tạp chí bầu trời

GIẢI THƯỞNG PRITZKER 2022 TÔN VINH KIẾN TRÚC SƯ FRANCIS KÉRÉ – NGƯỜI GỐC PHI ĐẦU TIÊN ĐẠT GIẢI "NOBEL KIẾN TRÚC"

Giải thưởng kiến trúc Pritzker là giải thưởng quốc tế thường niên của quỹ Hyatt, bắt đầu từ năm 1979, để vinh danh một kiến trúc sư có phẩm chất kết hợp giữa tài năng, tầm nhìn và sự cam kết, thành tựu là những công trình kiến trúc mang lại ảnh hưởng to lớn cho xã hội và môi trường. Đây là giải thưởng cao quý nhất của thế giới về kiến trúc và được coi như giải Nobel của kiến trúc.

 

Ngày 15/03/2022, Chủ tịch Quỹ Hyatt, ông Tom Pritzker đã chính thức công bố giải thưởng Kiến trúc Pritzker năm 2022 thuộc về Kiến trúc sư, nhà giáo, nhà hoạt động xã hội Francis Kéré, quốc tịch Đức gốc Phi.

Là người gốc Phi đầu tiên được nhận giải Kiến trúc Pritzker, Francis Kéré được tôn vinh là một kiến trúc sư tiên phong của những công trình mang tính bền vững với trái đất và con người. Là kiến trúc sư, ông đồng thời là người hiến dâng tài năng phục vụ cải thiện cuộc sống của cư dân ở những khu vực nghèo khó, đang bị thế giới lãng quên. Hội đồng xét duyệt giải thưởng Pritzker năm 2022 đánh giá sự nghiệp và những công trình của Francis Kéré đã đề cao những giá trị và sứ mệnh của giải thưởng Pritzker một cách đầy tinh tế, bởi “vẻ đẹp của các tòa nhà mà Francis Kéré đã xây dựng, sự khiêm tốn và táo bạo đầy sáng tạo cũng như tính toàn vẹn, nhất quán trong quan điểm kiến trúc rất riêng biệt”…

Ảnh Trường Tiểu học Gando (năm 2001), được chính những người dân địa phương dưới sự hướng dẫn của kiến trúc sư Francis Kéré, xây dựng bằng “các dạng vật liệu bản địa và kỹ thuật hiện đại”. Đất sét được kết hợp với xi măng tạo thành những viên gạch có khối lượng nhiệt sinh học, giữ lại không khí mát hơn bên trong đồng thời cho phép nhiệt thoát ra qua trần gạch và mái nhà nhô cao, rộng, giúp thông gió mà không cần hệ thống điều hòa không khí.

Sinh trưởng ở Burkina Faso, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới nằm ở Tây Phi, năm 20 tuổi Francis Kéré được nhận học bổng học tập tại Đức và sau đó trở về quê hương  lập nghiệp. Sau những thành tựu đạt được tại Faso và một số quốc gia khác, ông đã thành lập văn phòng kiến trúc riêng trụ sở tại Đức. Kiến trúc sư Kéré bày tỏ quan điểm thiết kế: “Tôi mong muốn thay đổi quan niệm, thúc đẩy mọi người ước mơ và vượt qua rủi ro, nghịch cảnh. Không phải vì nghèo mà bạn không cố gắng tạo ra chất lượng, cũng như không phải vì giàu mà được phép lãng phí nguyên vật liệu. Mọi người đều xứng đáng với những công trình chất lượng, xứng đáng được hưởng thụ sự sang trọng và thoải mái. Kiến trúc cần phải kết nối mọi người trong mối quan tâm chung về khí hậu, nền dân chủ và những lo lắng về sự khan hiếm nguyên vật liệu”

Trường tiểu học Gando do Kéré thiết kế và xây dựng năm 2001 là thành công đầu tiên tại quê hương và là công trình thiết lập nền tảng của hệ tư tưởng sáng tạo của ông: kiến trúc không phải chỉ là một sản phẩm, mà là một quá trình, một công trình được thực hiện bởi cộng đồng và vì cộng đồng để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của mọi người dân và cứu vãn sự bất bình đẳng xã hội.

Ảnh: Công viên Quốc gia (Bamako – Mali), thiết kế của KTS Kéré

 

Ảnh: Học viện Công nghệ Burkina do KTS Francis Kéré thiết kế.

Rất nhiều công trình của Francis Kéré, bao gồm trường học, các cơ sở y tế, nhà ở, các tòa nhà dân sự và không gian công cộng, đã được xây dựng ở các quốc gia châu Phi nghèo đói, nơi thiếu trầm trọng cơ sở hạ tầng và không có kiến trúc với đầy những khó khăn và nghịch cảnh như Cộng Hòa Benin, Mali, Togo, Kenya, Mozambique và Sudan. Các công trình tiêu biểu của ông ở những nơi khác trên thế giới (Đan Mạch, Đức, Ý, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ) cũng luôn được lấy cảm hứng và kinh nghiệm từ các thiết kế ở châu Phi quê hương ông.

Ảnh chụp một phần công trình do KTS Kéré thiết kế, đặt tại công viên Hyde (London). Đây là những công trình được thực hiện hàng năm do những kiến trúc sư nổi tiếng thế giới thực hiện.

Giải thưởng Pritzker 2022 được trao cho Francis Kéré cũng chính là sự tôn vinh cho kiến trúc bản địa, những công trình kiến trúc được thiết kế nhằm đối phó với biến đổi khí hậu, sử dụng thông minh vật liệu và truyền thống xây dựng địa phương.

 

Nguyễn Hồng Nhật

(Biên tập và lược dịch từ Pritzkerprize.com)

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận