tạp chí bầu trời

HH DN Hàng không VN phúc đáp VCCI về hoạt động, sản xuất KD của các DN Hàng Không trong bối cảnh dịch COVID-19

Phúc đáp công văn số 1482/PTM-KHTN ngày 17/9/2021 của VCCI, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) có ý kiến đối với các kiến nghị của VCCI.

Tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hàng không trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Đợt bùng phát của đại dịch Covid 19 trên toàn thế giới, mà tác nhân chính là biến thể Delta gây ra đã đặt thế giới vào tương lai bất định. Hiệp hội vận tải hàng không thế giới (IATA) mới đây đã phải thừa nhận: “Tổn thất tưởng sẽ giảm từ cuối năm 2020 nhưng năm nay thiệt hại do khủng hoảng lại đang tăng lên”.

Năm 2020, ngành hàng không thế giới bị lỗ 126 tỷ USD. Tháng 4 năm nay, IATA tính rằng năm 2021 có khoảng 2,4 tỷ người trên thế giới đi du lịch bằng đường hàng không, giảm 2,1 tỷ người người so với năm 2019. Điều này khiến các hãng hàng không sẽ lỗ ròng 47,7 tỷ đô la vào năm 2021 với tỷ suất lợi nhuận ròng là âm 10,4%. Tuy nhiên, với đợt bùng phát dịch này, ngành du lịch và hàng không sẽ còn thiệt hại nặng nề hơn.

Ở nước ta, đợt bùng phát dịch lần thứ ba và thứ tư rơi vào mùa bay cao điểm Tết cổ truyền và mùa du lịch Hè 2021 đã khiến doanh thu giảm trên 90% so với cùng kỳ. Từ đầu tháng 5 đến nay, gần 100% chuyến bay chở khách trong nước và quốc tế đã bị đóng băng. Doanh thu năm 2020 của các hãng hàng không Việt Nam giảm trên 60%, dự ước năm nay tiếp tục giảm so với năm 2020 và năm nay lỗ sẽ lớn hơn khoản lỗ 16.000 tỷ đồng năm 2020. Số tiền nộp ngân sách năm 2020 sẽ bị giảm khoảng 10.000 tỷ đồng. 

Trong khi đó mỗi tháng các hãng vẫn phải chi trên 100 tỷ đồng để trả tiền thuê máy bay, trả vay ngân hàng, trả cho đối tác cung cấp dịch vụ đầu vào, duy tu bảo dưỡng và trả lương cho nhân viên. Nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của Vietnam Airlines (VNA), Vietjet và Bamboo hiện đã lên tới trên 40.000 tỷ đồng. Dòng tiền hoạt động của các hãng bị thiếu hụt nghiêm trọng.

 Các doanh nghiệp dịch vụ kỹ thuật ,dịch vụ thương mại, công nghiệp phù trợ, sản xuất suất ăn hàng không, đào tạo và logictic liên quan lĩnh vực hàng không cũng bị ảnh hưởng . Tình trạng chung là doanh thu giảm nhiều, phải ngừng việc,giảm việc và phát sinh chi phí thường xuyên như thuê mặt bằng,trả lương,.... Nhiều  Doanh nghiệp phải duy trì lực lượng lao động khoảng 20%, chờ việc 80% trong suốt thời gian dịch. Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không đã cùng các hãng và các chuyên gia kinh tế, tài chính… đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ hàng không đến các bộ, ngành. Tuy nhiên, nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết, vốn hỗ trợ cho hàng không trong nước còn rất khiêm tốn so với thiệt hại và nhu cầu của các doanh nghiệp.

Mặt khác, dù gặp khó khăn vì đại dịch Covid 19 nhưng hàng không là điểm sáng phòng, chống dịch, đóng góp tích cực trong việc kích cầu du lịch, giải cứu công dân, an sinh xã hội, chuyên chở y, bác sỹ và lực lượng phòng chống dịch, chở miễn phí vaccine, thiết bị y tế,… Thực tế qua 18 tháng đại dịch Covid 19 cho thấy khả năng ứng phó với đại dịch của hãng hàng không và các doanh nghiệp thuộc VABA mang tính chủ động  và luôn sẵn sàng cất cánh,chờ cơ hội phục hồi và phát triển.

Các chuyên gia kinh tế nhận định hàng không có triển vọng phục hồi nhanh sau dịch, Tỷ lệ người dân Việt Nam sử dụng máy bay để di chuyển vẫn còn thấp, dư địa phát triển của thị trường hàng không Việt Nam còn  lớn, triển vọng đóng góp, hỗ trợ trở lại cho ngân sách, cho nền kinh tế của các hãng hàng không còn nhiều. Hiệp hội vận tải  hàng không thế giới vẫn nhận định Việt Nam là thị trường có cơ hội phục hồi nhanh trong khu vực và thế giới. 

Một số khó khăn ,thách thức.

  Với đặc thù chi phí đầu tư, vận hành rất lớn (năm 2019, trung bình mỗi ngày Vietnam Airlines chi hết 268 tỷ đồng, Vietjet chi hết 128 tỷ đồng), trong khi dịch Covid-19 khiến nguồn thu sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của việc thực hiện giãn cách xã hội đã đẩy nhiều hãng hàng không vào tình thế khó khăn, kiệt quệ về tài chính. Nguồn thu giảm mạnh nhưng chi thường xuyên của các hãng vẫn rất lớn, như chi trả tiền thuê, mua tàu bay; trả nợ, lãi ngân hàng; chi bảo hiểm; bảo dưỡng; chi trả lương.... Các chuyên gia kinh tế, tài chính cảnh báo nếu không được Nhà nước quan tâm hỗ trợ, các hãng hàng không sẽ gặp nhiều khó khăn, bất lợi, thậm chí có hãng bay sẽ bị phá sản. Chi phí phá sản của các hãng hàng không là rất lớn, có thể gây nhiều hệ luỵ kinh tế như làm mất thương hiệu, hình ảnh ngành hàng không nói riêng và quốc gia nói chung; đứt gãy mạng lưới đường bay trong nước và quốc tế; phát sinh hàng loạt các vấn đề về tài sản, nợ đọng ngân hàng, chế độ cho người lao động và ảnh hưởng dây chuyền tới các doanh nghiệp trong hệ sinh thái như du lịch, xăng dầu, cảng hàng không, điều hành bay, lưu trú - ăn uống, thương mại, dịch vụ…

 Thị trường bay quốc tế vẫn đóng băng, thị trường bay bay nội địa đang từng bước nối lại. Tuy nhiên, những rào cản về quy định vận chuyển, hộ chiếu vắc xin, kiểm dịch chưa được thống nhất, chưa sớm được thừa nhận sẽ là rào cản làm chậm tiến trình hoạt động trở lại của các Doanh nghiệp vận tải Hàng không.

 Kiến nghị, đề xuất phương án hỗ trợ:

  Nguyên tắc hỗ trợ: Hỗ trợ Hàng không là một khoản đầu tư, nuôi dưỡng nguồn thu trong trung - dài hạn.  Hỗ trợ hàng không cần bảo đảm mục tiêu kép: Vừa hỗ trợ các hãng hàng không phục hồi và phát triển, vừa bảo toàn, cân đối nguồn ngân sách… Trên cơ sở đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam đề nghị:

 Về chính sách với ngành hàng không

 Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành liên quan đàm phán công nhận hộ chiếu vaccine với các quốc gia kết nối đường bay với Việt Nam, đồng thời giảm chi phí xét nghiệm, giảm thời gian cách ly đối với khách quốc tế; cho phép các địa phương được chủ động xây dựng và áp dụng vùng, hành lang du lịch an toàn đối với khách du lịch quốc tế. Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu, ban hành quy định cho phép những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, tiêm 1 mũi vaccine, được sớm đi lại, làm việc (nhưng phải tuân thủ 5K và quy chế kiểm soát dịch bệnh).

 Xã hội hóa sâu, việc đầu tư  xây dựng, khai thác hạ tầng hàng không, thu hút nguồn vốn để đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác cảng hàng không, ưu tiên vốn ngân sách cho các công trình, dự án quan trọng, nâng cao chất lượng phục vụ và giảm giá dịch vụ liên quan đến hạ tầng hàng không.  

 Nâng cao năng lực điều hành cất hạ cánh ở Tân Sơn Nhất và Nội Bài lên gấp 1,5 lần vào năm 2022 so với hiện nay.

Về chính sách nguồn vốn

  Đề nghi Chính phủ và Quốc hội xem xét, cho phép các hãng hàng không khác vay lãi suất 0% như đã thực hiện với VNA (gói 4.000 tỷ vay tối đa 3 năm). Mục đích là nhằm bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng và giúp hãng hàng không giải quyết thanh khoản. Số vay cụ thể căn cứ vào nhu cầu của từng hãng, căn cứ vào quy mô, thị phần, đóng góp cho ngân sách trong thời gian qua và khả năng đáp ứng của ngân sách.

   Đề nghị Chính phủ phê duyệt gói vay 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất cho các hãng hàng không như đề xuất từ tháng 11/2020 của Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không việt Nam. Mục đích là nhằm giúp các hãng chi thường xuyên, mua sắm vật tư thiết bị, thực hiện các chương trình dự án, bảo trì và duy trì hoạt động trong thời gian chưa đạt miễn dịch cộng đồng.

Chính sách về thuế, phí

 Đề nghị Chính phủ và Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết giảm 70% thuế bảo vệ môi trường cho các hãng hàng không. Mức giảm 30% như hiện nay con thấp so với thiệt hại thiệt hại của các Hãng hàng không và chưa phát huy tác dụng do hầu hết các chuyến bay chở khách trong nước và quốc tế đã bị ngưng. Do vậy, đề nghị cho phép áp dụng mức giảm 70% thuế từ 3.000 đồng/lít Jet A1 xuống còn gần 1.000 VND/lít cho các hãng hàng không từ nay đến đến 30/6 năm 2022. 

 Đề nghị giảm từ 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các hãng hàng không trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, giảm từ 50% thuế VAT và thuế thu nhập cá nhân nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, giãn thời gian nộp Bảo hiểm xã hội đến hết năm 2022 để hỗ trợ cho người lao động, giảm từ 50% thuế nhập khẩu phụ tùng sửa chữa máy bay.

 Các Hãng hàng không đề nghị về mức phí, khung giá hỗ trợ theo Thông tư của Bộ GTVT cơ bản nhất trí về mức hỗ trợ, đề nghị  kéo dài thời gian, cho phép áp dụng đến 30/6 năm 2022. Đồng thời, giảm 50% phí dịch vụ tại nhà ga cho khách bay để góp phần kích cầu bay đi du lịch.

PV

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận