy cơ an ninh tiềm ẩn từ UAV bao gồm gây gián đoạn lịch trình bay, hoạt động trên mặt đất, mất an toàn bay, hư hỏng tàu bay, hạ cánh khẩn cấp. Thậm chí hoạt động bay UAV không kiểm soát có thể gây ra những sự cố thảm khốc, gây thiệt hại lớn cho các sân bay về doanh thu, hậu cần, cũng như khiến khách hàng mất niềm tin.
Hiện tại, việc phân biệt giữa các hoạt động bay không người lái an toàn và rủi ro gần như không thể đối với nhà điều hành an ninh sân bay. Trạng thái cảnh giác cao độ này, cộng với việc thiếu thông tin cụ thể về hoạt động của máy bay không người lái, làm tăng thêm sự lo lắng đối với các đơn vị quản lý cảng hàng không.
Các nhà điều hành an toàn cảng hàng không nhận thức được rằng đây là nơi có môi trường tín hiệu phức tạp, ồn ào và nhạy cảm đặc biệt, đòi hỏi cách tiếp cận nhiều mặt để đảm bảo hoạt động an toàn và hiệu quả.
Điều này bao gồm việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định quản lý lịch bay, quy trình vận hành, các quy định về tiếng ồn và môi trường, đồng thời duy trì sự giám sát thận trọng, 24/7 đối với mọi mối đe dọa an ninh.
Là một phần của phương pháp tiếp cận an ninh nhiều lớp, hầu hết sân bay hiện nay đều có hệ thống phát hiện xâm nhập vành đai (Perimeter Intrusion Detection System - PIDS). Hệ thống này sử dụng công nghệ cảm biến sợi quang học khiến hàng rào nhạy cảm với áp lực, giúp phát hiện nhanh hơn mọi cuộc xâm nhập.
PIDS không bị ảnh hưởng bởi sóng radio hoặc điện từ và nó cũng sẽ phân biệt được nhiễu gây ra bởi thời tiết hoặc động vật hoang dã, do đó làm giảm khả năng báo động sai, cung cấp các cập nhật theo thời gian thực vào nền tảng chỉ huy và kiểm soát.
Hệ thống này cho đến nay là thành phần quan trọng nhất của hệ thống an ninh, vì nó đóng vai trò là “tai mắt” của các nhà điều hành an ninh sân bay.
Tuy nhiên, an ninh sân bay chỉ tốt khi nền tảng chỉ huy và kiểm soát an ninh nhận được đầy đủ thông tin và dữ liệu. Khi tính đến điều này, làm thế nào các giải pháp chỉ huy và kiểm soát hiện đại có thể ghi nhận chính xác thời điểm xuất hiện của UAV, đặc biệt các loại không bị phát hiện bởi cảm biến truyền thống?
Câu trả lời là việc tích hợp radar có thể cung cấp độ chính xác của dữ liệu giúp nâng cao các giải pháp đa cảm biến hiện có, đồng thời lấp đầy những lỗ hổng trong khả năng phát hiện UAV.
Công nghệ RF hiện đang là giải pháp phổ biến để phát hiện máy bay không người lái. Tuy nhiên, do ngành công nghiệp UAV đã mở rộng nhanh chóng, một số máy bay không người lái được tinh chỉnh để vô hình trước RF.
Vì vậy, radar là lựa chọn cần thiết để giám sát không phận liên tục, toàn diện, vì cảm biến này có thể phát hiện mọi thứ trong tầm hoạt động của nó.
Radar hoạt động như một công cụ phát hiện hiệu quả suốt ngày đêm, bất kể điều kiện thời tiết. Nhiều hệ thống an ninh phụ thuộc vào camera để xác định các mối đe dọa. Song hiệu suất của chúng có thể giảm đáng kể trong điều kiện thời tiết xấu hoặc trong điều kiện ánh sáng yếu.
Bằng cách sử dụng sóng điện từ, hệ thống radar có thể xác định chính xác các mối đe dọa trên mặt đất và trên không, ngay cả trong thời tiết khó khăn, tình huống ánh sáng yếu hoặc khi đối mặt với các tình huống có độ tương phản thấp. Do đó, các hệ thống an ninh sân bay cần tích hợp radar vào hệ thống để tăng cường cảm biến, đáp ứng yêu cầu nhận thức đầy đủ về tình huống cả trên không và trên mặt đất.
Sự ra đời của thiết bị bay không người lái thể hiện một mối đe dọa phức tạp, ngày càng gia tăng đối với an ninh sân bay, đòi hỏi một cách tiếp cận đa diện và thích ứng. Tương lai của an ninh sân bay nằm ở việc phát triển và triển khai các giải pháp ngăn chặn xâm nhập của máy bay không người lái toàn diện, đa tầng, cung cấp nhận thức đầy đủ về tình huống về các mối đe dọa trên mặt đất và trên không.
Việc tận dụng các công nghệ tiên tiến như radar cùng với nhiều cảm biến đã được thử nghiệm và xác thực ở nhiều nơi. Các sân bay không chỉ có thể tăng cường phản ứng tức thời trước các mối đe dọa an ninh mà còn thích ứng với bối cảnh phát triển của công nghệ và quy định về thiết bị không người lái.
Chiến lược này sẽ rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho hành khách và nhân viên cảng hàng không, đồng thời duy trì niềm tin của công chúng vào khả năng phục hồi của cơ sở hạ tầng sân bay quan trọng trước các mối đe dọa tiềm tàng.