Trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19, các hãng hàng không khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn đang gặp những thách thức về chuỗi cung ứng thiết bị phụ tùng máy bay, nguồn nhân lực...
Nhu cầu du lịch tại châu Á - Thái Bình Dương đã phục hồi sau đại dịch nhưng lợi nhuận của các hãng hàng không trong khu vực đang chịu ảnh hưởng từ các vấn đề về chuỗi cung ứng làm gián đoạn hoạt động và khiến các hãng bay phải tăng cường các quy tắc bảo vệ người tiêu dùng, các giám đốc điều hành trong ngành cho biết.
"Vấn đề về chuỗi cung ứng là thách thức lớn nhất mà ngành công nghiệp hàng không đang phải đối mặt", Subhas Menon, Tổng giám đốc Hiệp hội Hàng không châu Á - Thái Bình Dương (AAPA), cho biết tại cuộc họp thường niên tại Brunei tuần này.
Thời gian bảo dưỡng động cơ máy bay đang ở mức dài kỷ lục khi các hãng hàng không phải cắt giảm chuyến bay, di chuyển các bộ phận và thuê động cơ hoặc máy bay tạm thời để duy trì hoạt động.
CEO của hãng hàng không Thái Lan Thai Airways, Chai Eamsiri cho biết việc bảo dưỡng động cơ Rolls-Royce trên máy bay Boeing 787 trước đây mất khoảng 3 tháng nhưng giờ đã tăng lên khoảng 6 tháng.
"Chúng tôi phải kéo dài thời gian hoạt động của máy bay. Trước đây, chúng tôi hoạt động một ngày 12,5 giờ, hiện thời gian này đã lên hơn 13 giờ/ngày", ông nói với Reuters.
Các giám đốc của các hãng hàng không lớn bao gồm Thai Airways (Thái Lan), Singapore Airlines (Singapore), Malaysia Airlines (Malaysia) và Air Astana (Kazakhstan) bày tỏ sự thất vọng với thời gian bảo trì và cho biết các chính phủ đang cố gắng cải thiện biện pháp bảo vệ người tiêu dùng nên ngừng đổ lỗi cho các hãng hàng không về sự chậm trễ.
"Nguyên nhân gốc rễ xuất phát từ chuỗi cung ứng... Nhưng chúng tôi là người đối mặt với khách hàng", CEO Thai Airways phát biểu tại cuộc họp.
Malaysia, Australia, Thái Lan và Philippines nằm trong số các quốc gia tăng cường bảo vệ hành khách khi yêu cầu các hoàn tiền trong trường hợp chậm trễ và hủy chuyến, cũng như Mỹ, mặc dù các quy tắc không quá nặng nề như các quy định của EU yêu cầu thanh toán cho hành khách bị ảnh hưởng.
Các nhà sản xuất hàng không "phải hành động cùng nhau", Tổng giám đốc điều hành Air Astana Peter Foster cho biết.
Trong bối cảnh thiếu máy bay, lao động và phụ tùng, Malaysia Airlines chịu một loạt gián đoạn dịch vụ trong năm nay và cắt giảm 20% công suất của hãng kể từ tháng 9. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý hàng không dân dụng Malaysia đã cắt giảm thời hạn giấy phép khai thác của hãng từ 3 năm xuống còn 1 năm sau một cuộc điều tra.
"Tất cả các hãng hàng không đang 'bóp cổ' các nhà cung cấp của chúng tôi", Tổng giám đốc điều hành của Malaysia Airlines Izham Ismail nói. Việc bảo dưỡng động cơ từng mất khoảng 55 ngày trước đại dịch nhưng hiện tại cần tới 100 ngày hoặc hơn, Ismail cho biết.
Đại diện của Airbus và Rolls-Royce khẳng định hãng đang nỗ lực giải quyết các vấn đề về chuỗi cung ứng, bao gồm cải thiện khả năng tiếp cận tài chính của các nhà cung cấp.
Hoạt động du lịch ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm khoảng 32% lượng hành khách toàn cầu, phục hồi chậm hơn các khu vực khác trên thế giới do việc dỡ bỏ muộn các hạn chế đi lại do đại dịch, đặc biệt là ở Trung Quốc.
Trong tháng 9, lượng hành khách của 40 hãng hàng không có trụ sở tại châu Á - Thái Bình Dương đạt trung bình 97,5%, tương đương so với cùng kỳ năm 2019, theo dữ liệu của AAPA.
Các hãng hàng không trên toàn cầu ghi nhận nhu cầu ổn định nhưng giá vé máy bay đang giảm khi cơn sốt du lịch hậu đại dịch lắng xuống và hầu hết các máy bay đã hoạt động trở lại.
Singapore Airlines, được coi là hãng hàng không tiên phong trong khu vực, tuần trước đã công bố mức giảm 48,5% lợi nhuận ròng cho thấy sự cạnh tranh gay gắt và dự báo lợi nhuận của hãng sẽ tiếp tục chịu áp lực mặc dù nhu cầu đi lại tăng mạnh mẽ.