tạp chí bầu trời

HÀ TĨNH: ĐỀN THỜ CHẾ THẮNG PHU NHÂN NGUYỄN THỊ BÍCH CHÂU “CỔ KÍNH VÀ LINH THIÊNG”

Đền thờ Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu có Quyết định công nhận là Di tích lịch sử và Danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia vào tháng 8/1991. Đây là một di tích lịch sử đồ sộ, là nơi lưu giữ những chiến tích chiến tranh cổ xưa của thời nhà Trần.

Ngôi đền nằm ngay tại cửa biển, thuộc địa phận thôn Tam Hải 2, xã Kỳ Ninh - thị xã Kỳ Anh - tỉnh Hà Tĩnh, cách quốc lộ 1A khoảng 8km về phía Đông. Đền thờ còn có nhiều tên gọi khác nhau như: đền Bà Hải, đền Hải Khẩu, đền Bích Châu, đền Thánh Mẫu… Ngôi đền đã trở thành một địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người dân địa phương hàng trăm năm qua.

Cổng chính vào đền thờ Thánh mẫu Nguyễn Thị Bích Châu

Theo truyền thuyết kể rằng, Bà Hải tên thật là Nguyễn Cơ, tự Bích Châu, quê ở xã Bảo Lộc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Bà là con gái đại thần Nguyễn tướng công (một vị quan rất mực thanh liêm) và bà Phạm phu nhân.

Đến năm Long Khánh thứ nhất (1373), bà được vua Trần Duệ Tông tuyển làm Tả cung Quý phi, lấy hiệu là Phù Dung. Lúc bấy giờ, chế độ phong kiến nhà Trần suy vong, nhân tài không được trọng dụng, Quý phi Nguyễn Thị Bích Châu thảo bản “Kê minh thập sách” dâng lên nhà vua, được vua khen là thông tuệ.

“Kê minh thập sách” được khắc trên bia đá

Kê minh thập sách” của Quý phi Nguyễn Thị Bích Châu đã đưa ra được những điểm trọng yếu nhất, thiết thực nhất về đường lối Chính trị, Văn hóa, Quân sự để có thể giúp vua trị vì đất nước. 

Kê minh thập sách” không chỉ phù hợp với thời đại của nhà Trần lúc bấy giờ mà còn có giá trị to lớn đối với các thế hệ sau này.

Năm 1377, nhà vua ngự giá xuất quân “chinh phạt” quân Chiêm Thành, khuyên ngăn vua không được, bà bèn xin đi theo để hộ giá. Khi quan quân nhà Trần đến cửa Thị Nại (Quy Nhơn), vua Chiêm là Chế Bồng Nga cho sứ giả đem vàng ngọc tới dâng lên để lập mưu trá hàng, nhưng sau đó lại bất ngờ tiến đánh vào lúc nửa đêm. Trong trận giao chiến này, Nguyễn Thị Bích Châu đã bị trúng tên độc và từ trần vào đêm 11 rạng ngày 12 tháng 02 năm Đinh Tỵ. Nguyễn Thị Bích Châu hi sinh vì nghĩa lớn, vì nước, vì Vua.

Ba ngày sau, Vua Trần Duệ Tông vì thua trận, một phần cũng vì thương nhớ Quý phi Bích Châu nên đã lâm bệnh và băng hà. Lúc bấy giờ, vua Trần Phế Đế lên ngôi và lệnh đưa linh cữu của Quý phi Bích Châu về bằng đường biển. Tuy nhiên, lúc đến cửa biển Kỳ Hoa nghịch phong nổi lên kéo dài, đoàn thuyền không thể đi tiếp được. Vua Trần Phế Đế liền xuống chiếu cho an táng thi hài Bà tại đây và lập miếu thờ tại cửa khẩu huyện Kỳ Hoa (nay thuộc xã Kỳ Ninh – thị xã Kỳ Anh – tỉnh Hà Tĩnh) để nhân dân thờ phụng, hương khói.

Ba tòa điện lớn gồm Thượng điện, Trung điện và Hạ điện.

Năm 1470, niên hiệu Hồng Đức, vua Lê Thánh Tông lại ngự giá thân chinh đi đánh quân Chiêm Thành. Đi đến đây đóng quân nghỉ lại thấy phong cảnh có gì đó huyền bí, kì lạ khác thường. Bên bờ sông phát hiện ra ngôi miếu, tìm hiểu người dân địa phương thì được biết gần 100 năm sự tích của Cung phi Tràn Duệ Tông, một liệt nữ triều Trần. Vua Lê Thánh Tông cảm động và đã thốt lên: “đúng là Nữ Trung Hào Kiệt”. Sau đó Nhà vua thân chinh ngự giá dâng hương rồi viết bốn chữ “Nữ Trung Hào Kiệt” dán lên bài vị và nói: “Tiền triều người là bậc cứu quốc, anh hùng vì nước, vì vua mà bị vong thân, nay ta cũng vì nước bảo toàn bờ cõi mà đi dẹp giặc, có linh thiêng thì giúp trẫm kì khai đắc thắng, mã đáo thành công, khi bản xứ về triều sẽ khởi công lập miếu ban tặng”. Ngay đêm đó được báo mộng lành, vua Lê Thánh Tông xuất quân lên đường dẹp giặc. Ngày thắng trận trở về vua Lê Thánh Tông xuống chiếu cho xây dựng lại lăng mộ Bà với ba tòa điện lớn gồm Thượng điện, Trung điện và Hạ điện để ghi nhớ công ơn của liệt nữ Nguyễn Thị Bích Châu và đã ban chiếu sắc phong cho đền là Chế thắng Phu nhân

Đền thờ Thánh mẫu Nguyễn Thị Bích Châu được người dân cả nước biết đến là một địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng. Đền đã thu hút nhiều du khách thập phương viếng thăm bởi vẻ đẹp cổ kính và sự linh thiêng của ngôi đền. Hằng năm đón hàng ngàn lượt du khách trên cả nước ghé thắp hương, vãn cảnh đền và tìm hiểu về lịch sử văn hóa của ngôi đền. Là một điểm đến tâm linh được nhiều người dân lựa chọn.

Đền được công nhận là Di tích lịch sử và Danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia vào tháng 8/1991

Hàng năm, cứ vào ngày 11,12 tháng 2 Âm lịch, giữa tiết trời ấm áp Nhân dân địa phương và du khách thập phương lại tấp nập cùng nhau về đền dâng hương, tế lễ giỗ Thánh Mẫu với lòng tôn kính trang liệt nữ. Ngày giỗ của Thánh Mẫu hàng năm đã trở thành một lễ hội linh thiêng của bà con vùng cửa biển cũng như du khách thập phương.

Một số hình ảnh về Đền thờ Thánh Mẫu

Nhà Sắc

Miếu Quan Tả

Chuông lớn 

Khung cảnh bên trong ngồi đền

Hoàng Mỹ

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận