Giới chức Anh và nhiều hành khách đang kêu gọi mở cuộc điều tra không chỉ về nguyên nhân vụ hỏa hoạn, mà còn về lý do vì sao đám cháy lại có thể gây gián đoạn nghiêm trọng các hoạt động tại sân bay Heathrow của nước Anh, một trong các sân bay tấp nập nhất thế giới.
Theo New York Times, các nhà điều tra đã rà soát toàn thể hiện trường vụ cháy nhằm xác định nguyên nhân gây ra vụ hỏa hoạn nghiêm trọng khiến sân bay Heathrow, trung tâm hàng không nhộn nhịp nhất nước Anh và thế giới, phải tê liệt suốt gần một ngày. Vụ việc cũng làm dấy lên nhiều câu hỏi lớn hơn về hệ thống cơ sở tại hạ tầng của sân bay Heathrow.
Theo giới chức và chuyên gia năng lượng Anh, một sự cố tại trạm biến áp, thiết bị dẫn dòng điện lên tới 275.000 volt, có thể là nguyên nhân châm ngòi cho vụ cháy. Hệ thống dự phòng được thiết kế để khôi phục nguồn điện đã không phát huy tác dụng vì phạm vi đám cháy quá lớn. Và cho đến tận thời điểm này, khi hoạt động của sân bay Heathrow đã được nối lại, nhưng nguyên nhân chính xác gây ra sự cố kỹ thuật này vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Bộ trưởng Năng lượng Anh Ed Miliband cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Sky News rằng vụ cháy tại trạm biến áp điện không chỉ làm tê liệt sân bay Heathrow mà còn vô hiệu hóa ít nhất một trong những hệ thống dự phòng chính, vốn được thiết kế để đảm bảo nguồn điện không bị gián đoạn.
“Đã có máy phát điện dự phòng, nhưng thiết bị này cũng bị ảnh hưởng bởi đám cháy. Điều đó cho thấy mức độ bất thường và chưa từng có tiền lệ của sự cố lần này,” ông Miliband nói.
Theo các chuyên gia, các máy biến áp có chức năng chuyển đổi dòng điện từ điện áp này sang điện áp khác, và thường được bơm đầy dầu, vừa để cách điện vừa để làm mát. Loại dầu sử dụng có thể chịu được nhiệt độ cao, nhưng nếu vượt ngưỡng, chúng vẫn có thể bắt lửa và gây cháy.
Cảnh sát London cho biết lực lượng chống khủng bố đã tiếp nhận cuộc điều tra, “xem xét vị trí của trạm biến áp và mức độ ảnh hưởng của vụ việc đối với cơ sở hạ tầng trọng yếu quốc gia này.” Tuy nhiên, giới chức Anh và chuyên gia trong ngành đều cho rằng khả năng cao đây chỉ là một tai nạn kỹ thuật.
Hiện cũng có những giả thuyết được đặt ra khiến người dân Anh và du khách quốc tế bị lung lay niềm tin vào sự an toàn của sân bay Heathrow.
Giả sử như nếu có một thế lực thù địch nào đó cố tính gây gián đoạn các hoạt động di chuyển toàn cầu bằng cách châm ngòi từ một vụ cháy thì điều này đặt ra mối lo ngại mới về khả năng đảm bảo an toàn trước những hình thức tấn công phi truyền thống của các quốc gia cởi mở như Anh.
Hay một giải thuyết khác cho rằng nguyên nhân vụ cháy có thể bắt nguồn từ một điểm yếu chưa được phát hiện trong hạ tầng cơ sở lưới điện quốc gia Anh. Vậy thì, mức độ hỗn loạn mà sự cố này gây ra có thể làm xói mòn niềm tin vào năng lực của chính phủ trong việc khắc phục hệ thống đang xuống cấp, nhất là trong bối cảnh ngân sách đang bị thắt chặt.
Thủ tướng Anh Keir Starmer cùng Thị trưởng London Sadiq Khan đã lên tiếng trấn an người dân và du khách sau sự cố.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Sky News, ông Sadiq Khan cho biết mặc dù lực lượng chống khủng bố đang tham gia điều tra, nhưng “không có lý do gì để người dân lo lắng hay hoảng sợ lúc này cả.”
Cảnh sát London hiện cũng hạ thấp khả năng đây là một hành vi phá hoại, đồng thời nhấn mạnh sau các đánh giá ban đầu, vụ việc “không bị coi là đáng ngờ”, dù cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành.
Dù Thủ tướng Keir Starmer và Thị trưởng London Sadiq Khan đã lên tiếng trấn an dư luận, song hành khách và cư dân sống xung quanh khu vực sân bay vẫn đặt ra rất nhiều câu hỏi cần được các cơ quan chức năng làm rõ.
Vì sao sân bay Heathrow, một sân bay lớn như vậy lại không có hệ thống điện dự phòng đủ mạnh? Liệu công ty điện lực đã từng lường trước khả năng xảy ra một vụ cháy như thế này chưa, dù là do phá hoại hay trục trặc kỹ thuật? Các sân bay lớn thường có hệ thống dự phòng đủ mạnh để vận hành toàn bộ hoạt động hay chỉ phụ thuộc vào một nguồn điện chính?
Ông John McDonnell, nghị sĩ đại diện khu vực Hayes, nơi xảy ra vụ cháy, cho biết bất kỳ cuộc điều tra nào sắp tới cũng cần làm rõ “vì sao các phương án dự phòng lại không hoạt động.”
“Chúng ta cần rút ra những bài học từ sự cố này,” ông McDonnel nói với báo giới.
Phản ứng về vấn đề này, Tập đoàn Điện lực quốc gia Anh (National Grid) cho biết họ đã kiểm tra trạm biến áp North Hyde, nơi xảy ra hỏa hoạn, nhằm khôi phục tạm thời nguồn điện cho sân bay và khu dân cư lân cận. Tuy nhiên, đây chỉ là “giải pháp tạm thời” trong khi chờ công tác sửa chữa. National Grid từ chối trả lời các yêu cầu cung cấp thêm thông tin về sự cố này.
Theo các chuyên gia, máy biến áp tại trạm điện gần sân bay Heathrow khi xảy ra sự cố đang thực hiện việc chuyển đổi dòng điện từ 275.000volt xuống 66.000volt. Phó chỉ huy Lực lượng cứu hỏa London, ông Jonathan Smith cho biết đám cháy liên quan đến “một máy biến áp chứa 25.000 lít dầu làm mát, đã bốc cháy hoàn toàn” tại hiện trường.
Việc ít nhất một hệ thống dự phòng không thể nhanh chóng khôi phục nguồn điện sau sự cố mất điện nghiêm trọng đang trở thành tâm điểm chất vấn về độ tin cậy của cơ sở hạ tầng tại Anh, đặc biệt khi cố khiến sân bay Heathrow buộc phải tạm ngừng hoạt động.
Ủy ban Cơ sở hạ tầng quốc gia Anh (NIC), cơ quan tư vấn chính sách hạ tầng cho chính phủ, nhấn mạnh rằng vụ cháy là hồi chuông cảnh tỉnh về sự cần thiết phải nâng cao khả năng ứng phó với các sự cố bất ngờ. Các đơn vị vận hành cần chủ động xây dựng hệ thống có khả năng chống chịu và tiến hành kiểm tra thường xuyên.
“Chúng tôi luôn khẳng định rằng nước Anh cần có những tiêu chuẩn quốc gia về khả năng chống chịu đối với các hệ thống giao thông, số hóa, năng lượng và nước. Các tiêu chuẩn này giúp các đơn vị vận hành và người dân hiểu rõ chất lượng dịch vụ mà họ có thể kỳ vọng khi gặp sự cố gián đoạn ngắn hay dài, đồng thời cung cấp cơ sở rõ ràng để các cơ quan quản lý đảm bảo rằng việc đầu tư vào khả năng chống chịu của cơ sở tầng cần đầy đủ.” ông John Armitt, Chủ tịch NIC nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Willie Walsh – Tổng giám đốc Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) đặt câu hỏi rằng: “Làm sao một cơ sở hạ tầng trọng yếu mang tầm quốc gia và toàn cầu lại có thể hoàn toàn phụ thuộc vào một nguồn điện duy nhất mà không có phương án thay thế?”
Trong tuyên bố mới nhất, sân bay Heathrow cho biết cơ sở này “có nhiều nguồn cung cấp năng lượng,” nhưng không có nguồn dự phòng nào đủ mạnh để vận hành toàn bộ sân bay, nơi “tiêu thụ lượng điện tương đương một thành phố nhỏ.”
Theo đó, các máy phát điện diesel dự phòng và hệ thống cung cấp điện không gián đoạn (UPS) đã được kích hoạt, giúp máy bay có thể hạ cánh và hành khách xuống tàu bay an toàn. Tuy nhiên, những hệ thống này không đủ để đảm bảo sân bay hoạt động bình thường.
Ông Simon Gallagher, Giám đốc điều hành của U.K. Networks Services, công ty tư vấn về khả năng chống chịu của hệ thống điện, nhận định rằng trạm biến áp gần Heathrow vốn được thiết kế với phương án dự phòng kèm theo, tức là nếu một máy biến áp gặp trục trặc thì máy thứ hai sẽ tự động tiếp nhận nhiệm vụ.
“Về cơ bản, chúng tôi thiết kế hệ thống sao cho một phần có thể hỏng mà toàn bộ vẫn tiếp tục vận hành. Thế nhưng một loạt yếu tố đã trục trặc cùng lúc, khiến ngọn lửa lan nhanh ngay cả khi khởi động hệ thống phòng chống cháy nổ, gây hư hại cho cả hai máy biến áp. Đây là điều cực kỳ bất thường” ông Simon Gallagher nói.
Ông Gallagher cho rằng các hệ thống phát điện khẩn cấp mà sân bay Heathrow nhắc đến thực chất chỉ đủ để duy trì hoạt động của đèn đường băng và tháp điều khiển trong những tình huống như vụ cháy vừa qua. Theo ước tính của ông, để duy trì toàn bộ hoạt động, Heathrow sẽ cần ít nhất 20 máy phát điện diesel cỡ lớn, mỗi chiếc có kích thước tương đương một container 12.19200m và công suất một megawatt.
Thế nhưng, Heathrow hiện không sở hữu hệ thống như vậy. Nếu có, nó có thể duy trì toàn bộ nguồn điện cho sân bay trong khoảng 6 giờ trước khi phải tiếp nhiên liệu. Ông Gallagher bổ sung rằng, các cơ sở hạ tầng như Heathrow cần đầu tư vào các hệ thống máy phát dự phòng quy mô lớn để đảm bảo duy trì điện năng trong trường hợp khẩn cấp.
Dù hoạt động tại sân bay Heathrow hiện đã dần được khôi phục với các chuyến bay bắt đầu hạ cánh cất trở lại, nhưng cảm giác hoang mang, mất mát niềm tin vẫn bao trùm không chỉ với hành khách mà cả giới chuyên môn.