“Phần thiệt" không bằng “phần hơn" khi Boeing đồng ý với thỏa thuận nhận tội của Bộ Tư pháp Mỹ.
Ngày 8/7, Boeing đồng ý nhận tội lừa đảo các cơ quan quản lý của Mỹ. Nếu bản nhận tội được thẩm phán liên bang thông qua, Boeing sẽ trở thành tội phạm nghiêm trọng.
Dẫu có vẻ Boeing chịu tội nặng, quyết định này làm nhiều người không hài lòng.
Paul Cassell, giáo sư luật tại Đại học Utah (Mỹ), người đại diện cho nhiều thành viên gia đình nạn nhân 737 MAX phản ứng: "Thỏa thuận này không thừa nhận 346 người thiệt mạng vì âm mưu của Boeing. Thoả thuận đánh lừa người dân và tỏ ra hào phóng với Boeing nên rõ ràng không vì lợi ích cộng đồng".
Đại diện gia đình các nạn nhân muốn nhà sản xuất máy bay lớn thứ nhì thế giới phải ra tòa và chịu hậu quả tài chính nghiêm trọng hơn. Phía luật sư đại diện hoàn toàn đủ cơ sở khi gọi điều khoản nhận tội là “thỏa thuận ngọt ngào” với Boeing.
Theo phân tích từ Bloomberg, mặc dù lời nhận tội đánh dấu thêm cột mốc tồi tệ trong lịch sử Boeing, nó vẫn có thể giúp tập đoàn này vượt qua giai đoạn khó khăn về tài chính và bất ổn về lãnh đạo.
Ngày 30/6, Bộ Tư pháp Mỹ cho Boeing hai lựa chọn: nhận tội theo thỏa thuận hoặc ra toà. Boeing chọn cách đầu tiên, giúp họ tránh khỏi phiên tòa đầy cam go và dai dẳng, có thể kéo dài nhiều tháng, hao tốn tiền của và công sức.
Những diễn biến xoay quanh các phiên tòa có khả năng làm tình hình kinh doanh của Boeing vốn đã tệ lại càng tệ thêm.
Trên hết, những câu hỏi hóc búa ở toà án có thể khiến tập đoàn này bộc lộ thêm nhiều điểm yếu. Nói cách khác, Boeing nhận tội để tránh phơi bày thêm tội.
Nếu không nhận tội và phải ra toà, Boeing có thể đối mặt với thất bại thảm hại trước công tố viên. Thua cuộc ở toà án có thể dẫn đến bản án nặng nề hơn rất nhiều so với thỏa thuận nhận tội.
Gật đầu nhận tội cũng giúp nhà sản xuất máy bay này thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm sự chấp thuận cho kế hoạch mua lại Spirit AeroSystems, vốn vẫn đang trong quá trình triển khai.
Dẫu vậy, một vấn đề luôn có 2 mặt.
Động thái nhận tội - nếu được thẩm phán liên bang chấp nhận - sẽ biến Boeing trở thành tội phạm nghiêm trọng. Việc nhận tội đặt Boeing vào nguy cơ bị đình chỉ hợp đồng chính phủ với Bộ Quốc phòng Mỹ và NASA, dù nhà chế tạo này là nhà thầu quan trọng.
Tại Mỹ, cơ quan quản lý có thể sử dụng bản án hình sự làm căn cứ để loại trừ các công ty khỏi việc kinh doanh với chính phủ. Việc "cách ly" kinh doanh có thời hạn trong một khoảng thời gian nhất định.
Nếu chuyện này không còn nằm trong chiếc kén “nguy cơ” mà tiến hoá thành con sâu bướm “hiện thực", nó chẳng khác nào cú đấm trời giáng cho tình hình kinh doanh của Boeing vì hợp đồng với chính phủ chiếm 37% trong doanh thu hãng, theo số liệu 2023.
Hiện nay, hợp đồng với chính phủ là mạch máu nuôi sống Boeing vì họ dựa vào bộ phận quốc phòng để chống lại doanh thu sụt giảm mạnh ở bộ phận máy bay thương mại.
Các chuyên gia quốc phòng cho biết thoả thuận nhận tội của Boeing được xem xét kỹ lưỡng bên ngoài nước Mỹ.
Trên lý thuyết, Boeing trong tương lai có thể đối mặt với những hạn chế xuất khẩu sang nhiều thị trường quốc tế. Ví dụ, ở nước Anh, nơi vận hành máy bay tuần tra hàng hải P-8A của Boeing và Liên minh châu Âu đều có quy định cấm nhà thầu có tiền án tham gia đấu thầu các hợp đồng chính phủ trong thời hạn nhất định.
Keith Hayward, thành viên của Hiệp hội Hàng không Hoàng gia Anh cho biết trong trường hợp xấu nhất, Boeing sẽ bị cấm đấu thầu, nhưng vị này cũng nhấn mạnh đây là một hoạt động kinh doanh mang tính chính trị cao.
Boeing bị cấm hay không phụ thuộc vào việc khách hàng muốn sản phẩm tốt đến mức nào và liệu hãng này có kiểm soát một dòng sản phẩm cụ thể. Máy bay P-8 của Boeing là một ví dụ điển hình, không có nhiều lựa chọn thay thế.
Quyết định nhận tội cũng có thể ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh và giá cổ phiếu Boeing. Cổ phiếu của hãng đang ở trong tình trạng tệ hại, đã giảm hơn 29% tính đến từ đầu năm.
Công cụ phân tích rủi ro của trang TipRanks cho thấy Boeing đang đối mặt với rủi ro cao hơn mức trung bình của ngành. Rủi ro sản xuất chiếm 26,9% tổng rủi ro, cao hơn mức trung bình của ngành là 18,5%.
Boeing cũng đối mặt với rủi ro cao hơn trong các mục pháp lý - quy định và khả năng bán, cho thấy những thách thức lớn hơn nằm bên ngoài vấn đề sản xuất.
Dẫu vậy, khi đặt lên bàn cân, rõ ràng "phần thiệt” không bằng “phần hơn” khi Boeing nhận tội. Họ hoàn toàn có thể xin cơ quan quản lý quyền miễn trừ, cho họ tiếp tục thực hiện hợp đồng với chính phủ. Tại Mỹ, các cơ quan thường có thẩm quyền chấp nhận những trường hợp ngoại lệ.
Mặc dù tình huống Boeing đang đối mặt là hiếm ở Mỹ, không phải không có. Bản thân Boeing từng trải nghiệm.
Năm 2006, Không quân Mỹ nêu lý do “lợi ích quốc gia cấp bách” để cho phép Boeing tiếp tục cạnh tranh giành hợp đồng, ngay cả khi tập đoàn thừa nhận cáo buộc sử dụng thông tin đánh cắp để giành hợp đồng phóng tàu vũ trụ và nộp khoản tiền phạt 615 triệu USD.
Năm 2008, Cơ quan Hậu cần Quốc phòng Mỹ miễn trừ cho Siemens AG để họ vẫn là nhà thầu có trách nhiệm với hoạt động kinh doanh của chính phủ Mỹ, vẫn được tham gia đấu thầu hợp đồng chính phủ, dù Siemens thừa nhận vi phạm luật chống tham nhũng.
Do đó, có đủ căn cứ để thấy khả năng Boeing mất hợp đồng với chính phủ là rất thấp.