Quốc tế

Hãng máy bay Brazil tham vọng cạnh tranh Boeing, Airbus

Việt Anh 15/05/2024 09:43

Vòng xoáy khủng hoảng của Boeing đang tạo cơ hội cho sự vươn mình của một thương hiệu mới, được kỳ vọng sẽ phá vỡ thế thống trị của hai ông lớn sản xuất máy bay dân dụng thế giới.

Embraer hiện là hãng sản xuất máy bay dân dụng lớn thứ 3 thế giới, chí sau Boeing và Airbus. Ảnh: Reuters.
Embraer hiện là hãng sản xuất máy bay dân dụng lớn thứ 3 thế giới, chí sau Boeing và Airbus. Ảnh: Reuters.

Tuần trước, Wall Street Journal đưa tin hãng máy bay Embraer đang lên kế hoạch cho việc ra mắt một dòng máy bay phản lực thân hẹp thế hệ mới, với cấu tạo và công năng tương tự các dòng máy bay A320neo của Airbus và 737 Max của Boeing.

Nếu là sự thật, đây sẽ là nỗ lực đầu tiên của hãng sản xuất máy đến từ Brazil trong việc cạnh tranh trực diện với hai gã khổng lồ đang chiếm tới 3/4 thị phần máy bay chở khách trên 130 chỗ ngồi của thế giới.

Dù Embraer chưa lên tiếng xác nhận thông tin trên, vẫn có nhiều dấu hiệu khác cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ từ “ngôi sao mới nổi” của ngành sản xuất máy bay chở khách này.

Ngày 2/5, hãng vừa bàn giao phi cơ số hiệu E190-E2 - chiếc máy bay dòng E thứ 1.800 - cho Hãng hàng không Hoàng gia Jordan. Chỉ 5 ngày sau, hãng bay Scoot (Singapore) cũng đã bổ sung vào đội bay của mình một chiếc E190-E2, được xem là máy bay phản lực một lối đi yên tĩnh và tiết kiệm nhiên liệu nhất trên thị trường.

Ngay cả ở Mỹ - sân nhà của Boeing, United Airlines hôm 26/3 đã công bố việc tân trang phi đội Embraer E175 để mở rộng tới 80% không gian chứa hành lý trên các máy bay được hãng hợp tác khai thác với Skywest - hiện là nhà khai thác E175 lớn nhất thế giới.

American Airlines còn công bố đã mua tới 90 chiếc E175, không che giấu mục tiêu chuyển sang dùng máy bay của Embraer vào cuối thập kỷ này. Robert Isom, Giám đốc điều hành của American Airlines, đã dành những lời có cánh cho Embraer, đồng thời nhắn gửi các hãng sản xuất máy bay khác, trong đó có Boeing, cần phải “học hỏi nhiều điều từ họ”.

Vậy, điều gì đã khiến một kẻ "ngoại đạo" như Embraer tham vọng chinh phục cả những thị trường và khách hàng khó tính nhất?

"Quốc bảo" của Brazil

Trên bản đồ hàng không thế giới, Embraer có thể còn là một cái tên xa lạ. Song đối người dân Brazil, Embraer là một niềm tự hào mang tầm quốc gia, là bảo chứng về sự đầu tư phát triển tốt vào ngành hàng không của quốc gia Nam Mỹ này trong hơn 80 năm qua.

Embraer được chính phủ Brazil thành lập vào năm 1969, có trụ sở chính tại thành phố São José dos Campos, bang São Paulo. Tên gọi của hãng là từ viết tắt của Tập đoàn Hàng không Brazil (Empresa Brasileira de Aeronáutica).

240507170255-03-embraer-profile-archival.jpg
EMB 110 Bandeirante - dòng máy bay nội địa đầu tiên của Brazil do Embraer sản xuất. Ảnh: Embraer.

Năm 1972, Embraer ra mắt máy chiếc EMB 110 Bandeirante - loại máy bay đầu tiên của hãng và cũng là dòng máy bay nội địa đầu tiên ở Brazil. Nhờ kích cỡ nhỏ với chỉ 15-21 chỗ ngồi, phù hợp với cả mục đích bay thương mại lẫn vận tải quân sự, EMB 110 Bandeirante nhanh chóng được ưa chuộng và sử dụng phổ biến bởi mọi tầng lớp khắp Brazil, từ quan chức chính phủ cho đến các doanh nghiệp tư nhân.

Năm 1994, Embraer được tư nhân hóa và trở thành hãng xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao lớn nhất ở khu vực Nam bán cầu, đồng thời là nhà sản xuất máy bay thương mại lớn thứ ba trên thế giới, chỉ sau Boeing và Airbus.

Công ty bắt đầu gặt hái thành công ở thị trường châu Âu khi lấn sân sang lĩnh vực máy bay phản lực, với các dòng ERJ130/5 và ERJ140/5 có sức chứa 30-50 hành khách cùng phạm vi bay lên tới 3.700 km. Hơn 1.200 chiếc ERJ với những phiên bản khác nhau đã được Embraer bán riêng cho thị trường châu Âu.

Tiếp đà thành công, Embraer quyết định gia nhập thị trường máy bay cỡ lớn hơn với dòng E-Jet. Chúng một lần nữa được đón nhận trên toàn cầu khi được đánh giá là phương tiện kinh tế, nhanh chóng và đáng tin cậy trên các tuyến bay ngắn.

Các dòng máy bay E170/175 hay E190/195 vẫn là sự lựa chọn lý tưởng cho các hãng hàng không chuyên khai thác các chặng bay liên thành phố ở châu Âu và khu vực Bắc Mỹ.

Biết người, biết ta

Theo Robert van der Linden, giám tuyển khu trưng bày vận tải hàng không tại Bảo tàng Hàng không Quốc gia (Mỹ), sự thành công của Embraer trước hết đến từ tầm nhìn của chính phủ Brazil.

71187314_sao-paulo-sp07-12-1994empresaempresa-estatalprivatizacaoembraerleilao.jpg
Ozires Silva (đứng giữa), người sáng lập Embraer, tham dự buổi đấu giá công ty tại Sở giao dịch chứng khoán São Paulo, đánh dấu việc tư nhân hóa Embraer vào năm 1994. Ảnh: Agência O Globo.

Năm 1941, chính phủ Brazil dưới thời Tổng thống Getulio Vargas thành lập Bộ Hàng không, với mục đích phát triển, mở rộng và điều phối các hoạt động kinh tế và kỹ thuật của ngành hàng không quốc gia. Thời điểm đó, Brazil cũng đã sở hữu một số hãng hàng không như Varig và Serviços Aéreos Cruzeiro do Sul.

Trong thập kỷ tiếp theo, quốc gia này tiếp tục lập ra Viện Công nghệ Hàng không. Đây là nơi chàng sinh viên trẻ Ozires Silva đã vạch ra những ý tưởng thiết kế đầu tiên của máy bay Bandeirante. Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư hàng không, chính vị doanh nhân trẻ nhiều hoài bão Ozires Silva đã đặt những nền móng đầu tiên để tạo dựng đế chế Embraer như hiện tại.

Còn đối với nhà sử học hàng không Mario Overall - thành viên của Hiệp hội lịch sử hàng không Mỹ-Latin, thành công ở mức độ toàn cầu của Embraer đến từ danh mục đầu tư đa dạng (hãng vẫn duy trì sản xuất các dòng máy bay cả quân sự lẫn tư nhân) cho đến thiết kế, chiến lược xuất khẩu và nguồn cung gia công bên ngoài giúp giảm thiểu chi phí sản xuất.

Alvaro Romero, nhà sử học hàng không người Chile, nhận định việc một tân binh như Embraer tham vọng lọt top 3 hãng sản xuất máy bay phản ánh chiến lược “biết mình biết ta” của ban lãnh đạo công ty. “Họ rất khôn ngoan khi chưa chọn đối đầu trực tiếp với Boeing và Airbus. Nếu cố chen chân vào thế độc quyền của hai hãng kia, bạn rất có thể bị đè bẹp”, vị này cho hay.

240508093053-07-embraer-profile.jpg
Embraer đang nắm bắt rất tốt việc khai thác thị trường các chặng bay ngắn, trọng tải nhỏ. Ảnh: Embraer.

Trước đó, hãng máy bay Bombardier của Canada, được xem là một trong những đối thủ ngang cơ với Embraer, từng thử làm điều đó và đã thất bại nặng nề, dẫn đến việc hãng phải bán mảng sản xuất dân dụng cho Airbus vào năm 2020.

Trong khi đó, các chặng bay quãng ngắn ở cấp độ khu vực vẫn là một mảnh đất màu mỡ để khai thác, cũng rất phù hợp cho các dòng máy bay phản lực của Embraer. “Máy bay chở khách ở các chặng bay cấp khu vực chỉ cần đáp ứng tải trọng từ 35 đến gần 150 hành khách, và Embraer đã nắm bắt thị trường này rất tốt”, ông Romero nói thêm.

Dục tốc bất đạt

Những thành quả đã đạt được đang mở ra một tương lai đầy hứa hẹn đối với Embraer. Dù vậy, ban lãnh đạo công ty vẫn khẳng định còn quá sớm để biến cuộc đua “Big 2” trên bầu trời thành “Big 3”.

Để làm được điều này đòi hỏi phải có loại máy bay mới, đủ lớn để cạnh tranh với các dòng 737 Max của Boeing và A320 của Airbus. Hiện tại, máy bay lớn nhất của Embraer chỉ chở được tối đa 146 hành khách, so với mức tối thiểu 172 hành khách của 737 Max.

Chia sẻ với CNN, Rodrigo Silva e Souza, Phó Giám đốc phụ trách tiếp thị của Embraer, nhận định việc thiết kế, vận hành và phổ biến một dòng máy bay hoàn toàn mới phải mất ít nhất 10 năm. Trong thời gian đó, mọi thứ đều có thể chuyển biến theo hướng hoàn toàn khác.

“Bạn không thể tự ra quyết định về việc chế tạo một chiếc máy bay hoàn toàn mới và chuẩn bị sẵn sàng cho nó ngay trong năm tới”, ông Souza cho biết. “Dù chúng tôi tự tin vào khả năng của mình, nhưng việc đưa ra quyết định dựa vào tình hình hiện tại đối với một sản phẩm sẽ ra đời sau 10 năm nữa là điều rất khác”, vị này nhận định.

240506225753-01-embraer-profile-assembly.jpg
Trọng tâm hiện tại của Embraer vẫn là đầu tư vào các dự án máy bay sử dụng nhiên liệu bền vững. Ảnh: Embraer.

Cũng theo phó giám đốc của Embraer, trọng tâm hiện tại của công ty sẽ là đầu tư vào Energia - dự án có mục tiêu phát triển dòng máy bay điện hybrid 30 chỗ vào năm 2030, đồng thời cắt giảm 30% lượng khí thải carbon từ máy bay. Một phiên bản máy bay chạy bằng nhiên liệu hydro đã được lên kế hoạch cho năm 2035, trong khi phiên bản 50 chỗ ngồi dự kiến ra mắt năm 2040.

Embraer vẫn sẽ tiếp tục chú trọng những chặng bay nhỏ, bền vững - thị trường mà ông Souza nhận định chưa được khai phá hết tiềm năng. Báo cáo Triển vọng Thị trường năm 2023 của công ty gợi ý rằng “tương lai sẽ nằm ở phân khúc giữa”, tức các loại máy bay có sức chứa 100-150 chỗ ngồi.

“Chúng tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm thị trường dành cho các loại máy bay từ nhỏ đến lớn, từ thương mại đến quân sự. Đối với mỗi vấn đề, chúng tôi đều nói chuyện với nhiều đối tác nhằm tạo dựng các thương vụ kinh doanh. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa có động thái cụ thể nào (trong việc cạnh tranh với Boeing và Airbus)”, vị lãnh đạo của Embraer tuyên bố.

Hút khách theo cách riêng

Dù có phải mất hàng thập kỷ để có thể “soán ngôi” Boeing hay Airbus, Embraer hiện tại vẫn thành công với hướng phát triển của riêng mình, cùng số lượng khách hàng tăng trưởng theo thời gian.

240507170241-04-embraer-profile-lot.jpg
Hãng hàng không LOT đã trang bị máy bay của Embraer cho 43 trong tổng số 75 đội bay của mình. Ảnh: Kamil Wrzosek.

Bên cạnh các ông lớn của ngành hàng không Mỹ như American Airlines hay United Airlines, những “fan cứng” của hãng máy bay đến từ Brazil có thể kể đến LOT từ Ba Lan, nơi đã trang bị máy bay của Embraer cho 43/75 đội bay.

Krzysztof Moczulski, người phát ngôn của LOT, khẳng định độ tin cậy, hiệu quả và sự hấp dẫn đối với hành khách của máy bay Embraer khiến chúng trở nên không thể thiếu đối với hãng. “Những chiếc máy bay này đóng vai trò quan trọng trong chiến lược mở rộng mạng lưới, cho phép chúng tôi triển khai các đường bay mới, ngay cả đối với những điểm đến vốn có nhu cầu bay thấp”, ông cho biết.

Không chỉ các hãng hàng không, nhiều hành khách cũng “phải lòng” với các dòng máy bay của Embraer.

Ảnh: Forsaken Films/Unsplash.
Ảnh: Forsaken Films/Unsplash.

“Ở Mỹ, Boeing là công ty hàng đầu, là niềm tự hào của người Mỹ cho đến tận thời điểm gần đây, trong khi Airbus là một doanh nghiệp liên Âu. Nhưng giờ đây, chúng ta đã có Embraer."

Robert van der Linden, giám tuyển khu trưng bày vận tải hàng không tại Bảo tàng Hàng không Quốc gia (Mỹ)

“Ở châu Âu, Embraer là lựa chọn tốt nhất cho các chuyến bay hạng phổ thông”, Koen Berghuis - tổng biên tập trang du lịch Paliparan, người thường xuyên di chuyển trên các máy bay ERJ-175 82 của LOT, chia sẻ. “Có rất nhiều chỗ để chân, vai và một số hãng hàng không còn thiết kế chỗ ngồithoải mái. Bạn không có cảm giác như đang kẹt trong hộp cá mòi như những gì tôi từng cảm thấy khi ngồi trên chiếc Boeing 737 MAX. Việc lắp đặt ghế ngồi theo kết cấu 2-2 mang lại rất nhiều lợi ích”.

Đối với Robert van der Linden, lý do chính khiến Embraer không nhận được sự thu hút từ truyền thông và dư luận nhiều như Boeing hay Airbus vì đơn giản đây là hãng máy bay đến từ Brazil.

“Ở Mỹ, Boeing là công ty hàng đầu, là niềm tự hào của người Mỹ cho đến tận thời điểm gần đây, trong khi Airbus là một doanh nghiệp liên Âu. Nhưng giờ đây, chúng ta đã có Embraer", ông Linden nhấn mạnh.

Theo CNN, Fortune, SP Aviation
https://edition.cnn.com/embraer-airplanes-boeing-history/index.html
Copy Link
https://edition.cnn.com/embraer-airplanes-boeing-history/index.html
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hãng máy bay Brazil tham vọng cạnh tranh Boeing, Airbus
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO