Quý I/2025, Hà Nội ước đón 7,3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 1,85 triệu lượt. Tổng doanh thu từ du khách đạt gần 30.000 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ 2024.
Theo thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội, chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, Thủ đô đón khoảng 7,3 triệu lượt khách, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 1,85 triệu lượt (tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước) và khách nội địa ước đạt 5,4 triệu lượt (tăng 6% so với cùng kỳ năm 2025). Tổng doanh thu từ du khách trong quý 1 ước đạt 29.930 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 3, khoảng 2,61 triệu lượt khách du lịch tới Hà Nội. Khách quốc tế đạt 709.000 lượt, đây cũng là tháng có doanh thu du lịch cao nhất của quý 1 với gần 11.000 tỷ đồng.
Sở Du lịch Hà Nội cho biết tháng 4 và quý II/2025 Sở sẽ ra mắt các sản phẩm du lịch mới như: sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với các giá trị di sản - di tích tại điểm du lịch Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng; tuyến du lịch "Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội" tại các huyện: Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên; mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại xã An Phú, huyện Mỹ Đức; mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn tại xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ…
Ngoài ra, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới của Thủ đô trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước và quốc tế để thu hút khách đến Hà Nội với thông điệp xuyên suốt "Hà Nội - Đến để yêu" và "Hà Nội - Điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn"; tổ chức các chuỗi sự kiện, chương trình hấp dẫn, đặc sắc, quảng bá du lịch Thủ đô theo hướng chuyên nghiệp.
Đặc biệt, Sở chủ động xây dựng kế hoạch xúc tiến du lịch tại các thị trường trong nước và quốc tế từ đầu năm, theo hướng chuyên nghiệp, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo dựng hình ảnh điểm đến Hà Nội có chất lượng cao. Tiếp tục triển khai thực hiện biên tập, dịch các bài thuyết minh đã được chuẩn hóa từ tiếng Việt sang 5 thứ tiếng: Anh, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch phối hợp, liên kết đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đồng thời ba đội ngũ: quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động nghề du lịch thực sự chuyên nghiệp về nghiệp vụ, ngoại ngữ, kỹ năng. Triển khai áp dụng các tiêu chuẩn nghề quốc gia về du lịch trong đào tạo, giảng dạy, tiến đến áp dụng các tiêu chuẩn nghề theo chuẩn quốc tế.
Địa phương cũng sẽ đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cho cộng đồng dân cư làm du lịch kỹ năng nghề và kỹ năng mềm, ứng xử văn minh du lịch, nâng cao ý thức trách nhiệm phát triển du lịch theo hướng bền vững; đẩy mạnh ứng dụng nền tảng địa chỉ số trong hoạt động du lịch; tiếp tục số hóa hệ thống thông tin số về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch, thị trường du lịch Hà Nội.
Cũng theo thông tin từ Sở Du lịch, Thủ đô hiện có 3.761 cơ sở lưu trú với 71.256 phòng; trong đó có 85 khách sạn, khu căn hộ trong thời hạn xếp hạng từ 1-5 sao với tổng số 11.965 phòng. Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn trong tháng 3 ước đạt 62,25% (giảm 2,1% so với cùng kỳ 2024). Công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú quý I, ước đạt 61,6% (giảm 0,5% so với cùng kỳ 2024).
Theo số liệu báo cáo (tính đến ngày 18/3) trên địa bàn Hà Nội có 2.045 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế; 524 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; 32 doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch, 7 văn phòng đại diện doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài; 6.528 hướng dẫn viên du lịch quốc tế; 2.412 hướng dẫn viên du lịch nội địa và 158 hướng dẫn viên du lịch tại điểm đang hoạt động.
"Những kết quả đạt được trong quý I tạo đà cho sự phát triển trong những tháng tiếp theo với mục tiêu ngành du lịch Thủ đô sẽ đón khoảng 26-27 triệu lượt khách trong năm 2025, trong đó có 6-7 triệu lượt khách quốc tế", lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội cho biết.