Ông lớn hàng không của vùng Trung Đông Etihad Airways (UAE) có kế hoạch phát hành cổ phiếu và đưa lên sàn chứng khoán (Initial Public Offering - IPO) sau năm 2025.
Đây có thể là đợt IPO đầu tiên của một hãng hàng không lớn khi thủ đô của UAE tăng cường nỗ lực trở thành trung tâm du lịch toàn cầu.
Chia sẻ với Reuters, một nguồn tin cho biết hãng hàng không Etihad Airways thuộc sở hữu của quỹ đầu tư quốc gia ADQ đã cân nhắc việc niêm yết trong năm nay. Hãng bay muốn cung cấp cho các nhà đầu tư kết quả tài chính năm nay để khẳng định hiệu quả trong hoạt động. Tuy nhiên, bất ổn địa chính trị trong khu vực cũng ảnh hưởng tới thời gian.
Hiện phía ADQ và Etihad Airways chưa lên tiếng về kế hoạch này.
Etihad Airways bắt đầu hoạt động vào năm 2003. Hãng đã chi hàng tỷ USD mua cổ phần thiểu số ở các hãng hàng không khác để tạo mạng lưới lớn hơn thông qua trung tâm Abu Dhabi và cạnh tranh tốt hơn so với các đối thủ vùng Vịnh là Emirates và Qatar Airways. Nhưng chiến lược đã thất bại khi nhiều hãng hàng không gặp rắc rối về tài chính.
Theo chiến lược "Hành trình 2030", hãng bay UAE có kế hoạch củng cố vai trò của Abu Dhabi như một trung tâm du lịch kết nối châu Á và châu Âu.
Các mục tiêu bao gồm mở rộng mạng lưới đường bay tới hơn 125 sân bay vào năm 2030 (tăng 55 đường bay so với hiện nay) và tăng đội bay từ 90 lên 160 tàu bay. Sân bay quốc tế Zayed (Abu Dhabi) đã mở một nhà ga mới trị giá hàng tỷ USD vào năm trước, tăng 3 lần công suất hàng năm lên 45 triệu hành khách.
Antonoaldo Neves, CEO của Etihad Airways, cho biết vào tháng 11/2023: "Nhiệm vụ của chúng tôi rất rõ ràng, cung cấp dịch vụ khách hàng đặc biệt và lợi nhuận bền vững, làm nền tảng cho sự đóng góp của Etihad cho khát vọng của Abu Dhabi".
Tháng trước, ông lớn hàng không của vùng Trung Đông công bố lợi nhuận 6 tháng đầu năm tăng 48% với số hành khách tăng 38% lên 8,7 triệu. Ông Antonoaldo Neves cho biết Etihad đang cải thiện tính minh bạc, quản trị và bảng cân đối kế toán để sẵn sàng gia nhập IPO nếu ADQ quyết định niêm yết.
Etihad cũng đang đối mặt với sự chậm trễ nhận máy bay mới từ nhà sản xuất máy bay Airbus và Boeing. Điều này khiến một số hãng hàng không phải thu hẹp kế hoạch tăng trưởng trong bối cảnh du lịch quốc tế bùng nổ kể từ sau đại dịch.