Quốc tế

Hàng không châu Á có thể đối mặt mùa hè ảm đạm

Vân Vân 08/07/2024 07:20

Các hãng hàng không đã tiến hành nhận thêm lượng lớn tàu bay, song du khách vẫn chưa mặn mà với việc di chuyển bằng đường hàng không.

Các hãng hàng không châu Á đặt kỳ vọng du khách sẽ lựa chọn du lịch trong nước và quốc tế bằng đường hàng không mùa hè này.

Số liệu từ các hãng hàng không và trong ngành cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ và tỷ lệ ghế trống thấp.

Hãng bay sẵn sàng đón lượng khách lớn

Kinh tế của các quốc gia khu vực Đông Nam Á phụ thuộc nhiều vào ngành du lịch nên đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ giai đoạn dịch Covid-19. Đồng thời, các hãng hàng không ở khu vực này cũng không nhận được nhiều chương trình hỗ trợ từ chính phủ như ngành hàng không Mỹ và châu Âu.

Các hãng hàng không sẵn sàng nhận thêm tàu bay cho hè này. Ảnh: REUTERS.
Các hãng hàng không sẵn sàng nhận thêm tàu bay cho hè này. Ảnh: Reuters.

Điều này khiến kết quả kinh doanh của các hãng không mấy tích cực và phải tiến hành tái cơ cấu quy mô lớn. Dẫn chứng cụ thể là Thai Airways, trong 6 tháng đầu năm 2020, hãng lỗ ròng hơn 28 tỷ baht (khoảng 762 triệu USD). Đồng thời, khoản nợ của hãng cũng vượt quá giá trị tài sản ròng, buộc Thai Airways phải nộp đơn xin tái cơ cấu doanh nghiệp theo luật phá sản của Thái Lan.

Hay như ở Việt Nam, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đã có 4 năm thua lỗ liên tiếp, trước khi đạt kết quả kinh doanh tích cực vào quý I năm nay.

Đặt kỳ vọng vào việc du khách sẽ quay trở lại trong dịp hè, nhiều hãng hàng không ở Đông Nam Á đã tiến hành ký kết các hợp đồng lớn về việc mua máy bay.

Theo đó, hãng hàng không quốc gia Indonesia Garuda vừa lên kế hoạch thuê 8 máy bay trong năm nay. Mục tiêu của hãng là mở rộng đội bay lên đến 80 tàu và tăng tần suất các tuyến bay vào cuối năm nay. Chi phí thuê hàng tháng cho mỗi máy bay dao động khoảng 200.000-500.000 USD.

Còn Philippine Airlines đang tăng gấp 3 khoản đầu tư trong năm lên 450 triệu USD để nâng cấp và bảo dưỡng đội bay. Hãng hàng không này cũng lên kế hoạch đặt hàng 22 máy bay mới nhằm phục vụ các chuyến bay đến Bắc Mỹ và một số đường bay khác.

Để giành lại thị phần từ các đối thủ cạnh tranh ở châu Âu và châu Mỹ, Singapore Airlines cũng đã tăng chuyến bay một cách nhanh chóng. Kết quả là lợi nhuận ròng của hãng cho năm tài khóa 2023 là gần 2 tỷ USD, tăng 24% so với năm trước.

Trong khi đó, Thai Airways đã ký hợp đồng với Boeing và một số hãng khác để mua tổng cộng 45 máy bay nhằm tăng đội bay từ 70 chiếc vào cuối năm 2023 lên 96 chiếc vào năm 2033.

Vietnam Airlines cũng lên kế hoạch đón thêm 3 tàu bay Airbus A320neo để phục vụ hành khách vào đợt cao điểm hè.

Du khách chưa sẵn sàng trở lại

Thực tế cho thấy du khách vẫn chưa mặn mà trở lại với việc di chuyển bằng máy bay. Ngành hàng không đang dần thoát khỏi những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng chưa thật sự đạt được mức tăng trưởng bền vững.

Nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không vẫn ở mức thấp. Ảnh: Bussiness Insider.
Nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không vẫn ở mức thấp. Ảnh: Business Insider.

Các điểm du lịch nổi tiếng từ Nhật Bản đến Indonesia đã bắt đầu nhộn nhịp trở lại, Olympic Paris được kỳ vọng thu hút thêm các chuyến đi từ châu Á đến châu Âu, nhưng thực tế nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không vẫn thấp hơn đáng kể so với mức trước đây.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Hàng không châu Á - Thái Bình Dương (AAPA), các hãng hàng không Singapore Airlines, Cathay Pacific Airways, Japan Airlines và China Airlines đều ghi nhận số lượng hành khách di chuyển bằng đường hàng không trong thời gian qua tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ lấp đầy ghế tăng lên 80,9%.

So với giai đoạn 2020-2022, con số 28 triệu hành khách bay 160 tỷ km trong tháng 5 là một tín hiệu đáng mừng.

Tuy nhiên, nếu so với năm 2019, con số này vẫn thấp hơn tới 13%. Trước đại dịch, các thành viên AAPA thường xuyên ghi nhận ít nhất 25 triệu lượt bay và tổng quãng đường vượt quá 100 tỷ dặm mỗi tháng.

Các chuyên gia cho rằng quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ là một trong những nguyên nhân làm giảm nhu cầu du lịch/đi công tác giữa hai bên.

Ngoài ra, người dân Trung Quốc, một trong những nhóm khách quan trọng với ngành du lịch toàn cầu, cũng đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm hơn cho các chuyến đi xa.

Trong một báo cáo về ngành hàng không Đông Nam Á, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết do tính linh hoạt về nơi làm việc ngày càng tăng và những thay đổi trong chính sách đi công tác của công ty, bao gồm cả cam kết giảm thiểu khí thải carbon, dự báo sẽ có sự giảm sút về mức tăng trưởng các chuyến công tác.

Theo ADB, xu hướng mới này khiến số lượng các chuyến bay đi công tác ít hơn, nhưng thời gian kéo dài hơn. Các khách sạn và nhà hàng lúc này sẽ là người hưởng lợi nhiều hơn so với các hãng hàng không.

Do vậy, cách khả thi nhất để đạt được mức tăng trưởng tốt hơn là các hãng hàng không phải tìm cách thu hút du khách quay trở lại, giảm giá vé cũng được xem là một giải pháp phù hợp.

Theo The Japan Times, Nikkei Asia
https://asia.nikkei.com/Business/Transportation/Southeast-Asian-airlines-spend-big-to-cash-in-on-return-of-travelers, https://www.japantimes.co.jp/commentary/2024/07/05/world/asia-air-travel-summer/
Copy Link
https://asia.nikkei.com/Business/Transportation/Southeast-Asian-airlines-spend-big-to-cash-in-on-return-of-travelers, https://www.japantimes.co.jp/commentary/2024/07/05/world/asia-air-travel-summer/
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hàng không châu Á có thể đối mặt mùa hè ảm đạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO